Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:05
RSS

Những điều chưa biết về bệnh phong thấp theo Y học cổ truyền

Thứ sáu, 28/06/2019, 11:16 (GMT+7)

Theo y học cổ truyền, bệnh phong thấp chỉ tình trạng tắc nghẽn khí huyết trong kinh mạch. Nguyên nhân do nguyên khí hư yếu tạo cơ hội cho tà khí từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể.

bệnh phong thấp

Bệnh phong thấp là tình trạng tắc nghẽn khí huyết trong kinh mạch

Theo y học cổ truyền, bệnh phong thấp còn được gọi là ”Tý chứng” – bệnh lý chỉ tình trạng tắc nghẽn khí huyết trong kinh mạch. Hai Danh y là Tuệ Tĩnh và Hãi Thượng Lãn Ông cũng đã từng đề cập đến căn bệnh này và cho rằng, nguyên nhân gây bệnh phong thấp là do nguyên khí hư yếu tạo cơ hội cho các tà khí từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể.

Phong thấp là gì?

Bệnh phong thấp bình dân gọi là là tê thấp. Từ y học là Tý chứng. Khi Phong, Hàn, Thấp, Nhiệt thừa lúc cơ thể yếu đuối xâm nhập, lưu trú tại kinh lộ, cơ nhục, khớp xương, làm tổn thương huyết mạch và tâm, dẫn đến : cơ thể, các khớp xương, chân tay sưng đỏ đau nhức, nặng nề, tê dại... bệnh nhân cảm thấy hàn nhiệt, biểu chứng. Tùy theo sự cảm nhiễm bệnh, chia ra làm bốn loại khác nhau :  

  • Hành tê (hành tý)  
  • Thống tê (thống tý)  
  • Trứ tê (trứ tý)  
  • Nhiệt tê (nhiệt tý).

Tý chứng có nghĩa là chứng bế tắc, khí huyết bị ngưng đọng lại. Nếu trị bệnh không đúng phép, hoặc bệnh thế nặng, thì bệnh sẽ chuyển vào tâm do mạch, xuất hiện:

  • Tâm ủy (hồi hộp lo âu)  
  • Khí đoản (hơi thở ngắn)  
  • Đau căng lồng ngực  
  • Lâu ngày quá sẽ tổn hại tới tâm tạng, thành ra chứng Phong thấp tim (Tâm tý).

Các tà khí thâm nhập vào cơ biểu và kinh lạc gây cản trở sự vận hành của khí huyết trong kinh mạch. Khi khí huyết vận hành trong kinh mạch bị tà khí làm cản bế sẽ gây đau nhức cơ bắp, gân cốt và xương khớp co rút, tê bì, cử động khó khăn.

bệnh phong thấp

Tà khí thâm nhập vào cơ biểu và kinh lạc gây cản trở vận hành của khí huyết trong kinh mạch

Các tà khí này bao gồm:

  • Phong: Bao gồm nội phong và ngoại phong. Phong gây phong thấp (chứng Tý) là ngoại phong, thường di động và biến hóa nên gây đau khớp cũng mang đặc tính này.
  • Hàn: Bao gồm nội hàn và ngoại hàn. Hàn gây phong thấp (chứng Tý) là ngoại hàn, nghĩa là do khí lạnh bên ngoài môi trường. Hàn thường gây ngưng trệ, co cứng và xung huyết ở khớp nên gây đau xương khớp dữ dội và mang tính cố định.
  • Thấp: Bao gồm nội thấp và ngoại thấp. Thấp gây phong thấp (chứng Tý) là ngoại thấp. Thấp thường lưu trú ở khớp gây sưng đau chân tay và khiến cơ thể mệt mỏi, nặng nề.

Ngoài ra, những người có cơ thể suy nhược, sức đề kháng thấp, lao động quá sức, thần kinh không ổn định… thì tà khí cũng dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.

Thông thường, 3 loại tà khí (Phong, Hàn, Thấp) thâm nhập vào cơ thể và gây thể bệnh phong hàn thấp tý. Tuy nhiên, nếu 3 tà khí này khu trú quá lâu ở kinh lạc và cơ khớp mà không được hóa giải thì sẽ chuyển thành nhiệt và gây ra thể bệnh phong thấp nhiệt tý, gây sưng, đau, nóng, đỏ ở các khớp.

Bệnh chứng phong thấp:

bệnh phong thấp

Bệnh phong thấp thường gây đau nhức khớp xương

1. Phong mạnh:

Hay còn gọi là: Phong thấp chạy, Tê thấp chạy, Hành tý, Hầu tý,…

  • Mình đau, tay chân đau.
  • Khớp xương đau nhức.
  • Chỗ đau thay đổi.
  • Khớp xương hoặc hồng đỏ hoặc sưng.
  • Gân mạch co rút.
  • Khúc gập chân tay, cổ bất lợi. Trong đó đầu gối, mắt cá, cùi chỏ, cổ tay tổn hại nhiều nhất.  

Đó  là  hiện  tượng  phong,  thấp  xâm  nhập.  Phong  là  dương  tà,  thấp  là  âm  tà.  Khi phong thấp nhập vào cơ biểu, kinh lạc, khớp xương, thì thấy phát nhiệt ác hàn. Khi dương tà xâm nhập gặp âm tà thì bị ngưng lại, nên khí huyết không thông được, bất thông tất thống vì vậy khớp xương mới sưng đỏ đau đớn. Khi kinh mạch không được thông, thì các khúc gập bất lợi. Phong tà thịnh thì khớp xương đau, và chạy khắp cơ thể.  

2.  Hàn mạnh:

Còn gọi là: Phong thấp lạnh, Tê thấp lạnh, Thống tý.

  • Thân đau, tay chân lạnh
  • Khớp xương đau nhức
  • Chỗ đau nhất định
  • Ngày nhẹ đêm nặng
  • Người cảm thấy lạnh
  • Gặp nhiệt thì cơn đau giảm  
  • Gặp lạnh thì đau hơn  
  • Chỗ đau thì da không hồng, không nóng
  • Thường phát vào những ngày mưa, u ám

Đây là trường hợp Phong thấp : Phong, hàn, thấp xâm nhập, nhưng hàn mạnh, ứ đọng tại cơ biểu, khớp xương. Hàn thấp là âm tà, tính của nó là "Ngưng đọng nặng nề và đục" làm cản trở kinh lạc, khớp xương, khí huyết, bế tắc, không thông được mà bất thông tắc thống cho nên khớp xương đau, chỗ đau nhất định, Hàn tà mạnh, tính của nó là "Thu và Dẫn", cho nên khớp xương, khúc gập bất lợi. Nếu Hàn tà thịnh bên trong thì sợ lạnh, chân tay lạnh, khớp xương cảm thấy lạnh, trời mưa, âm u thì âm khí tăng, nên bệnh nặng. Hàn tà thịnh nên khi gặp nhiệt thì giảm đau, vì hàn bị tản đi, khí huyết thông được.  

3. Thấp mạnh:

Hay còn gọi là Phong thấp tê, Tê thấp tê, Trứ tý  

  • Toàn thân cảm thấy ớn lạnh  
  • Chân tay, khớp xương đau nhức ê ẩm, nặng nề  
  • Cơ nhục cảm thấy như tê hoặc sưng phù lớn lên    
  • Người nặng nề đi đứng khó khăn  
  • Hoạt động bất tiện  
  • Đau tại từng khu vực nhất định, thấp kết có nước
  • Khi nằm trở mình khó khăn  
  • Ăn uống đầy ứ  

Đây là trường hợp phong, hàn, thấp xâm nhập mà thấp mạnh hơn. Các hiện tượng trên là do thấp, hàn xâm nhập bì phu, cơ nhục cùng khớp xương. Thấp hàn là âm tà, tính của nó là "nặng nề" và "đục, cản", ứ đọng không tản đi được, cho nên chân tay mình mẩy nặng nề, tê tái, đau nhức hoạt động bất tiện, da bị sần sùi. Thấp tà thịnh bên trong, dương khí không thể chuyển thông, thì sinh ra phù thủng. Hàn thấp làm cho tỳ vị bên trong khốn khó vận hoá, cho nên ăn uống vào đầy ứ, vùng bao tử lồng ngực nghẽn. Thấp kết lại là do hàn thấp ứ đọng ở kinh lộ, không phân tán đi được.  

4. Nhiệt mạnh:

bệnh phong thấp

Phong thấp nhiệt khiến người bệnh gặp ấm nóng thì cơn đau tăng, gặp lạnh thì giảm đau

Hay còn gọi là Phong thấp nhiệt, Tê thấp nhiệt, Nhiệt tý  

  • Miệng khô khát  
  • Hoặc nhiệt quá thịnh phiền khát  
  • Phiền táo bất an  
  • Ngày nhẹ đêm nặng  
  • Nước tiểu vàng, đỏ, tiện bí  
  • Khớp xương sưng hồng, nhức nóng  
  • Đau như lửa đốt dao cắt  
  • Gân mạch căng thẳng  
  • Hoạt động khó khăn, tay không dám đụng vào chỗ đau.    
  • Gặp Hàn lạnh thì giảm đau
  • Gặp ấm, nóng thì cơn đau tăng  
  • Phù thủng tăng mau  
  • Hoặc thấy những vết hồng ban, ẩn chẩn
  • Khớp xương nhiều chỗ đau nhức.

Đây là chứng thấp nhiệt ứ đọng mà nhiệt tà thịnh, hoặc Phong thấp nhưng nhiệt thịnh cho nên phát nhiệt miệng khô, lồng ngực căng, đó là thắng. Khớp xương sưng đỏ mà đau, đó là nhiệt ứ tại khớp xương, thực chứng cho nên gặp hàn lạnh thì giảm. Làm việc quá độ, vệ khí không đủ bảo toàn cơ thể, kinh lạc, khí huyết vận hành không tốt, cho nên đau khốn khổ.

Quỳnh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN