Thứ sáu, 22/11/2024 | 14:40
RSS

Nổi mề đay, dị ứng có nên bôi dầu? Top 5 loại tinh dầu nên dùng

Thứ ba, 19/09/2023, 14:38 (GMT+7)

Nhiều người thường thắc mắc rằng khi bị nổi mề đay có nên bôi dầu hay không? Liệu sức dầu sẽ giúp làm giảm tình trạng ngứa ngáy khó chịu hay sẽ càng làm nặng thêm? Bài viết sau sẽ giải đáp thắc mắc này của bạn, đồng thời đưa ra những lưu ý cùng những loại dầu nên sử dụng để trị nổi mề đay cực kỳ hiệu quả.

I - Nổi mề đay, dị ứng mẩn ngứa bôi dầu được không?

Nổi mề đay rất hay thường gặp, trên da nổi những mảng sưng phù, mẩn đỏ đủ các kích thước khác nhau ngứa ngáy, khó chịu vô cùng. Vùng da bị mẩn ngứa có thể lan rộng ra. Có nhiều nguyên nhân khiến da nổi mề đay: dị ứng thời tiết dị ứng thức ăn; các bệnh về da; chức năng gan suy giảm; một số tác nhân như môi trường sinh sống, tác dụng phụ của thuốc...

Còn về tinh dầu, đây là thứ khá quen thuộc của mỗi gia đình. Bên cạnh công dụng tạo hương thơm tinh dầu mang lại nhiều công dụng hữu ích giảm đau đầu, giảm căng thẳng lo lắng, giảm viêm, chống vi trùng….

Khi bị dị ứng mề đay chúng ta có thể dùng tinh dầu, mà phổ biến nhất là dầu gió để bôi lên những vị trí nổi mề đay. Các chất kháng viêm trong tinh dầu sẽ giúp da được làm mát, giảm kích ứng,  giúp bớt sưng, ngứa, hạn chế mề đay lan rộng đồng thời tiêu diệt các "tác nhân" gây ngứa trên da.

Tuy nhiên bạn cần phải chọn đúng loại dầu để bôi mới đem lại hiệu quả tốt. Chỉ nên dùng những loại dầu bôi ngoài da, không nên dùng những loại tinh dầu “liều cao” như dầu xoa bóp có tính sát khuẩn bởi như vậy sẽ gây bỏng rát, phồng rộp cho da.

Do đó, người bị mề đay nên tham khảo lựa chọn loại tinh dầu an toàn nên dùng và nên tránh như sau:

  • Loại tinh dầu nên dùng: Các loại tinh dầu có nguồn gốc từ thảo dược và chiết xuất từ thiên nhiên, do chúng ít gây kích ứng, bỏng rát và có tác động nhẹ nhàng mà hiệu quả.
  • Loại tinh dầu không nên dùng: Những loại dầu hoặc dầu chứa chất sát trùng, diệt khuẩn mạnh vì chúng có thể gây bỏng rát làn da thậm chí sưng viêm, đau nhức nặng hơn so với ban đầu.

Dị ứng mẩn ngứa mề đay có nên sức dầu không?

II - Những loại tinh dầu nên dùng để giảm nổi mề đay trên da nhanh chóng

Những người thường xuyên gặp triệu chứng nổi mề đay có thể sử dụng những loại tinh dầu sau đây để giảm bớt tình trạng mẩn ngứa mề đay:

1. Tinh dầu bạc hà (dầu gió)

Tinh dầu bạc hà với các đặc tính làm mát dịu da nhanh chóng, tiêu viêm sưng, sát trùng ngoài da giúp giảm ngứa ngáy các vết côn trùng cắn, mẩn ngứa.

Phổ biến trên thị trường có dầu gió với thành phần từ tinh dầu và các chiết suất từ tinh dầu bạc hà mang đến cảm giác mát tê tại chỗ, thường được sử dụng trong những trường hợp bị ngứa ngoài da.

Thoa vừa đủ một lượng dầu gió bạc hà lên vùng da bị mẩn ngứa sẽ giúp giảm ngứa mau chóng, nốt sưng phồng giảm đi dần dần. Lưu ý nên tránh không nên dùng cho trẻ sơ sinh, trẻ con ít tuổi.

Nổi mề đay có thể bôi dầu gió để giảm ngứa, sưng viêm

2. Tinh dầu hoa cúc

Tinh dầu hoa cúc được chiết xuất từ hoa cúc nên có mùi thơm nhẹ đặc trưng, tính mát dịu da. Dùng tinh dầu hoa cúc rất an toàn, lành tính, ít gây kích ứng da hơn so với tinh dầu bạc hà. Các bạn có thể dùng cho vết thương hở cũng được.

  • Giảm ngứa da: Tinh dầu có độ ẩm cao không chỉ giúp giảm ngứa ngáy da mà còn rất tốt cho các tình trạng da khô nứt nẻ, mất nước, bong tróc.
  • Khử trùng kháng viêm: Theo nghiên cứu một số hoạt chất trong hoa cúc như Acid Benzoic và Benzyl benzoat giúp diệt khuẩn, diệt nấm, kháng virus rất tốt.

Ngoài ra tinh dầu hoa cúc còn có rất nhiều các công dụng khác như: giúp giảm đau, an thần dễ ngủ, tốt cho tiêu hóa.

Tinh dầu hoa cúc cũng có thể giảm dị ứng mẩn ngứa

3. Tinh dầu tràm trà

Cây tràm trà, thuộc họ chè, có khả năng kháng khuẩn và chống viêm tốt, giúp cải thiện hiệu quả của quá trình điều trị các bệnh về da. Do đó tinh dầu tràm trà cũng thường được dùng để giảm các triệu chứng của mề đay. Nhẹ nhàng xoa một chút tinh dầu tràm trà lên vùng da bị tổn thương giúp giảm bớt đi ngứa ngáy, kiểm soát tốt nổi mề đay, mụn nhọt, phát ban do dị ứng…

4. Tinh dầu hoa oải hương

Cánh hoa oải hương sau khi được chưng cất sẽ cho ra tinh dầu với độ an toàn cao. Tinh dầu có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng, rất dễ chịu. Loại tinh dầu này dùng để sát khuẩn, tiêu viêm tốt giúp cải thiện hiệu quả trường hợp bị nổi mề đay ngứa ngáy, côn trùng cắn. Bôi vào sau vài phút sẽ giảm ngứa, các nốt sưng đỏ gây ngứa cũng xẹp dần và mất đi.

Bên cạnh khả năng trị các vết mề đay, tinh dầu oải hương còn đem lại công dụng dưỡng da trước khi đi ngủ. Không chỉ giúp bạn thư giãn và cảm thấy dễ chịu, mà còn có tác dụng tốt trong việc nâng cao chất lượng giấc ngủ, giúp bạn có giấc ngủ sâu hơn.

Tinh dầu hoa oải hương

5. Tinh dầu phong lữ

Tinh dầu phong lữ là loại dầu an toàn từ thiên nhiên, được được chiết xuất lá, hoa và cả phần thân của cây phong lữ. Tinh dầu an toàn từ thiên nhiên này giúp trị mụn nhọt, mẩn ngứa mề đay cùng các vấn đề về da rất tốt.

Người bị mẩn ngứa nổi mề đay bôi chút tinh dầu phong lữ giảm ngứa ngáy mau chóng, cảm giác dễ chịu chỗ vết ngứa, các nốt mẩn ngứa đỡ lan rộng ra vùng da khác, nốt sưng phồng cũng xẹp đi nhiều.

Đặc biệt để ngăn ngừa vùng da dị ứng, nổi mề đay sưng đỏ nhiễm trùng, chúng ta có thể kết hợp hỗn hợp tinh dầu phong lữ cùng với dầu dừa xoa nhẹ nhàng lên vùng da bị tổn thương.

Ngoài ra trong loại tinh dầu này có chứa các hoạt chất công dụng tương tự như kháng sinh amoxicillin chống lại nhiều chủng vi khuẩn giúp bảo vệ cho làn da khỏi bị nhiễm trùng. Trộn đều tinh dầu cùng với nước xịt lên cơ thể là một biện pháp an toàn, đơn giản giúp xua đuổi muỗi cũng như các loại côn trùng khác.

Tinh dầu phong lữ

III - Cần lưu ý điều gì khi bôi dầu lên da bị nổi mề đay?

Bôi tinh dầu trên da nổi mề đay giúp làm dịu da và giảm viêm, loại bỏ nhanh các triệu chứng ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, sẩn phù. Tuy nhiên cần có những lưu ý trong việc dùng tinh dầu để an toàn và hiệu quả.

  • Trước khi dùng loại dầu hay tinh dầu nào chúng ta cũng cần trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia giàu kinh nghiệm đã từng sử dụng để biết thêm về công dụng, cách dùng và những lưu ý cần thiết khác.
  • Trước khi bôi dầu nên vệ sinh vùng da sạch sẽ. Khi bôi xong chúng ta nên kết hợp massage giúp cho dầu thẩm thấu sâu vào các tế bào biểu bì da.
  • Hạn chế bôi tinh dầu vào những vùng da có vết thương hở, chảy máu hay nhạy cảm quá mức, vùng da ở gần mắt.
  • Khi bôi nên bôi với lượng vừa đủ, tránh bôi quá nhiều trên diện rộng rất dễ dẫn đến kích ứng khiến tình trạng sưng ngứa, nổi mẩn đỏ ngày càng nghiêm trọng hơn. Tốt nhất nên thử bôi trước ở một vùng da nhỏ, nếu thấy nổi mẩn đỏ, ngứa rát thì không nên dùng tiếp.

Lưu ý khi bôi dầu trên da mề đay

Bôi dầu mang lại hiệu quả tốt song không phải người nào cũng dùng được, nhất là những đối tượng sau:

  • Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có làn da mỏng nhạy cảm không nên dùng kẻo gây bỏng rát, tổn thương da của các bé. Đặc biệt không dùng cho trẻ sơ sinh vì có thể gây ức chế hô hấp.
  • Bà bầu hoặc phụ nữ đang cho con bú cũng cần hạn chế sử dụng dầu gió nếu bị mề đay.
  • Nhóm đối tượng sau cũng nên hạn chế dùng: bị lở ngứa, đổ mồ hôi, người suy nhược, mới ốm dậy, táo bón, huyết áp cao.

IV - Một số mẹo khác giúp giảm nổi mề đay, mẩn ngứa

Những ai từng bị nổi mề đay mẩn ngứa mới thấm thía được hết những khó chịu, phiền toái mà nó gây ra. Ngoài cách nổi mề đay bôi dầu để giảm sưng, ngứa các bạn hoàn toàn có thể thực hiện kết hợp một số mẹo nhỏ sau để mang lại hiệu quả.

1. Chườm lạnh

Một mẹo đơn giản, dễ làm và mang lại hiệu quả tích cực. Nước đá hay những viên đá lạnh giúp xoa dịu đi cảm giác ngứa, làm mát da, ngăn chặn sự lây lan các tổn thương nổi mề đay.

Bạn có thể dùng khăn bọc đá hoặc giặt khăn nước lạnh rồi chườm lên vùng da mẩn ngứa dị ứng khoảng từ 10 - 20 phút sẽ thấy vừa dễ chịu lại giảm bớt độ sưng đỏ.

Chườm lạnh khi bị mề đay

2. Tắm bồn

Để giảm bớt tình trạng nổi mề đay mẩn ngứa các bạn có thể dùng một số nguyên liệu để pha vào nước tắm: bột yến mạch, baking soda. Lưu ý nên tắm bằng nước mát, không nên dùng nước ấm hoặc nóng kẻo gây tác dụng phụ khiến mề đay ngày càng lan rộng. Ngâm mình trong bồn tắm khoảng 15 - 20 phút sẽ giúp các cơn mẩn ngứa, nổi mề đay được đẩy lùi.

3. Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát

Các bạn nên ưu tiên những trang phục không bó sát, có chất vải mềm mại, mát, thấm mồ hôi tốt. Như vậy làn da mới thoáng khí đỡ bị kích ứng, tránh được bụi bẩn, mồ hôi, dầu thừa tích tụ trên da gây tắc nghẽn lỗ chân lông hình thành nên mụn. Ngoài ra người bị mề đay nên vệ sinh sạch sẽ cơ thể, thay quần áo hằng ngày. Chăn, ga, gối đệm cũng cần giặt thường xuyên cho sạch sẽ.

4. Ăn uống thực phẩm mát

Thực phẩm thanh nhiệt, loại bỏ tạp chất giúp cơ thể mát từ bên trong, từ đó da dẻ mịn màng, hạn chế nổi mụn, nổi mề đay. Tăng cường ăn các loại rau củ quả như mướp đắng, dưa chuột, rau má, các loại nước ép trái cây họ cam chanh, bưởi.

Thực phẩm có tính mát

5. Tránh stress, căng thẳng

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chịu áp lực, căng thẳng trong suốt thời gian dài cũng là yếu tố tăng nguy cơ nổi mề đay, nổi mụn. Nhất là những người sẵn có làn da nhạy cảm, dễ nổi mụn tình trạng sẽ ngày càng nặng hơn. Vậy nên các bạn hãy hướng đến lối sống tối giản, nghe nhạc, thiền định, tập yoga để tâm trạng thoải mái, thư giãn hơn.

Khi bị nổi mề đay chúng ta vẫn có thể bôi dầu để giảm sưng, ngứa song cần phải chọn đúng loại dầu phù hợp, sử dụng đúng cách mới mang lại hiệu quả tích cực. Biện pháp này giúp dịu bớt đi triệu chứng tạm thời. Nếu thấy nổi mề đay nặng hơn, thường xuyên dai dẳng thì nên đi thăm khám để có hướng xử lý hiệu quả, giảm thiểu biến chứng, ngăn ngừa tái phát.

DS. Minh Huệ
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại