LTS: Tại vùng đất này, Huỳnh Thiện Hữu và đám đệ tử thiện chiến đã thực hiện hàng trăm vụ đâm thuê chém mướn và ăn chơi gây rúng động dư luận. Tuy nhiên, ngộ đạo, tướng cướp khét tiếng một thời này đã xuống tóc quy y và trở thành ân nhân của nhiều trẻ em nghèo và những mảnh đời lầm lỡ…
Bỏ học luyện võ báo thù
Phải sau rất nhiều lần hẹn tôi mới gặp được thiền sư Thích Chơn Hữu, trụ trì chùa Định Quang ở thôn Dạ Lê, phường Thủy Phương (Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế). Gặp ông không dễ bởi hầu như ngày nào ông cũng bận túi bụi với việc khất thực và trồng lan, chụp ảnh bán kiếm tiền để duy trì lớp học tình thương cũng như giúp đỡ những phận đời thiếu may mắn.
Nhìn dáng người tầm thước, đôi mắt sáng quắc và giọng nói nhỏ nhẹ của ông, không ai có thể ngờ rằng vị thiền sư này từng là “chúa tể bóng đêm” khét tiếng ở vùng đất Tây Nguyên một thời.
Tên thật của ông là Huỳnh Thiện Hữu (SN 1970), nguyên quán ở xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Kinh tế gia đình khó khăn nên tuổi thơ của Hữu cũng như 4 người anh trong nhà là những tháng ngày cực nhọc. Năm 1975, khi Hữu vừa tròn 5 tuổi, gia đình phải chuyển vào TP Đà Lạt (Lâm Đồng) để lập nghiệp sau khi mùa màng ở quê nhà thất bát triền miên. Tại vùng đất mới, anh em Hữu hàng ngày phải tần tảo nhặt rác, bán hàng rong kiếm tiền.
Cuộc sống hết sức ngặt nghèo nhưng anh em Hữu ai cũng chăm học và học giỏi, trong đó riêng Hữu có năng khiếu đặc biệt về văn chương.
Hữu sẽ không sa chân vào chốn giang hồ nếu biết kiềm chế trước những va chạm đầu đời. Số là, khi còn là học sinh lớp 9 Trường THCS Quang Trung ở TP Đà Lạt, Hữu thường xuyên bị một số bạn nam cùng lớp gia đình giàu thường xuyên có lời lẽ, thái độ miệt thị. Hữu ra sức nhường nhịn vì không muốn xích mích với bạn bè, nhưng càng nhường nhịn thì đám bạn càng lấn tới. Một lần, vì quá bực tức, Hữu xách cổ áo và đấm vào mặt một trong những đứa bạn miệt thị mình.
Sau vụ việc này, nhóm bạn trên thuê một nhóm giang hồ có tên là “Hắc Sơn”, gồm 9 thành viên ở TP Đà Lạt vào trường đánh Hữu. Trong giờ giải lao, Hữu đang chơi đá cầu thì bị nhóm giang hồ trên xông vào đấm đá túi bụi khiến Hữu gục tại chỗ, toàn thân bê bết máu.
Trận đòn thập tử nhất sinh này khiến Hữu phải nằm viện điều trị nửa tháng. Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, khi Hữu xuất viện và trở lại trường học được gần một tuần thì nhóm giang hồ trên lại xả vào Hữu trận đòn man rợ hơn. Quá uất ức, Hữu nuôi chí trả thù nên bỏ học để đi học một lúc 2 môn võ là Thiếu Lâm Nam Sơn và Hiệp khí đạo.
Nghe hung tin, gia đình hết lời can ngăn nhưng không làm lay chuyển được quyết định của Hữu. Ký ức về những trận mưa đòn kinh hoàng mà mình phải lãnh chịu khiến Hữu kiên trì luyện võ. Nhờ có năng khiếu trời phú nên chỉ sau dăm tháng khổ luyện, Hữu đã thông thuộc 2 môn võ này. Phát hiện tài năng võ thuật của Hữu, võ sư của lò võ Thiếu Lâm Nam Sơn chọn Hữu làm người phụ giúp mình luyện võ cho các môn sinh, nên truyền cho cậu học trò này hầu hết các bí quyết của môn võ này.
Tại 2 lò võ nổi tiếng phố núi, Hữu đã quen biết với các thành viên trong băng giang hồ khét tiếng có tên là “Ánh Sáng” (tên một ấp ở thành phố Đà Lạt). Chẳng bao lâu sau, Hữu bị các thành viên của băng nhóm này rủ rê nhập hội. Vì muốn có lực lượng để báo thù nhóm giang hồ “Hắc Sơn”, nên Hữu lập tức đồng ý. Thuộc diện nhỏ tuổi nhất trong số hơn 20 thành viên của băng “Ánh Sáng” nhưng nhờ máu liều lĩnh lại giỏi võ nghệ nên chỉ một thời gian ngắn sau khi gia nhập băng giang hồ này, Hữu đã được bầu làm đại ca.
Ông trùm khét tiếng với những cuộc thanh toán giang hồ đẫm máu
Việc đầu tiên của Hữu sau khi trở thành đại ca của băng “Ánh Sáng” là trả thù những đối tượng trong băng “Hắc Sơn”. Nhờ có đám đệ tử đông và tinh nhuệ, nên chỉ trong một thời gian ngắn, băng nhóm của Hữu đã lần ra được sào huyệt của băng “Hắc Sơn”. Khoảng 1 giờ sáng, khi 9 thành viên của băng “Hắc Sơn” đang yên giấc trong một ngôi nhà cấp 4 thì bị băng nhóm cứu Hữu phá cửa xông vào đâm chém tới tấp.
Bị tấn công bất ngờ, băng “Hắc Sơn” hoàn toàn mất khả năng kháng cự. Những trận mưa dao xối xả khiến toàn bộ thành viên băng nhóm này bị thương tích đầy mình rồi lần lượt gục xuống giữa nền nhà loang lổ máu. Trả xong mối thù, băng nhóm của Hữu lặng lẽ rút đi trong đêm tối. Sáng hôm sau, Hữu sai đệ tử đến dò hỏi thì biết tất cả các thành viên của “Hắc Sơn” đang được cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.
“Sau lần đó, không biết họ sống chết thế nào, nhưng từ đó tại TP Đà Lạt không còn bất cứ dấu vết nào của băng nhóm này”, sư Thích Chơn Hữu nhớ lại.
Lúc đầu gia nhập băng “Ánh Sáng”, Hữu nghĩ sau khi báo xong mối thâm thù, Hữu sẽ rút khỏi băng nhóm này để kiếm việc làm phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, quyền lực trong giới giang hồ như một ma lực khiến Hữu không thể nào thoát ra được. Cuộc đời của Hữu từ đó trượt dài trong những phi vụ đâm chém, đòi nợ thuê và những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt tháng mà giờ nghĩ lại ông vẫn thấy rùng mình.
Là băng nhóm xã hội đen thu dụng được những lâu la máu lạnh, coi mạng sống như cỏ rác nên “Ánh Sáng” trở thành nỗi khiếp đảm của giới giang hồ và người dân phố núi. Trong hầu hết các trận chiến với các băng nhóm khác, “Ánh Sáng” đều giành phần thắng. Ngoài hoạt động bảo kê, đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, băng nhóm này còn thường xuyên tổ chức đua xe ăn tiền gây náo loạn TP Đà Lạt thời đó.
Tuy nhiên, không phải băng nhóm giang hồ nào ở Đạt Lạt cũng “nể” “Ánh Sáng”, bởi so về quân số và sự liều mạng thì giữa băng “Ánh Sáng” và một số băng nhóm bên chín bên mười. Trong số những đối thủ của “Ánh Sáng”, đáng gờm nhất là băng Dũng “đen”.
Dũng “đen” xuất thân trong một gia đình nhà võ ở Bình Định. Trốn vào Đà Lạt sau khi gây án ở quê nhà, giỏi thu phục tay chân và điều binh khiển tướng nên chỉ trong một thời gian ngắn Dũng “đen” đã thành lập được băng nhóm của mình. Để mở rộng địa bàn làm ăn, băng Dũng “đen” tranh giành địa bàn khu vực ấp Ánh Sáng với băng “Ánh Sáng”. Chúng thực hiện những phi vụ thanh toán và đánh dằn mặt những tụ điểm ăn chơi ở khu vực này để giành quyền bảo kê về phần mình.
Hoạt động này làm ảnh hưởng đến “quyền lợi” của phe “Ánh Sáng” nên Hữu quyết định cùng đệ tử liều một phen sống chết thanh toán băng Dũng “đen”.
Một đêm giữa năm 1990, trời tối như mực. Sau một chầu nhậu tưng bừng, Hữu dẫn 5 đệ tử thiện chiến nhất của mình cưỡi trên những con “ngựa sắt” đến tập kích vào một sòng bạc ở khu vực ấp Ánh Sáng để diệt trừ băng Dũng “đen”. Vũ khí mà Hữu và đệ tử mang theo là kiếm, mã tấu và những ống tuýp sắt tự tạo. Một lúc sau, trong sòng bạc vang lên những tiếng hò hét lẫn tiếng vũ khí chạm vào nhau tóe lửa. Bàn ghế, vật dụng bay vù vù rồi lần lượt vỡ vụn.
Bị tập kích bất ngờ nên dù từ đại ca đến đệ tử đều thiện chiến nhưng băng của Dũng “đen” vẫn bị vỡ trận. Sau khi hạ gục hoàn toàn đệ tử của Dũng “đen”, Hữu và đệ tử hợp sức tập kích tên đầu sỏ. Đơn thương độc mã nên Dũng “đen” bị chém gục giữa sòng bạc. Khi lực lượng công an xuất hiện thì hiện trường chỉ còn lại Dũng “đen” và các đệ tử nằm quằn qoại giữa nền sòng bạc loang lổ máu.
Sau trận thanh toán kinh hoàng này, một phần vì rơi vào tầm ngắm của lực lượng công an phần để mở rộng địa bàn làm ăn, năm 1993, tròn 23 tuổi, Hữu kéo hơn 20 đệ tử của băng “Ánh Sáng” đến hoạt động tại khu vực bãi vàng Tà In thuộc xã Tà In (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Tại đây, với kinh nghiệm giang hồ dày dạn và sự tàn nhẫn khét tiếng, băng đảng của Hữu tiếp tục làm mưa làm gió.
Những trận thanh toán đẫm máu do “Ánh Sáng” thực hiện với những băng nhóm khác lại diễn ra với sự tàn khốc ở mức độ cao hơn. Ngoài kiếm, mã tấu, băng “Ánh Sáng” còn sở hữu cả vũ khí quân dụng như súng, lựu đạn nên không có đối thủ. Không chỉ làm mưa làm gió ở Lâm Đồng, băng nhóm của Hữu còn thỉnh thoảng còn kéo đến hầu hết các địa phương ở Tây Nguyên để thực hiện những hợp đồng đâm thuê chém mướn kiếm tiền ăn nhậu.
(Còn nữa)
Mời quý độc giả đón đọc phần tiếp theo của bài viết vào ngày mai, 16/5/2017.