Thứ sáu, 19/04/2024 | 20:35
RSS

Sau những vụ đâm chém đẫm máu, trùm giang hồ sám hối, gác kiếm quay về cửa Phật

Thứ năm, 18/05/2017, 08:22 (GMT+7)

Khi băng nhóm “Ánh Sáng” không còn đối thủ và bản thân được kính nể, cung phụng như chúa tể, Hữu bắt đầu nhận thức được rằng cuộc đời có quá nhiều lầm lỗi.

LTS: Tại vùng đất này, Hữu và đám đệ tử thiện chiến đã thực hiện hàng trăm vụ đâm thuê chém mướn và ăn chơi gây rúng động dư luận. Tuy nhiên, ngộ đạo, tướng cướp khét tiếng một thời này đã xuống tóc quy y và trở thành ân nhân của nhiều trẻ em nghèo và những mảnh đời lầm lỡ…

Gác bỏ gươm đao về cửa Phật

Thiền sư Thích Chơn Hữu trồng lan bán lấy tiền để giúp đỡ người nghèo

Thiền sư Thích Chơn Hữu trồng lan bán lấy tiền để giúp đỡ người nghèo

Sau vài năm kéo quân vào bãi vàng Tà In (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) quyền lực trong giới giang hồ của Huỳnh Thiện Hữu dường như đã đạt đến đỉnh điểm. Giới giang hồ ở các tỉnh Tây Nguyên nghe đến tên Hữu là như nghe tiếng sét bên tai. Tưởng quyền lực ngầm ấy sẽ khiến Hữu vui sướng, nhưng mọi chuyện lại diễn biến hoàn toàn khác.

Khi băng nhóm “Ánh Sáng” không còn đối thủ và bản thân được kính nể, cung phụng như chúa tể, Hữu bắt đầu nhận thức được rằng cuộc đời mình đã có quá nhiều lầm lỗi. Hữu bắt đầu nghĩ nhiều đến gia đình, đến những người thân đã từng đặt vào mình rất nhiều hi vọng. Những suy nghĩ ấy khiến dòng nước mắt của Hữu cứ chảy dài.

Càng nghĩ đến gia đình, Hữu càng giận bản thân, càng thấy lỗi lầm của mình quá lớn. Có lần, sau một lúc gào khóc, Hữu dùng rựa chặt đứt một ngón tay của mình khiến đám đệ tử hoảng hốt quỳ xuống van xin. Nhiều đêm liền đám đệ tử thấy Hữu vừa ngồi nốc rượu bằng bát như anh hùng Lương Sơn Bạc vừa gào khóc.

Nhưng những dằn vặt nội tâm ấy chưa thể khiến Hữu đi đến quyết định từ bỏ quyền lực giang hồ. Hữu chỉ đưa ra quyết định này sau khi đọc những áng văn chương thiền giàu giá trị nhân văn của một thiền sư. Một ngày đám đệ tử ngỡ ngàng khi thấy Hữu ra thị trấn rồi mang về tập thơ thiền “Chèo vỡ sông trăng” và tập truyện thiền “Người trồng hoa và chàng tu sĩ” của thiền sư nổi tiếng Minh Đức Triều Tâm Ảnh.

Lâu lắm rồi cậu học trò giỏi văn thuở nào mới lại đụng đến sách. Niềm đam mê văn chương trỗi dậy khiến Hữu đọc một cách nghiền ngẫm, quên cả ăn ngủ. Qua việc đọc 2 tác phẩm văn chương trên, Hữu bắt gặp hình bóng của mình trong đó. “Nhờ đọc các tác phẩm văn học thiền này mà tôi tỉnh ngộ. Những tác phẩm này giúp tôi nhận ra rằng chỉ có hướng thiện mới giúp con người thoát khỏi lầm lỗi và thù hận”, sư Thích Chơn Hữu kể.

Những triết lý sâu sắc trong văn chương thiền khiến Hữu thay đổi hoàn toàn cách nhìn về con người, cuộc sống. Hữu quyết định phải từ bỏ con đường lầm lỗi mà mình đang đi để trở lại làm người lương thiện. Sau một thời gian suy nghĩ, Hữu quyết định xuống tóc đi tu.

