Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:00
RSS

Niềm hy vọng thuốc kháng Covid-19 chưa có lời giải

Thứ tư, 29/04/2020, 08:58 (GMT+7)

Nhiều tuần liền thế giới trông đợi kết quả cuối cùng thử nghiệm lâm sàng thuốc remdesivir kháng virus Covid-19.

Niềm hy vọng thuốc kháng Covid-19 chưa có lời giải
Nhân viên y tế tại một điểm xét nghiệm nhanh sàng lọc Covid-19 ở Hà Nội - Ảnh minh họa: NAM TRẦN/TTO

Hôm 17/4, Đại học Y khoa Chicago thông báo hơn 100 bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục chỉ sau 6 ngày sử dụng thuốc. Đến 24/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vô tình làm rò rỉ dữ liệu thử nghiệm tại Trung Quốc với kết quả khác hoàn toàn. Theo đó, những trường hợp nhiễm nCoV nặng không có dấu hiệu cải thiện so với nhóm bệnh nhân sử dụng giả dược.   

Gilead cho biết sẽ sớm công bố các dữ liệu quan trọng từ thử nghiệm độc lập trên 400 tình nguyện viên Mỹ, trong đó có 100 bệnh nhân ở Đại học Y khoa Chicago. Các chuyên gia sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe giữa hai nhóm: dùng thuốc trong 5 ngày và 10 ngày, sử dụng thang đo tiêu chuẩn từ "tử vong" (mức độ tệ nhất) đến "xuất viện" (hiệu quả khả quan nhất), Vnexpress đưa tin.

Các chuyên gia kỳ vọng thông tin cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về remdesivir. Dự kiến kết quả thử nghiệm tại Trung Quốc cũng sẽ có ngay sau đó.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại nghiên cứu của Gilead sẽ càng khiến tình hình trở nên rối loạn. Họ lập luận công ty không sử dụng "nhóm đối chiếu" - những người mắc Covid-19 được điều trị bằng phương pháp tối ưu nhưng không phải remdesivir để so sánh độ hiệu quả.   

Thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (Randomized controlled clinical trials: RCT) vốn là loại hình nghiên cứu thực nghiệm có giá trị nhất về mặt y học, nhằm đánh giá hiệu quả của một phương pháp điều trị. Yếu tố ngẫu nhiên duy nhất trong thử nghiệm của Gilead là thời gian thử thuốc 5 hoặc 10 ngày. Các chuyên gia cho rằng rất khó để khẳng định remdesivir có thực sự hiệu quả hay không.

"Bản thân nghiên cứu tổng thể đã rất ít giá trị khoa học, bởi tất cả bệnh nhân đều sử dụng cùng một loại thuốc. Thử nghiệm về cơ bản là vô dụng và không thể đủ điều kiện để được FDA phê duyệt", Steven Nissen, giám đốc hệ thống Phòng khám Cleveland, kiểm sát viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), nhận định.

Peter Bach, giám đốc Trung tâm Chính sách và Kết quả Nghiên cứu Y tế, gọi đây là tình huống "vô cùng khó chịu".

"Việc họ tiến hành thử nghiệm trên bệnh nhân nghiêm trọng mà không có nhóm đối chứng là một sự phí phạm", ông nói.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học có cái nhìn lạc quan hơn. Scott Gottlieb, cựu ủy viên FDA đã lên tiếng bênh vực nghiên cứu của Gilead. Ông nhấn mạnh còn nhiều công trình khác đang tiến hành, bên cạnh nghiên cứu dán nhãn công khai (nghĩa là cả bác sĩ và bệnh nhân đều biết họ đang cung cấp và sử dụng loại thuốc nào).

Ông cho biết Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) đang tiến hành một thử nghiệm remdesivir nghiêm ngặt, có giả dược. Kết quả sẽ có trong thời gian tới. Gilead tuyên bố đây mới là công trình quan trọng nhất, đồng thời nhấn mạnh chưa từng khẳng định về độ an toàn và hiệu quả của thuốc thông qua thử nghiệm được công ty thực hiện độc lập trước đó.


Theo trang worldometers.info, tính đến 5h ngày 29-4 (theo giờ Việt Nam), số người nhiễm virus corona chủng mới ở Mỹ là 1.030.618 ca, tăng 20.262 ca so với ngày trước đó, và số người tử vong vì dịch COVID-19 là 58.682 người, tăng 1.885 ca so với ngày trước đó.

Trong khi đó, số liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 28/4 (giờ Mỹ) cho biết tổng số ca nhiễm toàn quốc là 981.246 ca, tăng 23.371 ca so với ngày trước đó và số người tử vong tăng 1.336, lên mức 55.258 ca, Tuổi trẻ đưa tin.

Tổng thống Donald Trump ngày 28/4 cho biết, Mỹ đang xem xét tiến hành xét nghiệm hành khách trên một số chuyến bay quốc tế xuất phát từ các điểm nóng của dịch Covid-19. Ông Trump cho biết chính phủ của ông đang làm việc với các hãng hàng không để lên kế hoạch và có thể sẽ sớm áp dụng, theo Reuters.

Ngoài ra, Tòa nhà Quốc hội và các văn phòng quốc hội lân cận cũng sẽ tiếp tục không đón khách du lịch cho đến 16/5 trong bối cảnh nước Mỹ lo ngại sự lây nhiễm của virus corona.

Số ca tử vong ở Pháp đã gần chạm mức 24.000 ca vào ngày 28/4 trong bối cảnh thủ tướng Edouard Philippe công bố chi tiết kế hoạch của chính phủ để dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa đã áp đặt từ 17/3 nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona chủng mới. Ông Philippe cho biết việc nới lỏng các giới hạn sẽ bắt đầu từ ngày 11/5 nhưng cảnh báo rằng các nhà chức trách có thể đảo ngược tình hình nếu số ca nhiễm mới hằng ngày tăng trên 3.000 ca. 

Theo trang worldometers.info, số ca nhiễm toàn quốc của Pháp tính đến sáng 29/4 (theo giờ Việt Nam) là 165.911 ca, tăng 2.638 ca so với ngày trước đó và 23.660 ca tử vong. 

Cũng theo trang này, Mỹ hiện đang đứng đầu về số ca nhiễm với 1.030.618 người mắc COVID-19, thứ nhì là Tây Ban Nha với 232.128 ca nhiễm, Ý đứng thứ ba với 201.505 ca nhiễm.

Tây Ban Nha ngày 28/4 đã công bố kế hoạch 4 giai đoạn để dỡ bỏ lệnh phong tỏa và trở lại với cuộc sống bình thường vào cuối tháng 6 sau khi số người qua đời vì COVID-19 hàng ngày hôm 28/4 là 301 người, thấp hơn mức kỷ lục ngày 950 người hồi đầu tháng 4.

Theo cập nhật lúc 6h ngày 29/4 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong vòng 12 giờ qua Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 nào. Đây cũng là ngày thứ năm không có ca nhiễm mới được ghi nhận.

Tính từ 6h sáng ngày 16.4 đến nay, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca mắc đến nay vẫn là 270, trong đó 130 ca là từ nước ngoài. Tuy nhiên tại TP.HCM ngày 28-4 phát hiện một ca dương tính trở lại với virus corona chủng mới sau khi ra viện, đưa tổng số ca dương tính lại trên cả nước lên 9 ca.

Hiện tổng số trường hợp được điều trị khỏi bệnh, ra viện là 221; còn lại 49 người đang điều trị, trong đó 8 ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 2 lần trở lên.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN