Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:11
RSS

“Huyền thoại bắt cướp đất Cảng”: Siêu xe và chiếc mũ trắng

Thứ tư, 19/04/2017, 09:51 (GMT+7)

Thời kỳ đó, hễ bọn cướp thấy bóng dáng của người đàn ông đội chiếc mũ trắng, cưỡi siêu xe, thì đều trật tự, hoặc giải tán hết, kể cả đang đánh nhau.

Sau khi rửa được nỗi oan, nhờ vào năng lực nghiệp vụ, cậu lính Nguyễn Trường Tam đã được cất nhắc từ công an phường lên công tác tại Phòng Hình sự Công an TP. Hải Phòng. Như cá gặp nước, khi làm đúng sở trường của mình, ông đã có những bước thăng hoa trong sự nghiệp hình sự. Cùng với đồng đội trong đội Cảnh sát hình sự (H88), Đại tá Nguyễn Trường Tam đã tạo nên dấu ấn không thể quên trong lòng người dân Hải Phòng.

Ra đời một huyền thoại

Thời điểm năm 1988, giao thương tàu bè được giải phóng nên cảng Hải Phòng trở thành miếng bánh béo bở cho những kẻ trộm cắp, móc túi. Bảo kê, buôn lậu, đầu trộm đuôi cướp tứ chiếng tụ về Hải Phòng. Rồi tình hình trị an của Hải Phòng cực kỳ phức tạp.

Trong hoàn cảnh ấy, Giám đốc Công an TP. Hải Phòng đã thành lập một đội "Cảnh sát hình sự đặc biệt" (CSHS đặc biệt), tiền thân là đội săn bắt lưu manh. Thành lập một đội hoàn toàn mới nên phải đi tìm quân. Lúc ấy, Nguyễn Trường Tam đã là đội phó đội án thường.

Ông Mũ Trắng Đại tá Nguyễn Trường Tam 1

Các thành viên của đội H88 huyền thoại. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đầu tiên, chủ trương của thành phố là nhặt quân ở các đơn vị của phòng để thành lập đội, nhưng vì vẫn thiếu người nên chọn thêm sinh viên ưu tú của trường Đồng Giới. Khi ấy, Nguyễn Trường Tam không được gọi là đội trưởng mà chỉ gọi là "trưởng giả", tức là không phải đội trưởng nhưng phụ trách mọi hoạt động của đội.

Xác định thành lập đội CSHS đặc biệt là sẽ có nhiều vụ án nguy hiểm hơn các đội khác, chính vì vậy, bí thư, chủ tịch thành phố đương thời lúc ấy mới cho thêm mỗi thành viên trong đội một cân đường và một hộp sữa. Sau mỗi lần đi họp là cả đội lại có quà xách về.

Năm 1988, khi báo cáo với đồng chí bí thư thành ủy về việc thành lập đội "CSHS đặc biệt", bí thư cho là hơi dài, khó nhớ. Ông liền đặt cho đội một cái tên H88 ngắn gọn với ý nghĩa: H là Hải Phòng, hoặc là hình sự; 88 là thành lập năm 88 và cũng là còng số 8.

Báo cáo lại với giám đốc công an thành phố thì vị này cũng đồng ý với cái tên như bí thư vừa đặt. Đội H88 làm thí điểm một thời gian thấy kết quả tốt, nên tiếp tục củng cố lực lượng và chính thức được thành lập ngày 19/5/1988.

Siêu xe và mũ trắng

Trong ngôi nhà nhỏ nằm trong một con hẻm trên đường Minh Khai (TP. Hải Phòng), ông Nguyễn Trường Tam chỉ tay lên một bức ảnh treo trên tường, bảo: "Chiếc xe kia được giao cho tôi sử dụng từ năm 1994. Lúc đó Bộ Công an mới trang bị cho các tỉnh, riêng Hải Phòng được trang bị 12 chiếc. Đội H88 của chúng tôi được phân 6 chiếc. Riêng tôi đội trưởng được sử dụng một chiếc biển số 0013".

Ông Mũ Trắng Đại tá Nguyễn Trường Tam 2

Siêu xe thời bấy giờ của "ngôi sao hình sự" Nguyễn Trường Tam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Khi Nguyễn Trường Tam cưỡi chiếc xe biển số 0013 thì ông lập tức nổi như cồn. Lúc đó, TP. Hải Phòng có nhiều nhà giàu. Lưu manh Hải Phòng thịnh hành việc đào gạch, khoét tường.

Sở dĩ, bọn trộm cướp thích đột nhập kiểu đào gạch khoét tường bởi nhà không xây xi măng như bây giờ, chỉ bằng vôi cát nên rất dễ đào. Bọn trộm bỏ thời gian nghiên cứu quy luật sinh hoạt của các gia đình. 

Các gia đình công chức đều đi làm từ sáng đến trưa mới về. Sau khi nhắm được mục tiêu, đối tượng sẽ đục tường phía sau, có bao nhiêu đồ đạc trong nhà chúng khuân ra hết.

Tên tuổi Nguyễn Trường Tam ngày ấy nổi đến nỗi, ông chỉ cần dựng xe ở cửa nhà ai, thì bọn trộm lập tức biến hết, không dám bén mảng ở khu vực đó. Biết điều đó, nên nhiều gia đình giàu có chỉ mong "dăm bữa nửa tháng" lại được ông Tam dựng chiếc xe trước cửa nhà mình.

Lại nói đến chuyện người dân Hải Phòng khi đó thường gọi Đại tá Nguyễn Trường Tam là "cậu Mũ Trắng". Ông cho biết, thực ra, ông cố tình xây dựng một hình tượng như vậy.

