Thứ sáu, 22/11/2024 | 14:18
RSS

Những 'triệu chứng' trẻ nghiện smartphone mà cha mẹ không để tâm

Thứ năm, 20/09/2018, 13:45 (GMT+7)

Dưới đây là những dấu hiệu 'triệu chứng' cho thấy con mình nghiện smartphone mà các bậc cha mẹ thường không để tâm.

Những dấu hiệu cảnh báo trẻ nghiện smartphone mà cha mẹ thường bỏ qua
Trẻ thèm dùng smartphone mọi lúc mọi nơi là một trong những dấu hiệu cảnh báo trẻ nghiện smarphone mà cha mẹ thường bỏ qua (Ảnh minh họa)

Điện thoại thông minh, máy tính bảng dần trở nên phổ biến trong cuộc sống gia đình. Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ tiếp xúc với smartphone, iPad vừa có thể sớm làm chủ công nghệ lại vừa khiến trẻ không quấy khóc, đòi hỏi. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy trẻ em ngày càng nghiện smartphone và gây ra những hệ quả nghiêm trọng.

Những con số gây sốc

Theo kết quả nghiên cứu ông ty makerting SuperAwesome (Anh) về tình trạng sử dụng thiết bị di động ở trẻ em, 87% trẻ em ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sử dụng smartphone. SuperAwesome cũng cho biết trẻ em tại Đông Nam Á sử dụng smartphone chủ yếu để chơi game.

Trong khi đó, trao đổi với báo Đất Việt, chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng - Trung tâm tư vấn tâm lý 247 cho biết: ''Theo số liệu nghiên cứu không chính thức thì  trên 80% các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên tại Việt Nam được xếp vào đối tượng nghiện smartphone. So với các nước trên thế giới thì tỷ lệ này ở mức độ rất cao".

Mặc dù các chuyên gia liên tục cảnh báo và đưa ra những con số đáng báo động nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn cho rằng con mình chưa đến mức nghiện smartphone. Dưới đây là những dấu hiệu con bạn có thể đang bị mê mẩn với smartphone hay máy tính bảng mà cha mẹ dễ bỏ qua.

Bứt rứt khó chịu khi không được dùng

Theo Livescience, nghiện các thiết bị điện tử cũng có triệu chứng tương tự như nghiện ma túy hay nghiện rượu. Trong một nghiên cứu năm 2011, khi 1.000 người trên khắp thế giới ngừng sử dụng điện thoại thông minh hay các thiết bị di động hoặc có kết nối internet trong 24h, nhiều triệu chứng được báo cáo như lo âu và trầm cảm, và thậm chí một người còn cho biết họ bị "ngứa như điên" vì thèm dùng điện thoại.

Nếu cha mẹ nhận thấy trẻ bứt rứt, bồn chồn hay buồn chán khi bị lấy đi smartphone, bé có thể đã bị tác động tiêu cực từ thiết bị này.

Những dấu hiệu cảnh báo trẻ nghiện smartphone mà cha mẹ thường bỏ qua
(Ảnh minh họa)

Thường xuyên đòi hỏi, đòi dùng lâu hơn

Các nhà khoa học cho rằng trẻ nghiện smartphone liên tục cần tăng ngưỡng dùng để thỏa mãn nhu cầu.

"Những đứa trẻ trước đây có thể thích dùng nó trong 10 phút, nhưng giờ chúng cần dùng tới một tiếng, hai hay thậm chí 3 tiếng", Oren Amitay, một nhà tâm lý tại Toronto, Canada, nói.

Nếu việc chơi trò chơi Angry bird hay chém hoa quả trong 20 phút không còn đủ làm trẻ vui sướng nữa, thì đó có thể là dấu hiệu của việc nghiện thiết bị điện tử di động.

Mất hứng thú với các hoạt động khác

Theo VnExpress, nếu những con bạn trước đây yêu thích đá bóng, chạy nhảy hay bày trò cùng anh chị em, bạn bè, nay lại mất hứng thú với tất cả các hoạt động này vì một trò chơi nào đó trên smartphone thì đó có thể là dấu hiệu một vấn đề.

Cha mẹ cần lưu ý rằng thỉnh thoảng mới sử dụng điện thoại hay máy tính bảng bên cạnh việc tham gia các hoạt động khác thì chưa đáng lo, nhưng lúc nào cũng chỉ thích ở trước màn hình hơn tất cả các trò chơi khác thì đã ở mức độ cần chú ý.

Khó kiểm soát

Việc cha mẹ phải rất vất vả mới có thể lấy điện thoại khỏi tay bé cũng là dấu hiệu cho thấy trẻ khó kiểm soát bản thân trước smartphone.

Cần lưu ý là một bé nhỏ nổi cơn ăn vạ, gào thét khi không được dùng smartphone nữa không chỉ là dấu hiệu của nghiện thiết bị thông minh mà còn có thể báo hiệu cha mẹ có trục trặc trong cách dạy con.

Nói dối

Bạn từng bắt gặp con mình khom người dưới bàn ăn hay trùm chăn kín để giấu giếm lướt màn hình smartphone để xem hoạt hình hay chơi trò chơi yêu thích nhưng lại chối bay biến khi cha mẹ hỏi? 

Một cảnh báo khác cho chứng nghiện là trẻ nói dối về việc sử dụng điện thoại hay máy tính bảng, lén lút sử dụng các thiết bị này trong phòng ngủ hay ở nơi kín đáo khác hoặc lừa dối các thành viên gia đình để có được nhiều thời gian hơn trước màn hình.

Khó ứng phó với cảm xúc tiêu cực

Người nghiện thường sử dụng một chất hay một hoạt động như là cách để thoát khỏi trạng thái hay cảm xúc tiêu cực.

Những đứa trẻ sử dụng smartphone để tránh đối mặt với cảm xúc buồn, căng thẳng... có thể có vấn đề. Chẳng hạn, nếu con bạn luôn vớ lấy điện thoại sau khi cãi nhau với anh, chị em mình hay bố mẹ, nó có thể coi việc sử dụng thiết bị này là cách để đối phó với cảm xúc tiêu cực của mình.

Học hành sa sút, mất bạn bè

Mất đi các mối quan hệ quan trọng, thất bại ở trường học hay có hiệu suất kém trong công việc đều là dấu hiệu của chứng nghiện. Đôi khi trẻ lựa chọn đắm chìm vào smartphone để tách mình ra khỏi thế giới xung quanh mà không hề ý thức được sự hệ trọng của hành động ấy.


Xem thêm bật khóc nhìn hai đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi, dắt nhau nhặt rác mưu sinh trong giá lạnh

Mai Anh (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN