LTS: Cù lao Tân Huề, Tân Quới, Tân Bình (thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) có một ngôi mồ hoang, nằm chìm nghỉm dưới vũng lầy toàn có dại xen lẫn bèo tây.
Ngôi mồ ấy là của một tử tội, thầy bùa khét tiếng Phạm Văn Tuấn (SN 1957), kẻ đã hãm hiếp và giết 4 phụ nữ để lấy sọ luyện bùa phép.
Ở cù lao này, cứ nghe đến tên thầy bùa này thì mọi người lại xanh mặt sợ hãi bởi những tội ác ghê rợn mà hắn đã gây ra. Thậm chí, nhiều người vẫn còn tin hắn có phép thần thông, dù làm ma thì vẫn rình rập hãm hại người trên dương thế.
Trùng hợp đến khó tin
Như đã nói ở bài viết trước, sau khi chị Trần Thị P. ở Tân Huề (Thanh Bình, Đồng Tháp) mất tích, mất luôn cả chiếc xuồng, đại gia đình bà Tám B. đã đổ xô đi tìm, nhưng không thấy.
Bà Tám B. kể, thời gian đó đang mùa nước nổi, cù lao lọt giữa mênh mông sóng nước. Cứ vài người một ghe, gia đình bà rồi cả những người hàng xóm tốt bụng đã đổ đi khắp nơi để tìm chị P.
Ngày đó, có người đã bảo khả năng chị P. bị đuối nước. Ban đầu, gia đình bà Tám B. đã nghĩ vậy nhưng sau đó thì bà phản bác. Sinh ra ở vùng sông nước, chị P. bơi rất giỏi.
Thêm nữa, nếu có đuối nước thì còn chiếc ghe. Ghe bằng gỗ có thể lật chứ không thể chìm. Ghe trôi thì mấy nhà sống quanh rạch Mã Trường phải thấy. Bởi những lập luận ấy, tuy không muốn tin nhưng bà Tám B. đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là con gái mình bị sát hại.
Chị P. hiền lành, không gieo thù chuốc oán với bất kỳ ai ở cù lao này. Thêm nữa, sống ở đây nhiều năm, bà Tám B. biết, dân cù lao lành, chân chất, chẳng ai có thể làm cái việc tày đình ấy.
Vậy ai đã xuống tay sát hại chị P.?
Các thông tin mà gia đình bà thu thập được thì đều chỉ ra rằng, rất có thể kẻ thủ ác là gã thầy bùa Phạm Văn Tuấn, tên thường gọi là Hai Tưng, bởi nhiều người đã trông thấy con gái bà đến đó.
Không còn đầu mối nào khả nghi hơn, gia đình bà quyết định tập trung tìm kiếm chị P. quanh nhà gã thầy bùa bí hiểm ấy. “Nói mọi người tìm ở đó tui cũng không mong muốn là thấy xác nó đâu. Tôi chỉ mong là nó bỏ đi đâu đấy chứ ai nghĩ nó chết thảm như thế!”, bà Tám B. nghẹn ngào nhớ lại.
Sau nhà gã thầy bùa Hai Tưng có một gò đất rộng chừng hơn trăm mét vuông. Gò đất ấy có mấy gốc bạch đàn, bởi chồi lên khỏi mặt nước ngay khi lũ dâng cao nên gò đất này được bầy vịt của một gia đình ở gần đó chọn làm chỗ nghỉ chân sau khi lặn ngụp kiếm mồi.
Trước đó, tìm kiếm chị P., nhiều người trong gia đình bà Tám B. đã đánh ghe qua gò đất đó nhưng chẳng ai tạt vào. Gò đất nằm trơ hơ, bốn bề mòn vẹt dấu chân vịt chẳng có gì khác lạ nên mọi người chẳng để tâm.
Thế nhưng, lần tìm kiếm thứ hai ấy có một chuyện lạ đã xảy đến mà gia đình bà Tám B. chẳng thể tin. Hôm đó, chống ghe tìm kiếm dấu tích chị P. quanh nhà gã thầy cúng Hai Tưng, đến chỗ gò đất thì một cô cháu gái của bà Tám B. bỗng dưng thấy chân tay ngứa ngáy khó chịu.
Dừng ghe, cô gái loay hoay tìm cách xoa dịu cơn ngứa. Khi đó, ghe còn cách gò đất chừng hơn chục mét thế nhưng lạ lùng, trời đang yên lặng bỗng đâu có cơn gió tạt tới.
Gió không mạnh nhưng cũng đủ khiến chiếc ghe tấp vào gò. Gãi đến trớt da mà cơn ngứa chẳng chịu dứt, khó chịu, cô cháu gái bà Tám B. ấy đã bỏ ghe lên gò những mong tìm thấy loại lá cây gì đó để xát vào vết ngứa. Lên gò, cô cắm mái chèo xuống đám đất trơn tuột để làm cọc buộc giữ ghe.
Buộc ghe xong, đang định đi tìm lá thì gió lại thổi tới, đẩy ghe ra ngoài. Chiếc chèo cắm làm cọc bị ghe kéo đổ, lật lên cả tảng đất. Vội vàng vồ mái chèo để kéo ghe vào thì cô cháu gái này đã rụng rời chân tay khi phát hiện nơi miếng đất bị lật lên ấy lợt ra nguyên một mặt người nhợt nhạt. Quá sợ hãi, cô cháu gái ấy chạy thẳng lên gò ú ớ la hét, tri hô mọi người.
Kể đến đây, bà Tám B. ôm mặt khóc. Nước mắt chảy ướt gò má nhăn nheo. “Nghĩ lại cảnh ấy tui đau lắm chú à. Nghĩ đến cái P., tui lại ốm mất. Hôm làm đám cho hắn, mấy đứa phóng cái ảnh hắn để trên ban thờ, nhưng tui không chịu được, cứ khóc suốt khi nhìn ảnh hắn. Tui phải đem ảnh giấu đi”, bà Tám B. sụt sùi.
Nấm mồ thiêng
Ngày tìm mới được tìm thấy, thi thể chị P. đã được an táng ngay tại gò đất ấy cùng với những nạn nhân khác trong vụ án rúng động này. Tuy nhiên, bởi không tiện chăm sóc, khói nhang, thêm nữa, mỗi lần ra khu vực đó, những hình ảnh hãi hùng xưa lại hiện về nên vài năm sau, gia đình bà Tám B. đã quyết định di chuyển mộ đi nơi khác.
Mộ chị P. giờ được đưa về nghĩa địa nhỏ nằm ngay trên đường từ trung tâm cù lao dẫn vào xã Tân Quới. Theo sự chỉ đường của anh xe ôm, chúng tôi ra nghĩa địa ấy.
Anh xe ôm mượn chiếc dao của chị nông dân đang cắt cỏ gần đó phát quang, nấm mồ buồn thảm hiện ra, tấm bia ghi rõ: Phần mộ Trần Thị P., hưởng dương 26 tuổi.
Có một điều lạ là trước mồ có nhiều tờ tiền lẻ. Chị nông dân đang làm đồng ở gần đó bảo, mọi người ở đây nghĩ cô P. thiêng nên đã đến khấn khứa cầu cơ, xin số đánh lô, đề.
Thắp hương cho chị P. xong, chúng tôi tìm về Tân Qưới, nơi ở của gã thầy cúng Hai Tưng. Nơi trước đây Hai Tưng dựng nhà và gây án giờ chẳng có tàn tích gì. Tất cả đã được san phẳng thành ruộng, mùa nước trồng lúa, mùa khô trồng màu.
Anh xe ôm thạo chuyện bảo, ngày trước ở đây cũng có mấy nóc nhà nhưng từ khi xảy ra chuyện động trời trên, mọi người đã dọn đi nơi khác ở. Nhiều người chết thảm quá nên có lẽ họ sợ.
Vẫn còn ghê sợ
Quay ngược ra, tìm mấy nhà sống gần cánh đồng đó để hỏi chuyện về Hai Tưng thì người trả lời không biết, người nói có nghe nhưng không dám kể. Anh xe ôm bảo, tội ác của Hai Tưng bây giờ vẫn khiến người dân ở đây sợ hãi. “Mọi người sợ ổng về ổng quậy nên không dám nói đấy thôi!”, anh xe ôm thật thà chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người dân ở cù lao này, đặc biệt là quanh khu đất Hai Tưng từng ở vẫn có nỗi sợ hãi mơ hồ với gã thầy cúng ấy. Hôm hắn bị tử hình nhiều người đã tận mắt chứng kiến, tận mắt thấy thi thể hắn bị lấp sâu dưới đất nhưng tội ác của gã vẫn khiến mọi người chờn chợn như thể hắn vẫn còn hiện hữu đâu đó trên cõi đời này.
Theo sự tư vấn của anh xe ôm, chúng tôi tìm đến nhà ông Châu Văn Nhã, (thường gọi là Năm Nhã) ở ấp Hạ (xã Tân Quới), người được cho là biết nhiều chuyện về Hai Tưng nhất. Theo triền đê của con kênh Mã Trường thì nhà ông Nhã cũng chỉ cách nhà thầy cúng Hai Tưng chừng vài trăm mét..
Buổi trưa chang chang nắng, gió lộng, ông Năm Nhã nằm võng đong đưa trước ngôi nhà sàn. Chúng tôi ngồi uống nước, chờ ông qua giấc ngủ trưa. Một người phụ nữ gánh rau cải từ rạch Mã Trường về nhà. Bà nói là vợ ông Năm Nhã.
Chúng tôi hỏi chuyện, như nhiều người khác, bà chối đây đẩy. Bà bảo tôi cứ đánh thức ông Năm Nhã dậy mà hỏi chuyện, chứ chờ ông ngủ có mà đến tối.
Thấy khách lạ tìm hiểu chuyện gã thầy bùa sát hại phụ nữ luyện phép thần thông, ông Năm Nhã bỗng nghiêm nét mặt. Ông Năm Nhã kể: “Đợt đó, tháng 8 âm lịch, đúng mùa nước nổi dâng cao nhứt, tui đang thiu thiu ngủ trên võng trước hiên nhà, thì giựt mình tỉnh giấc khi nghe tiếng hét của mấy đứa con gái.
Tui thấy lạ, ngó ra sau, thấy 2 đứa con gái đang kêu ầm lên. Tui chèo thuyền nhanh ra gò đất. Hai đứa mặt mũi trắng bệnh. Nó kêu la chú Năm ơi, chỗ này chôn người hay sao ấy, chú ra bới giúp con xem sao.
Tui chạy đến bới ra, đúng là người thiệt. Tui gạt đất rộng ra, thì hiện ra khuôn mặt người trương phình, tóc tai lòa xòa. Nhìn khuôn mặt, tui nhận ngay ra cái P. Cái P. ngoan hiền, lại xinh xắn, nên vùng này ai cũng biết nó”.
Mời Quý độc giả đón đọc bài viết tiếp theo vào ngày mai, 12/5/2017