Chiếc mũ trắng ông sử dụng là do một cô bạn gái mua cho. Ngày còn trẻ, có rất nhiều người phụ nữ yêu mến "Mũ Trắng". 

Trong cuộc sống hàng ngày, "Mũ Trắng" cũng là một lãng tử có trái tim dễ rung động chứ không sắt đá. Thậm chí, nó còn "nhũn mềm" hơn những trái tim khác.

Sau một thời gian dài lập chiến công ở H88, người dân và và bọn lưu manh Hải Phòng chẳng ai không biết đến tên tuổi của "cậu Mũ Trắng". Đến nỗi, khi có bóng dáng người đàn ông đội chiếc mũ trắng xuất hiện thì tất cả trật tự hết. Đang đánh nhau cũng phải trật tự.

Dần dần, nhiều người quen với biệt danh "cậu Mũ Trắng" và quên luôn tên thật Nguyễn Trường Tam của ông.

Chuyện phía sau trùm giang hồ Dung Hà

"Một người chiến sĩ cảnh sát hình sự phải tìm góc khuất, từ góc khuất nó mới ra được mấu chốt của vụ án. Nếu anh chỉ nhìn thấy vẻ bề ngoài thì không bao giờ biết được bí mật bên trong đó", Đại tá Nguyễn Trường Tam tâm sự những bí mật của lính hình sự.

Đại tá Nguyễn Trường Tam đam mê nghề hình sự, càng làm càng mê. Ngoài ra, yếu tố may mắn luôn đến với ông. Việc với người khác làm rất khó khăn nhưng với ông lại rất đơn giản. Có những vụ việc đang bế tắc nhưng khi ông vào cuộc, thì lại hé mở đầu mối.

Ông Mũ Trắng Đại tá Nguyễn Trường Tam 3

Cu Nên cùng đồng bọn đứng trước tòa. (Ảnh tư liệu)

Những vụ việc như bắt Cu Nên, Dung Hà, Mạnh "Bí"... đối với Đại tá Nguyễn Trường Tam không phải là giỏi mà nó bình thường như bao vụ khác. Để một đội cảnh sát hình sự hoạt động trong vòng 2 năm được phong anh hùng thì phải lập được rất nhiều chiến công. Có những vụ việc không nổi tiếng nhưng cũng làm hao tâm tổn trí của H88 rất nhiều.

Về vụ việc bắt Cu Nên thì có quá nhiều người biết đến nên ông Tam không muốn kể lại. Theo ông, nếu hôm đó Cu Nên nổ súng, thì ông đã hy sinh. Ban đầu, ông nghĩ chỉ có một mình Cu Nên, ai ngờ bên trong nhà còn 2 thằng đệ tử nữa. Chúng sử dụng khẩu colt 12, mà ông đột nhập lại không mặc áo giáp.

Bởi những lần xông pha trận mạc có phần "táo bạo", nên tội phạm rất sợ các chiến sĩ của H88. Nếu "cậu Mũ Trắng" và H88 đã vào cuộc vụ nào, thì một là các đối tượng đầu thú, hai là sẽ bị tiêu diệt.

Giang hồ không phải người xấu hết, cũng có những kẻ rất quân tử. Chính vì có quan điểm như thế, Đại tá Nguyễn Trường Tam mới thâm nhập được sâu vào thế giới giang hồ. "Vẫn có những cái tôi phải học từ dân giang hồ", ông nói.

Đàn em bị bắt thì các đại ca lại đến từng gia đình động viên, gửi quà. Nếu chồng đi tù thì đại ca đến thăm hỏi động viên vợ. Nhà nghèo thì đại ca cho tiền xây nhà, chữa bệnh. Vì thế, đám đàn em, gia đình các đàn em nhìn vào càng thêm nể đại ca. 

"Ví dụ Dung Hà đi uống nước, chén trà 2 nghìn cô ta đưa năm, mười nghìn mà không cần trả lại. Hoặc khi cô ta tổ chức đánh bạc có tiền, thỉnh thoảng thấy người dân trong xóm nghèo hay bệnh tật cô ta lại tới từng nhà cho tiền. 

Ngay từ những năm 80 thế kỷ trước Dung Hà đã làm như thế rồi", Đại tá Nguyễn Trường Tam nói về cách mà "đại ca" Dung Hà quy tụ được nhiều đàn em và cả người dân về dưới trướng.

Những đối tượng giang hồ cộm cán như Dung Hà, Cu Nên gặp Đại tá Nguyễn Trường Tam thường xuyên. Thế nhưng, mỗi lần gặp ông, chúng đều tỏ ra rất kính nể, rót nước đưa hai tay cẩn thận, đàng hoàng.

Lần đầu tiên là Dung Hà bị H88 bắt vì tội đánh bạc và bị xử 7 năm tù. Vào tù 7 năm thì Dung Hà cải tạo tốt nên được giảm án xuống 3 năm. 

Sau khi ra tù, Dung Hà tiếp tục hoạt động ở Hải Phòng một thời gian. Nhưng vì H88 làm quyết liệt nên việc hoạt động của nhóm giang hồ trở nên khó khăn hơn.

Dung Hà và đồng bọn tìm cách lấn sân vào miền Nam. Lúc này, vì lo sợ Dung Hà sẽ lấn át địa bàn hoạt động, trùm giang hồ Năm Cam mới cho người tiêu diệt. 

Sau khi Dung Hà chết, đàn em của cô ta vẫn dựa hơi "đại ca" để tác oai tác quái. Nhưng, với sự quyết liệt của H88, cuối cùng đám đệ tử của Dung Hà cũng rã đám, chấm dứt thời kỳ giang hồ cộm cán nhất Hải Phòng.

Còn tiếp...

Kim Thược
Theo VTC News