7 giờ sáng, chiếc xe hơi đỗ xịch trước cổng một viện dưỡng lão ở Hà Đông, Hà Nội. Bà Trần Thị Thương (81 tuổi, ở căn penthouse một khu chung cư Hà Đông, Hà Nội) xuống xe mang theo chiếc túi bên trong có chứa 1 bộ quần áo, 1 chiếc điện thoại. Bà được các điều dưỡng viên đón vào trung tâm. Một ngày ‘đi học’ của bà bắt đầu.
Tại viện dưỡng lão cách nhà chỉ khoảng 2 km này, bà Thương sinh hoạt chung phòng với 8 người phụ nữ khác. Mỗi phòng đều có 1 tivi, mỗi người được phân một chiếc giường, một chiếc tủ cá nhân đựng đồ.
Bữa trưa của những người già diễn ra vào lúc 10 giờ 20. Sau giấc ngủ trưa, họ có các hoạt động chung cùng bạn bè và dùng bữa chiều vào lúc 4 giờ. Sau đó bà Thương lại sắp xếp vật dụng cá nhân xuống tầng 1 sẵn sàng để các con, cháu đến đón về nhà.
Mỗi ngày bà “đến trường” từ thứ 2 đến thứ 7, chủ nhật bà ở nhà sinh hoạt, vui chơi cùng các con, cháu trong gia đình. Vì vậy “đi học bán trú” là cách các con cháu cũng như các nhân viên viện dưỡng lão thường gọi đùa với bà.
Những người già theo dõi một trận bóng trong viện dưỡng lão (Ảnh: Viện dưỡng lão cung cấp)
Trước khi vào trung tâm, bà Thương có tiền sử mắc bệnh tiểu đường. Các con cái có điều kiện kinh tế ổn định đã thuê giúp việc để chăm sóc bà. Tuy nhiên họ nhận thấy nhiều bất ổn khi để mẹ ở nhà cùng người giúp việc. Bà Thương thường xuyên nằm nhiều, không vận động. Ngoài ra người giúp việc không thể kiểm soát được việc ăn uống của bà. Bởi vậy, gia đình đã thuyết phục bà vào sinh hoạt tại viện dưỡng lão theo hình thức bán trú.
Họ mong muốn bà gặp gỡ, giao lưu nhiều bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội nhưng đồng thời vẫn gắn kết với con cháu bằng khoảng thời gian về nhà vào mỗi tối và cuối tuần. Bởi vậy các con cháu bà đã lên phân chia nhau lịch đưa đón mẹ vào viện mỗi sáng và mỗi chiều.
Chi phí cho việc ‘đi học’ của người phụ nữ ngoài tuổi 80 này khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Sáng thứ 2 một ngày đầu tháng 6/2018, bà Phượng (75 tuổi, Hà Nội) cũng được con cháu chuẩn bị đồ đạc để vào viện dưỡng lão “tá túc”. Khác với bà Thương sáng đi chiều về, bà Phượng lại ở cả ngày tại viện dưỡng lão. Tuy nhiên thời gian ở tại viện của bà chỉ ngắn gọn trong vòng 3 ngày, 1 tuần hoặc 10 ngày.
Thời điểm này, gia đình bà tổ chức đám cưới cho người cháu ruột. Các con quá bận rộn với việc chuẩn bị, sợ không chăm sóc mẹ được chu đáo như ngày thường, họ gửi mẹ vào viện dưỡng lão. Sau đó đến ngày cưới họ đón mẹ về chung vui cùng gia đình.
Tại Hà Nội, không hiếm trường hợp như bà Phượng. Nhiều gia đình lựa chọn dịch vụ chăm sóc người già ngắn ngày khi họ bận đi công tác, đi du lịch… không sắp xếp được người trông nom, chăm sóc cha mẹ.
Chi phí cho dịch vụ này giao động từ 200-300 nghìn đồng/ngày. Tại đây các cụ già được chăm sóc ăn uống, được hưởng các dịch vụ y tế, được tham gia các hoạt động sinh hoạt, giao lưu cùng các thành viên…
Ngoài ra ở các viện dưỡng lão cũng có phòng VIP (2 bệnh nhân/phòng) dành cho các cụ già muốn có không gia sinh hoạt riêng tư. Giá cho các phòng khoảng 9 đến 10 triệu đồng/tháng.
Trong một ván cờ (Ảnh: Viện dưỡng lão cung cấp)
Chị Hoàng Thị Thu Ngân (SN 1988, phó giám đốc một viện dưỡng lão ở Hà Nội), cho biết, quan niệm người Việt đang dần cởi mở hơn về viện dưỡng lão.
Viện dưỡng lão không đơn thuần là nơi ở của những người ở tuổi già neo đơn không có con, cháu. Viện còn tiếp nhận nhiều đối tượng không còn khả năng tự chăm sóc bản thân (ăn uống, tắm giặt, vệ sinh…) và những người già tiềm ẩn các nguy cơ lớn về sức khỏe như cao huyết áp, mỡ máu, tai biến…
Nhiều gia đình có điều kiện thuê giúp việc về để chăm sóc cha mẹ nhưng hiện nay các giúp việc ở Việt Nam đa phần đều chưa được đào tạo kiến thức về y tế, chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, tiếng nói của người giúp việc không có sức thuyết phục các cụ. Ở với người giúp việc các cụ ăn uống, sinh hoạt không điều độ khiến bệnh tình không khả quan. Việc thuê người giúp việc chỉ giải quyết được vấn đề chăm sóc ăn uống, khó thể đáp ứng được nhu cầu hoạt động về tinh thần.
Ngược lại về phía người giúp việc, nhiều người cũng không thể chịu được áp lực công việc chăm sóc người già. Không chỉ vất vả trong công tác cho ăn uống, thay bỉm, vệ sinh… nhiều người già khó tính, trái tính khiến người giúp việc không chịu đựng được. Nhiều gia đình liên tục phải tìm giúp việc vì chỉ ở được vài hôm giúp việc đã đòi nghỉ.
Các cụ già trong một sinh hoạt tập thể (Ảnh: Viện dưỡng lão cung cấp)
Bởi vậy các gia đình đã đưa người già đến các viện dưỡng lão. Tại đây ngoài việc được chăm sóc sức khỏe họ còn kết bạn và tham gia các hoạt động tập thể.
Chị Thu Ngân kể, gần đây nhất trung tâm chị tiếp một nam giới 34 tuổi, ở Hà Nội. Anh đến tìm hiểu về viện dưỡng lão để đưa mẹ vào. Anh kể, anh đang công tác tại trung tâm thành phố và mẹ anh đang ở quê một mình.
Bà có tiền sử bệnh cao huyết áp, khi sống một mình bà không tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng và uống thuốc đều đặn vì vậy một tuần anh phải về thăm mẹ 2 lần. Tuy nhiên việc về nhà thường xuyên cũng chưa khiến anh yên tâm. Ngoài ra, đi lại nhiều khiến anh bị ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe. Cuối cùng theo lời khuyên của một người bạn anh quyết định đưa mẹ vào viện dưỡng lão nơi gần cơ quan anh làm việc.
Chị Ngân nói: “Sau khi tìm hiểu người này nhận thấy viện dưỡng lão là lựa chọn phù hợp cho gia đình. Tuy nhiên anh đang lo ngại mẹ anh có nhiều suy nghĩ, chưa đồng ý. Bởi không ít người cao tuổi ở VIệt Nam quan niệm rằng việc phải vào viện dưỡng lão làbị con cái chối bỏ, phải sống trong sự cô đơn đến cuối đời. Tuy nhiên hiện nay các viện dưỡng lão đều có nhiều dịch vụ như ở dài hạn, ở bán trú hay ở trong thời gian ngắn hạn để khách hàng có thể lựa chọn tùy hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình”.
*Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu