Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:06
RSS

Nỗi khiếp sợ mang tên “Ngũ hổ rặng ổi” và sự điên cuồng của những kẻ “thích là bắn”

Thứ bảy, 20/05/2017, 09:58 (GMT+7)

Biết mình nếu bị bắt thì cũng sẽ nắm chắc trong tay cái án “tựa cột” nên Động và đồng bọn đã điên cuồng xuống tay cướp bóc. Có đêm, chúng tiến hành đến 3-4 vụ, vụ nào cũng để lại những hậu quả thương tâm, kinh hoàng.

LTS: Đến bây giờ nhiều người dân ở Hải Phòng, đặc biệt là dân huyện Thủy Nguyên và vùng lân cận vẫn chưa thể nào nguôi ký ức hãi hùng về băng cướp nhà họ Phạm, từng giết người không gớm tay, nã đạn như vãi trấu vào bất cứ ai hồi đầu thập niên 80.

Trộm được lượng lớn vũ khí từ một kho quân khí, lại xuất thân từ lính đặc công, toán cướp ác mộng lộng hành và đã gieo rắc không biết bao nhiêu tang thương cho người vô tội, kể cả lực lượng truy bắt. Trong lịch sử đấu tranh chống tội phạm cướp giật Việt Nam thì chắc chắn chưa từng có một toán cướp nào mà lực lượng truy bắt phải dùng đến hỏa lực mạnh là súng B40 để tiêu diệt.

Cọp dữ về rừng

Thượng tá Nguyễn Trọng Lộ - Nguyên Phó phòng CSHS Công an Hải Phòng, người tham gia bắt băng cướp do Phạm Văn Động cầm đầu

Thượng tá Nguyễn Trọng Lộ - Nguyên Phó phòng CSHS Công an Hải Phòng, người tham gia bắt băng cướp do Phạm Văn Động cầm đầu

Như đã thông tin ở bài trước, sau cuộc đấu súng lạnh lùng khiến 5 cán bộ công an thiệt mạng trên sông, Phạm Văn Động, Phạm Văn Đông, Phạm Văn Tú đã chạy thẳng về Thủy Nguyên.

Cạnh xã Thủy Triều, nơi anh em Phạm Văn Động, Phạm Văn Đông sinh ra và lớn lên là xã Lập Lễ, cũng thuộc huyện Thủy Nguyên. Xã này nằm ở ngay cửa sông Bạch Đằng, nơi có bạt ngàn rừng sú. Và, nơi đây cũng tiếp giáp với sông Ruột Lợn, sông Cấm nên giao thương tấp nập, kênh rạch mịt mùng. Bởi địa hình “nhiều cửa thoát” ấy nên băng cướp này quyết định lấy nơi đây làm “căn cứ”, “đại bản doanh” của mình.

Tại “hang ổ” này, từ thuở thiếu thời, Động quen từng gốc sú, thuộc từng lạch tắt, kênh ngang nên y nghĩ khi đã thụt về đây, với kinh nghiệm sông nước được tôi rèn nhiều năm của mình thì y có thể qua mặt bất cứ lực lượng tinh nhuệ nào nếu họ tìm về vây bắt.

Động là con thứ 7, trên hắn có mấy người anh. Ngoài người anh cả đã hy sinh trong chiến trường thì những người còn lại cũng hệt như hắn và Đông, đều là những giang hồ có số má ở đất Cảng. Thậm chí, về thành tích bất hảo thì người anh kế của hắn, tên Phạm Văn Hoạt còn nổi trội hơn nhiều.

Theo một dân quân, người đã tham gia vây bắt băng nhóm của Động hiện vẫn đang sống ở xã Thủy Triều thì ngay từ ngày Động đi bộ đội thì Hoạt đã “nổi tiếng” khắp Hải Phòng về những… thành tích bất hảo. Hoạt dáng người mảnh khảnh, liêu xiêu nhưng máu liều thì chẳng ai sánh bằng.

Ở địa phương, chẳng ai dám dây với kẻ hở ra là “nói chuyện” bằng đánh đấm, đâm chém này. Tuy nhiên, ngày ấy, ở Thủy Nguyên, nhiều người vẫn chưa biết “uy danh lẫy lừng” của Hoạt. Mọi người ở quê cũng chỉ nghĩ hắn là một tên côn đồ, lười lao động, thích ăn trắng mặc trơn. Thế nhưng, những ai đã bước chân vào chiếu giang hồ ở Hải Phòng thời kỳ đó thì đều biết đến danh tiếng của gã “trai quê” này.

Giang hồ đất Cảng gọi hắn là Tiến Khứa và “người trong giang hồ” cũng chỉ biết đến hắn qua cái tên này. Cho đến bây giờ cũng chẳng ai biết gốc tích cái tên đó thế nào, chỉ biết rằng, thời đó, nhắc đến Tiến Khứa là nhắc đến sự lạnh lùng, tàn bạo.

Phạm Văn Bi là người anh thứ hai của Động. Kẻ này cũng máu lạnh như các em của mình. Khi Động, Đông, Tú trốn tù trở về, không biết do “thương mấy thằng em dại” hết đường thoát hay bởi máu giang hồ được dịp trào sôi mà Bi với Hoạt đã nhanh chóng nhập bọn, cùng nhau cướp bóc, vẫy vùng.

Từ khi “ổn định quân số” là 5 nhân mạng thì hỗn danh “ngũ hổ rặng ổi” cũng chính thức ra đời. Ngày ấy, thôn Kinh Triều có rặng ổi già, phô trương thanh thế và thể hiện thái độ “coi trời bằng vung” 5 tên ác bá này đã tự đặt cho mình hỗn danh quái đản này.

Biết mình nếu bị bắt thì cũng sẽ nắm chắc trong tay cái án “tựa cột” nên Động và đồng bọn đã điên cuồng xuống tay cướp bóc. Có đêm, chúng tiến hành đến 3-4 vụ, vụ nào cũng để lại những hậu quả thương tâm, kinh hoàng. Những vụ cướp táo tợn ở sông Ruột Lợn, sông Bạch Đằng, sông Cấm đều có bóng dáng của băng cướp này.

Ông Đỗ Văn Nhật, nguyên Chủ tịch UBND xã Thủy Triều nhớ lại, ngày ấy, cứ thoáng thấy những kẻ mặc áo mưa kiểu của bộ đội, đội mũ len kín mít chỉ để hở hai mắt là mọi người sợ mất vía. Khi ấy, chúng gõ cửa nhà ai, lên thuyền đánh cá của ai thì chúng thích lấy gì thì “khổ chủ” phải chiều, nhược bằng không thì những khẩu súng quân dụng mà chúng giấu trong áo mưa sẽ điên cuồng khạc đạn.

Sự tàn bạo của chúng thì bây giờ nhớ lại, nhiều người vẫn còn thấy hãi hùng, ghê sợ. Một đêm giáp tết, hết tiền, không thấy con mồi nào xuất hiện, chúng đành nhảy lên chiếc thuyền câu của một ông lão mà chúng thừa biết là nghèo kiết xác. Lục mãi mà chẳng thấy vật gì đáng giá, tức giận chúng quay ra… tra tấn ông già tội nghiệp để xả nỗi bực dọc trong người. Thấy trong mâm cơm của ông lão có đoạn lòng lợn chưa thái, chúng vớ lấy tống hết vào miệng ông, bắt ông nuốt chửng.

Súng kề đầu, ông già cố nuốt nhưng không nổi, nước mắt nước mũi giàn giụa. Đạp ông lộn chổng vó xuống khoang thuyền, chúng rú lên hềnh hệch rồi đi.

Tuy lấy “căn cứ” ở rừng sú ven xã Lập Lễ nhưng như ma như quỷ, thỉnh thoảng Động và đồng bọn vẫn thình lình xuất hiện ở xã nhà. Mỗi khi chúng về, dân Thủy Triều lại thấy làng mình, xã mình như có giặc. Chúng chẳng khác gì những con cọp đói khát mò về làng săn kiếm con mồi.

Làng như có… giặc

Với cả kho vũ khí được anh em Động - Đông trộm được, băng cướp này coi trời bằng vung

Với cả kho vũ khí được anh em Động - Đông trộm được, băng cướp này coi trời bằng vung. Ảnh minh họa

Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Anh, cán bộ xã Thủy Triều hãi hùng kể lại, ngày ấy, hễ nghe tin anh em Phạm Văn Động mò về thì nhà nào nhà ấy cửa đóng then cài kín mít. Đêm đến, chẳng ai dám bén mảng ra đường. Trong nhà, đèn bão bật sáng choang và đương nhiên của nả thì đều được cất giấu.

Nhà nghèo sợ bọn Động một thì những nhà có bát ăn bát để sợ mười. Và, bởi biết “tiềm lực” của những gia đình đó nên những tên ác bá này thường ghé đến “xin” mỗi khi “làm ăn thất bát”.

Ông Đỗ Văn Nhật, nguyên Chủ tịch UBND xã Thủy Triều kể, nhiều khi bị vây rát, không đi cướp được, dù biết công an nằm vùng giăng lưới khắp nơi trong xã nhưng những tên kẻ cướp này vẫn sử dụng kế sách nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất, chúng vẫn về làng trấn, cướp, thậm chí, ở luôn tại nhà người dân trong xã.

