Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:36
RSS

Những giải đấu quốc tế đáng chờ đợi của bóng đá Việt Nam cuối năm 2019?

Thứ sáu, 26/07/2019, 11:22 (GMT+7)

Cuối năm 2019, bóng đá Việt Nam nhộn nhịp với những giải đấu quan trọng, khi cả đội tuyển quốc gia và các đội trẻ đều đồng loạt ra quân ở đấu trường quốc tế.

Cuối năm 2019, bóng đá Việt Nam nhộn nhịp với những giải đấu quan trọng, khi cả đội tuyển quốc gia và các đội trẻ đều đồng loạt ra quân ở đấu trường quốc tế

Giải vô địch U15 Đông Nam Á 2019

Giải vô địch U15 Đông Nam Á 2019 sẽ diễn ra từ ngày 27/7 - 9/8 tại Thái Lan. Đội tuyển U15 Việt Nam nằm ở bảng A cùng các đội U15 Singapore, U15 Myanmar, U15 Đông Timor, U15 Philippines và U15 Indonesia. Đây là bảng đấu không quá khó với mục tiêu đi tiếp của U15 Việt Nam.

Trong khi bảng B sẽ là cuộc cạnh tranh rất gay cấn giữa chủ nhà U15 Thái Lan, U15 Australia và U15 Malaysia. Bảng đấu này còn có sự hiện diện của 3 đội tuyển khá yếu là U15 Lào, U15 Campuchia và U15 Brunei.

Giải vô địch U18 Đông Nam Á 2019

Giải U18 Đông Nam Á 2019 tổ chức tại Việt Nam, từ ngày 6 đến 19/8 với sự tham dự của 12 đội bóng, được chia làm 2 bảng. Bảng A gồm: U18 Myanmar, Indonesia, Lào, Timor-Leste, Philippines và Brunei.

Đội tuyển U18 Việt Nam nằm ở bảng B cùng Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Australia. So với bảng đối diện, bảng đấu của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn được đánh giá là khá nặng.

Các trận đấu của giải sẽ diễn ra tại hai sân chính gồm Gò Đậu (Bình Dương, bảng A) và Thống Nhất (TP.HCM, bảng B). Ngoài ra, sân Thành Long và sân phụ tại Bình Dương cũng dự kiến được sử dụng khi các trận đấu diễn ra cùng giờ.

Giải U18 Đông Nam Á trên sân nhà là bước tổng duyệt để đội chuẩn bị cho vòng loại U19 châu Á 2020, diễn ra từ ngày 2 đến 10/10.

Vòng loại U16 Châu Á 2020 

Vòng loại U16 châu Á 2020, diễn ra từ ngày 14-22/9 tại Việt Nam. U16 Việt Nam nằm ở bảng H cùng với Australia, Timor Leste, Macau và Mông Cổ. Ở giải lần này, có tổng cộng 47 đội tham dự, được chia thành 2 khu vực Tây Á (25 đội) và Đông Á (22 đội). 47 đội được chia thành 11 bảng.

11 đội đứng nhất cùng với 5 đội đứng thứ nhì có thành tích tốt nhất sẽ giành quyền vào chơi vòng chung kết. Theo kết quả bốc thăm, U16 Việt Nam nằm ở bảng H cùng với Australia, Timor Leste, Macau và Mông Cổ.

Lợi thế cho U16 Việt Nam là vòng loại U16 châu Á 2020 là được chơi trên sân nhà khi được quyền đăng cai vòng loại bảng H.

Vòng loại U19 Châu Á 2020

Vòng loại U19 châu Á 2020, diễn ra từ ngày 2-10/11 tại Việt Nam. Theo kết quả bốc thăm, U19 Việt Nam rơi vào bảng J cùng với Nhật Bản Mông Cổ và đảo Guam. Vòng loại bảng J sẽ diễn ra tại Việt Nam từ ngày 2 đến 10/11.

11 đội bóng nhất mỗi bảng sẽ giành quyền đi tiếp, 4 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất (không tính đội chủ nhà) sẽ giành vé vớt đến VCK U19 châu Á 2020.

Với việc nằm chung bảng J với đối thủ rất mạnh như U19 Nhật Bản, mục tiêu thiết thực nhất mà U19 Việt Nam hướng đến là giành 1 trong 4 vị trí nhì bảng xuất sắc nhất để lọt vào VCK.

SEA Games 30

Theo thông báo mới nhất của BTC SEA Games 30, 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều đăng ký thi đấu môn bóng đá nam. Lứa tuổi mà các cầu thủ bóng đá nam dự SEA Games 30 là U22, ngoài ra mỗi đội được bổ sung thêm 2 cầu thủ trên 22 tuổi.

11 đội bóng sẽ được chia làm 2 bảng đấu, một bảng 5 đội và một bảng 6 đội. Các trận đấu vòng bảng môn bóng đá nam sẽ khởi tranh vào ngày 25/11 và kết thúc ngày 5/12. Vòng bán kết diễn ra từ 7/12, trận tranh HCĐ và HCV sẽ được tổ chức vào ngày 10/12.

Theo Philippines, môn bóng đá Nam SEA Games sẽ thi đấu trên các SVĐ cỏ nhân tạo, gồm các sân: Rizal Memorial, UMAK Football và Binan Football. Trong đó sân Rizal Memorial là nơi sẽ diễn ra loạt trận khai màn, vòng bán kết, trận tranh HCĐ, HCV. Cả 3 SVĐ này đều có mặt sân thi đấu là sân cỏ nhân tạo với tiêu chuẩn được AFC công nhận.

Vòng loại World Cup 2022

Vòng loại 2 World Cup 2022 gồm có 40 đội tuyển tranh tài, trong đó có 7 đội vượt qua vòng 1 và 33 đội có thứ hạng từ 1 đến 33 châu Á theo BXH FIFA.

40 đội được chia vào 8 bảng, mỗi bảng 5 đội, thi đấu theo thể thức sân nhà- sân khách để tính điểm xếp hạng tại mỗi bảng. 8 đội xếp thứ nhất và 4 đội xếp thứ nhì có thành tích tốt nhất tại 8 bảng (tổng cộng 12 đội) sẽ giành quyền tham dự VCK Asian Cup 2023, đồng thời giành quyền tham dự Vòng loại cuối cùng của World Cup 2022.

24 đội tuyển có thành tích tốt nhất còn lại sẽ chia thành 6 bảng (4 đội/bảng) để tiếp tục thi đấu cạnh tranh 11 suất vé còn lại tham dự VCK Asian Cup 2023 (suất vé thứ 24 được dành cho đội tuyển chủ nhà VCK Asian Cup 2023- Trung Quốc).

Châu Á có 4,5 suất tham dự VCK World Cup 2022, nên 12 đội tuyển lọt vào vòng loại cuối cùng (vòng loại 3) của World Cup 2002 khu vực châu Á sẽ được chia thành 2 bảng (6 đội/bảng, thi đấu vòng tròn 2 lượt đi và về).

Hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ giành vé dự VCK World Cup 2022. Hai đội đứng thứ 3 sẽ thi đấu play-off (lượt đi - lượt về trên sân nhà - sân khách). Đội thắng sẽ giành vé chơi trận play-off với đại diện của châu lục khác để đoạt tấm vé còn lại tới Qatar dự VCK World Cup 2022.

Lịch thi đấu cụ thể của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022

05/09/2019- Thái Lan vs Việt Nam

10/10/2019- Việt Nam vs Malaysia

15/10/2019 -Indonesia vs Việt Nam

14/11/2019- Việt Nam vs UAE

19/11/2019- Việt Nam vs Thái Lan

31/03/2020- Malaysia vs Việt Nam

04/06/2020- Việt Nam vs Indonesia

09/06/2020 UAE vs Việt Nam

H.Nguyễn
Theo Đời sống Plus/GĐVN