Nghĩ là làm, năm 1999, Hữu lặng lẽ bỏ lại “cơ nghiệp” giang hồ với đám đệ tử trung thành để về Huế, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Trước lúc Hữu xuống núi, đám đệ tử như rắn mất đầu nên gào khóc và quỳ gối van xin Hữu ở lại. Hữu bảo với đám đệ tử rằng chúng ta đã có quá nhiều lầm lỗi và không thể tiếp tục dìu nhau đi trên con đường toàn bóng đêm bao phủ này. Rồi Hữu khuyên các thành viên trong băng “Ánh Sáng” ai trở về nhà nấy làm ăn lương thiện để hồi sinh cuộc đời. Nghe lời Hữu, hầu hết các đệ tử đều bỏ bãi vàng về lại quê nhà.

Sau khi về Huế, Hữu lên chùa Huyền Không Sơn Thượng ở phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà) tìm gặp trụ trì chùa là thiền sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh - tác giả của những tác phẩm đã làm Hữu hoàn toàn thức tỉnh. Hữu thành thật kể về quá khứ lầm lỗi của mình và xin thiền sư Minh Đức cho vào tu ở chùa.

Ý nguyện của Hữu được thiền sư Minh Đức đồng ý nhưng với điều kiện anh phải thử sức bằng việc làm công quả ở chùa trong thời gian 2 năm. Nếu vượt qua được thách thức này thì Hữu mới được xuống tóc. Với quyết tâm rèn luyện để phục thiện, 2 năm sau Hữu được xuất gia, trở thành thiền sư Thích Chơn Hữu.

Mở lớp học tình thương và cảm hóa giang hồ cộm cán

Lớp học của thiền sư Thích Chơn Hữu

Lớp học tình thương có tên là "Tuệ học đường" do thiền sư Thích Chơn Hữu lập ra để tiếp sức cho trẻ em nghèo

Năm 2005, sư Thích Chơn Hữu được sư Minh Đức cử về làm giám tự chùa Định Quang rồi sau đó trở thành trụ trì của chùa. Nhận thấy trẻ em trên địa bàn phường Thủy Phương cũng như các địa phương lân cận có nhu cầu được xóa mù chữ cũng như được bồi dưỡng kiến thức ở trường, nhất là môn ngoại ngữ, nên thiền sư nghĩ đến việc mở một lớp học tình thương.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó chùa xuống cấp, chánh điện hoang tàn, nên việc mở lớp chưa thể thực hiện ngay. Để có tiền mở lớp, ngoài đi khất thực, sư Thích Chơn Hữu dành nhiều thời gian vào việc trồng hoa lan và chụp ảnh về thiên nhiên để bán lấy tiền xây dựng lớp học.

Đến đầu năm 2008, có đủ tiền, sư xây dựng một phòng học khang trang trong khuôn viên chùa. Tiếp đó, sư thuê 5 giáo viên giỏi ở các trường của huyện Hương Thủy và thành phố Huế về giảng dạy, trong đó có 2 giáo viên người nước ngoài đang công tác tại Đại học Huế. Cảm kích trước việc làm của sư Thích Chơn Hữu, 2 trong số 5 giáo viên trên đã tự nguyện dạy học miễn phí cho học sinh.

Sư Thích Chơn Hữu dẫn tôi ra thăm lớp học tình thương của mình được sư đặt tên là “Tuệ học đường”. Đó là một phòng học rộng, sạch sẽ, từ bàn ghế, bảng cho đến các phương tiện dạy học đều sang trọng hơn cả phòng học của trường đạt chuẩn quốc gia. Trong phòng học ấy, hơn 30 đứa trẻ đang chăm chỉ nghe cô giáo giảng bài, những đôi mắt ánh lên niềm vui.

“Tổng cộng có 240 trẻ gồm những em mù chữ và những em được đến trường học nhưng hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện học thêm. Tôi chia ra thành 8 lớp học xen kẽ trong ngày”, sư Thích Chơn Hữu phấn khởi kể.

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ New Life ở TP.Huế đang dạy học cho học sinh tại lớp học của sư Thích Chơn Hữu. Hơn 3 năm nay, chị Bích tình nguyện dạy học miễn phí cho lớp học này. Chị Bích bảo, việc làm của sư Thích Chơn Hữu khiến chị xúc động nên quyết định tranh thủ thời gian về đây dạy học miễn phí cho học sinh mỗi ngày.

Hàng chục đứa trẻ trong số 240 học sinh đến với lớp học của sư Thích Chơn Hữu từ chỗ mù chữ nay không những đọc thông viết thạo mà còn làm được bài tập lớp 5-6 và giỏi ngoại ngữ. Nhiều sinh viên nghèo cũng tìm về lớp học này để được học ngoại ngữ miễn phí. Để khuyến khích học sinh, sư Thích Chơn Hữu tặng các em sách vở, bút mực và trao học bổng cho những em học giỏi sau mỗi học kỳ.

Ngoài mở lớp học tình thương, sư Thích Chơn Hữu còn là ân nhân của hàng trăm gia đình bất hạnh ở Thừa Thiên- Huế. Từ người già neo đơn cho đến những gia đình bị bệnh tật, tàn phế đều được ông tận tình giúp đỡ. Nghe tên tuổi của ông, đã có nhiều trùm giang hồ ở miền Bắc và Sài Gòn về tìm gặp và được ông khuyên rửa tay gác kiếm.

Đến nay, ông đã khuyên bảo được 6 người từng là giang hồ cộm cán, chuyên đâm thuê chém mướn, trở về làm người lương thiện. 3 người trong số này được ông đưa vào tu ở chùa Huyền Không Sơn Thượng. “Nhiều kẻ giang hồ tìm gặp tôi chỉ vì tò mò, có kẻ gặp chỉ để thách tôi đấu võ. Nhưng bằng việc chân tình kể cho họ nghe hành trình sa ngã và phục thiện của mình, tôi đã đưa họ trở thành những người tốt”, sư Thích Chơn Hữu chia sẻ.

Nghệ sĩ tài hoa             

Thiền sư Thích Chơn Hữu đã bán hàng trăm bức ảnh của mình để lấy tiền làm từ thiện

Thiền sư Thích Chơn Hữu đã bán hàng trăm bức ảnh của mình để lấy tiền làm từ thiện

Từng là “chúa tể bóng đêm” nhưng sư Thích Chơn Hữu được nhiều người biết đến là một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa ở Huế. Từ khi về Huế, vào những thời gian rảnh rỗi, với chiếc máy ảnh du lịch sư Thích Chơn Hữu đi về với các vùng quê để chụp những bức ảnh về thiên nhiên. “Còn hơn 2.000 tác phẩm chưa công bố, đều là ảnh độc cả. Số ảnh này để khi cần tiền làm từ thiện mình mới dùng đến”, sư Thích Chơn Hữu cho biết khi dẫn tôi vào xem  phòng ảnh đồ sộ của mình.   

Từ 2005 đến nay, sư Thích Chơn Hữu đã tổ chức 5 cuộc triển lãm ảnh của mình ở TP.Huế. Tác phẩm của ông chủ yếu là những hình ảnh các sinh linh nhỏ bé, các loài côn trùng, bướm, hoa… thể hiện cái nhìn tôn kính, trong sáng và thân thiện với thiên nhiên vạn vật. Cuộc triển lãm nào tác phẩm của ông cũng được rất nhiều người mua với giá 100 USD/ bức.

Mới đây, với triển lãm “Xuân yêu thương”, ông đã bán được gần 30 bức ảnh, đạt con số kỷ lục về tác phẩm bán được trong các cuộc triển lãm của giới nghệ sĩ cố đô.  Tiền thu được từ bán ảnh sư Thích Chơn Hữu dùng vào việc trả lương cho giáo viên, mua sắm sách vở cho trẻ em nghèo và giúp đỡ những gia đình bất hạnh.

“Thấy trẻ em nghèo được học chữ, những hoàn cảnh ngặt nghèo bớt được một phần khó khăn là tôi hạnh phúc nhất. Ý nghĩa đích thực của cuộc đời chính là lòng yêu thương vô lượng với trần gian này”, sư Thích Chơn Hữu bộc bạch.  

Ngữ Yên
Theo Đời sống Plus