Nhiều hành vi khiến lái xe công nghệ tự đưa mình vào nguy hiểm. Ảnh minh họa
Xe ôm là một phương tiện giao thông quan trọng với nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là khi các ứng dụng đặt xe đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Tuy vậy, nhiều lái xe công nghệ hiện chưa có nhiều hiểu biết về hành vi lái xe nguy hiểm và những hệ luỵ khi va chạm giao thông, theo báo Lao động.
Các nghiên cứu viên từ Đại học RMIT và các nhà khoa học về phương tiện giao thông đến từ 3 trường đại học Việt Nam đã tìm hiểu hành vi nguy hiểm trên đường trong một nghiên cứu mới công bố của nhóm. Nghiên cứu này đã khảo sát hơn 600 tài xế xe ôm công nghệ ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Theo TS Chris De Gruyter từ Trung tâm Nghiên cứu đô thị Đại học RMIT, việc dùng điện thoại khi đang lái xe là hành vi nguy hiểm thường thấy nhất, với 52% người tham gia khảo sát trả lời đã từng làm như vậy.
Tiến sĩ Chris De Gruyter từ Trung tâm Nghiên cứu đô thị Đại học RMIT cho biết: “Điện thoại di động được xem là phương tiện cần thiết cho các tài xế xe ôm công nghệ nên kết quả này cũng không có gì đáng ngạc nhiên”, theo ICT News.
Vị này nói: “Tài xế cần dùng điện thoại thông minh để nhận yêu cầu từ khách hàng và liên lạc với họ nếu cần thiết để xác nhận địa điểm đón khách. Một số tài xế còn dùng điện thoại thông minh như phương tiện định vị GPS và điều này có thể ảnh hưởng đến việc cầm lái”.
Bất cẩn không dùng xi nhan khi chuyển hướng là hành vi nguy hiểm thứ hai thường thấy nhất ở các tài xế xe ôm công nghệ. Gần 31% tài xế tham gia khảo sát thừa nhận không xi nhan khi chuyển hướng ít nhất vài lần trong 1 năm. “Không dùng xi nhan để chuyển hướng cũng dễ dẫn đến va chạm”, Tiến sĩ De Gruyte nói.
Đáng chú ý, trong nghiên cứu nói trên cho thấy những tài xế xe ôm công nghệ là sinh viên và người có thu nhập thấp thường có hành vi nguy hiểm hơn. Điều này do họ muốn tăng thu nhập bằng cách làm việc nhiều giờ hơn. Họ thường lấn làn xe ô tô, chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, vượt ẩu và lái xe khi uống rượu bia.
“Chúng tôi nhận thấy những tài xế làm việc hơn 50 giờ một tuần dễ mắc phải hầu hết các lỗi nguy hiểm”, Tiến sĩ De Gruyter nói.
Vị này cũng cho rằng với tốc độ phát triển và mở rộng không ngừng của các dịch vụ gọi xe ở các nước đang phát triển, việc can thiệp có chủ đích để giảm bớt hành vi lái xe nguy hiểm và va chạm giữa các tài xế xe ôm công nghệ là điều cần thiết.
Điều này chỉ ra cơ hội để các hãng gọi xe công nghệ xác định những ai có nguy cơ dễ gặp tai nạn và phòng ngừa để giảm việc lái xe nguy hiểm.