Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:33
RSS

Những chính sách nổi bật sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2022

Chủ nhật, 29/05/2022, 09:00 (GMT+7)

Từ tháng 6/2022, nhiều chính sách pháp luật, kinh tế, xã hội… mới sẽ chính thức được áp dụng mang đến những ảnh hưởng nhất định đối với đời sống của người dân.


Không dán thẻ ETC hoặc có dán nhưng tài khoản không có đủ tiền mà đi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ ngày 1/6 sẽ bị xử phạt.

Cấp hộ chiếu phổ thông online trên toàn quốc

Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp hộ chiếu phổ thông (không gắn chíp điện tử) cho công dân trên Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an.

Theo thông tin từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an, dịch vụ này sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/6/2022. Trước đó, đã được triển khai thí điểm tại Hà Nội từ 15/5/2022.

Như vậy, từ tháng 6 tới, người dân có thể đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an để đăng ký hồ sơ, thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hộ chiếu qua bưu điện hoặc đến nhận trực tiếp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khi có kết quả.

Đồng thời, chính sách giảm lệ phí làm hộ chiếu cũng được áp dụng đến hết ngày 30/6/2022.

Dự kiến dừng thu phí thủ công trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

Theo thông tin mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ ngày 1/6/2022, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ dừng thu phí thủ công, thay vào đó sẽ chính thức thí điểm 100% thu phí điện tử không dừng (ETC) đối với các phương tiện di chuyển trên tuyến cao tốc này.

Do đó, các phương tiện không dán thẻ ETC, hoặc có dán nhưng tài khoản không đủ để lưu thông mà cố tình đi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ ngày 01/6 tới đây sẽ bị xử phạt vi phạm giao thông

Căn cứ điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với người điều khiển ô tô sẽ là từ 2 - 3 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Vì vậy, để có thể di chuyển thuận lợi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mà không bị phạt, các tài xế cần nhanh chóng thực hiện việc dán thẻ thu phí tự động ETC và nạp đủ tiền vào tài khoản đó.

Hạn cuối giảm lệ phí làm căn cước công dân gắn chíp

Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 120 ngày 24/12/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch.

Trong đó, đáng chú ý phải kể đến việc giảm 50% lệ phí làm Căn cước công dân gắn chíp. Mức phí ưu đãi này chỉ được áp dụng đến hết ngày 30/6/2022. Sau ngày này, người dân đi làm Căn cước gắn chíp sẽ phải trả theo mức phí tại Thông tư số 59/2019 quy định lệ phí cấp Căn cước công dân.

Cụ thể: Trường hợp chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số/12 số sang thẻ Căn cước công dân mức phí đến trước ngày 30/6 là 15.000 đồng/thẻ, sau ngày này là 30.000 đồng/thẻ.

Tương tự, trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu đang có mức giá là 25.000 đồng/thẻ, sau ngày 30/6 sẽ là 50.000 đồng/thẻ.

Trường hợp cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất, được trở lại quốc tịch Việt Nam đang có mức giá là 35.000 đồng/thẻ, sau ngày 30/6 sẽ là 70.000 đồng/thẻ.

Ngoài ra, ngày 30/6/2022 cũng là hạn cuối áp dụng chính sách giảm phí sử dụng đường bộ; lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm; lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành…

Chỉ sử dụng hóa đơn giấy đến hết ngày 30/6

Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày 19/10/2020 thì vẫn được tiếp tục sử dụng hóa đơn đó đến hết ngày 30/6/2022.

Thay vì sử dụng hóa đơn giấy, từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, sáng tạo

Theo Thông tư 06/2022/TT-BKHĐT (có hiệu lực từ ngày 25/6/2022) hướng dẫn Nghị định 80/2021/NĐ-CP, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các hoạt động sau:

Học viên của doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài được hỗ trợ bao gồm: Học phí, tài liệu, ăn, ở, đi lại (bao gồm vé máy bay).

Doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử sẽ được hỗ trợ. Theo đó, đối với sàn thương mại điện tử trong nước: Phí thanh toán, phí cố định và phí dịch vụ người bán phải trả cho sàn thương mại điện tử. Đối với sàn thương mại điện tử quốc tế: Phí tài khoản người bán, phí giới thiệu, phí hoàn thiện đơn hàng, phí lưu kho, chi phí đăng ký mã vạch sản phẩm, chi phí thiết kế và chụp ảnh sản phẩm, chi phí quảng cáo trên sàn thương mại điện tử.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ phí, lệ phí tham gia cuộc thi; ăn, ở tại nước sở tại; đi lại (bao gồm vé máy bay); vận chuyển tài liệu, sản phẩm, trang thiết bị phục vụ tham gia cuộc thi.

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với viên chức ngành Y tế

Nhằm cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng không phù hợp đối với viên chức ngành y tế, ngày 26/4/2022, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-BYT sửa đổi quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế.

Thông tư mới đã bỏ đồng loạt điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế bao gồm:

Viên chức là bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y sĩ làm việc trong các cơ sở y tế công lập; Viên chức y tế công cộng làm việc trong các cơ sở y tế công lập; Viên chức điều dưỡng, viên chức hộ sinh, viên chức kỹ thuật y làm việc trong các cơ sở y tế công lập.

Viên chức dược làm việc trong các cơ sở y tế công lập; Viên chức dinh dưỡng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; Viên chức dân số làm việc trong các đơn vị sự nghiệp dân số, y tế công lập.

Thay vào đó, Thông tư 03 chỉ yêu cầu các viên chức chuyên ngành y tế có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Thông tư 03/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 10/6/2022.

Tăng thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, tổ chức cán bộ ở địa phương

Có hiệu lực từ ngày 1/6/2022, Thông tư 3/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ đã điều chỉnh lại quy định về thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ ở địa phương.

Theo đó, công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ ở địa phương sẽ phải chuyển đổi vị công tác trong thời hạn từ đủ 3 năm đến 5 năm.

Hiện nay thời hạn này đang được áp dụng theo Quyết định 05/2008/QĐ-BNV với thời gian quy định là đủ 3 năm (tức đủ 36 tháng).

Bên cạnh đó, Thông tư 03 của Bộ Nội vụ cũng liệt kê cụ thể 8 vị trí công tác tổ chức cán bộ phải thực hiện định kỳ chuyển đổi bao gồm:

Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Tổ chức tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức; thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế.

Thẩm định các đề án thành lập mới, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, tổ chức phi chính phủ, hội nghề nghiệp.

Thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính các cấp.

Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức thi đua, khen thưởng, kỷ luật.

7 - Phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo.

Quản lý, thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Tăng thời gian học thực hành lái xe trên đường giao thông

Nhằm giúp học viên được luyện tập lái xe trên đường trường nhiều hơn trong quá trình học, Thông tư 04/2022/TT-BGTVT đã điều chỉnh lại chương trình đào tạo lái xe ô tô các hạng B1, B2 và C.

Theo sự phân bổ thời gian học thực hành lái xe trong chương trình đào tạo lái xe ô tô mới, thời gian học thực hành lái xe ô tô sẽ trên đường giao thông từ ngày 15/6/2022 sẽ có sự thay đổi như sau:

Đối với hạng lái xe B1 (số tự động), thời gian học thực hành lái xe ô tô trên đường giao thông trước ngày 15/6/2022 là 20 giờ; sau ngày 15/6/2022 là 24 giờ.

Đối với hạng lái xe B1 (xe số cơ khí) và hạng B2, thời gian học thực hành lái xe ô tô trên đường giao thông trước ngày 15/6/2022 là 36 giờ; sau ngày 15/6/2022 là 40 giờ.

Đối với hạng lái xe C thời gian học thực hành lái xe ô tô trên đường giao thông trước ngày 15/6/2022 là 45 giờ; sau ngày 15/6/2022 là 48 giờ.

Cùng với việc tăng số giờ học thực hành lái xe trên đường trường, Thông tư 04 sẽ giảm tương ứng thời gian học thực hành trên sân tập lái để đảm bảo tổng số giờ học vẫn thực hiện như chương trình trước đây.

Tuấn Khang
Theo Giáo dục & Thời Đại