Thứ sáu, 19/04/2024 | 09:07
RSS

Những hiện tượng khiến hàng triệu người khổ sở trong năm 2020 qua ảnh vệ tinh NASA

Thứ ba, 05/01/2021, 14:50 (GMT+7)

Năm 2020 là một năm xảy ra nhiều biến cố trên thế giới. Ngoài đại dịch Covid-19, 2020 cũng là một năm với những hiện tượng thời tiết cực đoan, từ hạn hán, lũ lụt, sóng nhiệt, cháy rừng cho đến những cơn bão lớn, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên toàn cầu.

Cháy rừng tồi tệ ở Úc vào đầu năm 2020.

Nhân dịp năm mới 2021, đài CNN của Mỹ đăng tải các bức ảnh chụp từ vệ tinh của NASA, điểm lại những những hiện tượng thời tiết cực đoan nhất trong năm 2020.

Cháy rừng chưa từng có

Đầu năm 2020, ảnh chụp vệ tinh của NASA cho thấy làn khói dày đặc, bao trùm khu vực rộng lớn ở vùng đông nam nước Úc. Đó là giai đoạn Úc trải qua một trong những mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử.

Mùa cháy rừng ở Úc lúc nào cũng nguy hiểm, nhưng mức độ gia tăng chưa từng thấy vào năm 2020, dẫn đến nỗ lực dập tắt đám cháy trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Các chuyên gia nói biến đổi khí hậu đang ngày càng khiến thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn. Những hiện tượng khắc nghiệt như cháy rừng, lũ lụt sẽ càng trở nên cực đoan. Những đám cháy rừng xuất hiện sớm hơn và lan rộng với cường độ mạnh hơn.

Đám khói lớn bao trùm khu vực phía tây nước Mỹ vào tháng 9.2020.

2020 cũng là một năm khó quên với nhiều người dân ở bờ Tây nước Mỹ, nơi xảy ra cháy rừng kinh hoàng ở California, Oregon và Washington, khiến hàng chục ngàn người phải sơ tán.

Trong bức ảnh chụp vệ tinh ngày 9.9, một lớp khói dày đặc dọc theo vùng bờ biển phía Tây nước Mỹ. “Các nhà khoa học đã dự đoán các đám cháy ở vùng phía Tây nước Mỹ sẽ ngày càng lớn hơn, dữ dội và nguy hiểm hơn. Nhưng các nhà khoa học không thể đoán được cường độ đám cháy mạnh như vụ cháy rừng xảy ra vào tháng 9.2020”, NASA cho biết.

Hạn hán

Mặc dù bức ảnh này có vẻ như cho thấy một ốc đảo xanh tươi, ảnh chụp vệ tinh của NASA cho thấy tình trạng khô cằn ở vùng lưu vực sông Paraná, Argentina.

 

Cảnh tượng khô hạn ở Argentina vào tháng 7.2020.

Thời tiết ấm áp bất thường và hạn hán kéo dài ở miền nam Brazil, Paraguay và miền bắc Argentina đã khiến mực nước dòng sông Paraná giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Hạn hán không chỉ góp phần làm gia tăng cháy rừng các khu vực đồng bằng mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người dân địa phương. Những con tàu mắc cạn và mực nước xuống thấp khiến ngành công nghiệp chế biến ngũ cốc bị tổn thất hàng triệu USD.

Hoạt động của con người có liên quan trực tiếp đến tình trạng hạn hán trên thế giới kể từ đầu thế kỷ 20, theo CNN. Khí nhà kính từ các nhà máy điện, ô tô, tàu hỏa và các hoạt động của con người nói chung có tác động rõ rệt.

Các chuyên gia dự đoán rằng hạn hán liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Siêu bão

Siêu bão Laura đổ bộ vào Mỹ.

Siêu bão Laura, một trong 10 cơn bão mạnh nhất trong lịch sử Mỹ, đổ bộ vào tháng 8. Siêu bão quét qua khu vực phía tây nam bang Louisiana khiến ít nhất 6 người chết và để lại khung cảng tan hoang trên đường đi.

Số cơn bão hình thành ở Đại Tây Dương năm nay đạt mức kỷ lục. Nhiều cơn bão lớn đổ bộ vào Mỹ, vùng Trung Mỹ và vùng biển Caribe, cho thấy ảnh hưởng rõ rệt từ biến đổi khí hậu.

Đăng Nguyễn
Theo Đời sống Plus/GĐVN