Gia đình nào được chúng chọn làm nơi “tá túc” thì chẳng khác nào đại họa. Chúng bắt phục vụ cơm nước, rượu thịt mà chẳng ai dám hé răng nửa lời. Chúng dọa, nếu chúng bị phát giác thì những người trong gia đình đó sẽ phải trả giá bằng tính mạng mình. Bởi thế, sau này, sau khi băng cướp này bị tiêu diệt, nhiều người đã thành thật khai báo rằng nhà mình từng… nuôi giấu những tên đại ác này.

Ông Nhật kể, ngày đó, trước những lời khai báo ấy, không ai nỡ truy cứu những gia đình này. Ai chẳng kinh hãi khi phải nuôi cọp giữ trong nhà, việc này là bất đắc dĩ, là cực chẳng đã. Khổ nhất là gia đình ông N., ở ngay thôn Kinh Triều.

Ngày ấy, ráo riết truy lùng nhưng những chiến sĩ công an thiện chiến đã vô cùng khó hiểu bởi không biết toán cướp này bốc hơi đi đâu mà không để lại bất cứ vết dấu gì. Chẳng ai có thể ngờ chúng lại mò ngay về nơi công an đang bủa vây, săn lùng rát rạt ấy.

Từ những chiến công bắt cướp, Công an Hải Phòng đã nhận được nhiều bằng khen của nhà nước

Từ những chiến công bắt cướp, Công an Hải Phòng đã nhận được nhiều bằng khen của nhà nước

Về đây, chọn nhà ông N., một gia đình có bát ăn bát để khi đó để lánh nạn. Và, chúng cứ ở lỳ trong đó, với súng ống lúc nào cũng lăm lăm trên tay. Gia đình ông N. đã phải cắn răng nuôi báo cô những tên hung hãn này mà chẳng dám nói với ai.

Ngày ngày, vợ chồng ông N. vẫn phải đi chợ, rồi cơm nước phục dịch cho đám khách không mời ấy. Chợ búa cũng giấu giếm, nếu ai có thắc mắc về việc mua nhiều thực phẩm cũng chỉ dám nói là để dành cho những ngày mưa bão hoặc gửi cho người này người kia đang đi đánh cá ngoài khơi xa. Ông Nhật bảo, mọi người sợ mất vía thế cũng phải bởi ở ngay thôn này, khẩu súng tiểu liên AK của Động đã điên cuồng xả đạn khiến một người dân vô tội suýt nữa thì mất mạng.

Lần đó, mới trở về từ trại giam, anh em Động thỉnh thoảng vẫn mò về làng khi thì trộm, khi cướp tiền, lương thực, thực phẩm. Một lần, đang đêm, thấy bóng đen thoắt ẩn, thoắt hiện ở ngay giáp khu vườn nhà mình, tưởng là trộm, ông Nguyễn Văn Được đã tri hô.

Tưởng nghe tiếng mình hô hoán, “tên trộm” ấy sẽ sợ hãi bỏ chạy nào ngờ hắn bất ngờ lôi khẩu súng cưa báng đeo bên người lia một hơi dài về tất cả những chỗ hắn nghi có người động thủ, vây bắt. Đạn găm vào tường bồm bộp, đạn xé đêm đen chiu chíu.

 Ông Nhật kể, loạt đạn điên cuồng ấy khiến ông Được bị thương ở bụng, lòi cả ruột ra ngoài. Mấy người nhà ở gần đó nghe tiếng ông Được tri hô, định chạy ra thì thấy súng nổ chát chúa nên thụt vội vào nhà tìm chỗ ẩn nấp. Và, chẳng cần nhìn rõ mặt bóng đen ấy nhưng sự cuồng điên từ loạt đạn, mọi người cũng đã biết, anh em tên Động lại về.

Bắn đã tay xong, bóng đen đó lững thững lùi vào màn đêm tĩnh lặng. Nếu không nghe thấy tiếng kêu gào thảm thiết của ông Được, nghĩ phải đưa người đàn ông đen đủi này đi cấp cứu thì có lẽ đêm đó, xóm làng lại im phăng phắc bởi chẳng ai dám ra khỏi nhà. 

(Còn nữa)

Gây tội ác, nợ máu nhân dân, băng cướp họ Phạm như thú dữ cùng đường. Để đối phó, chúng đã tìm cách mua chuộc cán bộ xã Thủy Triều bằng rất nhiều tiền vàng. Tuy nhiên, việc mua chuộc này không thành, chúng lập kế hoạch trả thù, tiêu diệt đội ngũ lãnh đạo xã bằng cả thúng lựu đạn. Câu chuyện gay cấn này diễn biến ra sao, mời quý độc giả đón đọc bài tiếp theo vào ngày mai, 21/5/2017

Nhóm PV
Theo Đời sống Plus