Thứ sáu, 03/05/2024 | 21:33
RSS

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ ngày 1/1/2019

Thứ ba, 01/01/2019, 07:00 (GMT+7)

Tăng lương tối thiểu theo vùng, tăng thuế xăng dầu và mội trường, nhiều hành vi bị cấm trên không gian mạng... là những chính sách được áp dụng từ ngày 1/1/2019.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2019
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2019. Ảnh Zing

Tăng lương tối thiểu vùng

Bắt đầu từ ngày 1/1/2019, Nghị định số 157/2018/NĐ-CP của Chính phủ được áp dụng.  Theo đó, quy định về mức lương tối thiểu vùng từ năm 2019 sẽ có hiệu lực.

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được hưởng mức lương tối thiểu cao hơn từ 160.000 đồng đến 200.000 đồng tùy từng vùng.

Lao động làm việc tại doanh nghiệp ở vùng I (chủ yếu các quận, huyện tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương...) được áp dụng mức lương tối thiểu mới 4,18 triệu đồng/tháng, tăng 200.000 đồng.

Người lao động tại vùng II được hưởng mức lương tối thiểu 3,71 triệu đồng, tăng 180.000 đồng mỗi tháng. Vùng III, người lao động được tăng 160.000 đồng mỗi tháng lên mức 3,25 triệu đồng; và vùng IV được tăng lên 2,92 triệu đồng.

Tăng thuế môi trường và xăng dầu

Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc, theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số nhóm hàng hóa được quy định cụ thể như sau:- Xăng, trừ etanol: 4.000 đồng/lít;

Dầu diesel: 2.000 đồng/lít;

Than nâu: 15.000 đồng/tấn;

Túi ni lông thuộc diện chịu thuế: 50.000 đồng/kg;…

​Tăng thuế xăng dầu và môi trường
Tăng thuế xăng dầu và môi trường. Ảnh Dân Trí

Theo biểu thuế bảo vệ môi trường nêu trên, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã tăng kịch khung (Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 quy định khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 1.000-4.000 đồng/lít).

Không xử lý đơn tố cáo, nặc danh

Từ ngày 1/1, Luật Tố cáo 2018 (thay thế cho Luật Tố cáo 2011) chính thức có hiệu lực. Luật có 9 chương và 67 điều và có một số điểm mới đáng chú ý.

Khoản 3 Điều 24 quy định tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì không xử lý. Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết và được gửi đồng thời cho nhiều nơi.

Trong đó có tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến nơi không có thẩm quyền giải quyết thì nơi nhận được tố cáo không xử lý.

Khoản 1 Điều 25 quy định khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc không xác định được người tố cáo hoặc dùng họ tên của người khác để tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.

Nhưng nếu thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng, có tài liệu, chứng cứ cụ thể thì nơi tiếp nhận thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến nơi có thẩm quyền để thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Nhiều hành ví ẽ bị cấm trên không gian mạng
Nhiều hành ví ẽ bị cấm trên không gian mạng. Ảnh Zing

Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo (luật cũ 60 ngày). Vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

Tăng giá khám bệnh BHYT

Từ 15/1/2019, giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ được áp dụng theo Thông tư 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Theo đó, giá khám bệnh được quy định như sau:

- Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: 37.000 đồng/lượt (tăng 3.900 đồng);

- Bệnh viện hạng II: 33.000 đồng/lượt (tăng 3.400 đồng);

- Bệnh viện hạng III: 29.000 đồng/lượt (tăng 2.800 đồng);

- Bệnh viện hạng IV, Trạm y tế xã: 26.000 đồng/lượt (tăng 2.700 đồng).

Riêng giá hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca; chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) là 200.000 đồng.

Giảm giá khám chữa bệnh cho bệnh nhân không có BHYT

Thông tư 37/2018/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT đã được Bộ Y tế ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/1/2019.

Thông tư này cho thấy, giá tối đa của dịch vụ khám bệnh đã giảm so với trước đây.

Cụ thể:

Bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện hạng I: 37.000 đồng/lượt (giảm 2.000 đồng/lượt);

Bệnh viện hạng II: 33.000 đồng/lượt (giảm 2.000 đồng/lượt);

Bệnh viện hạng III: 29.000 đồng/lượt (giảm 2.000 đồng/lượt);

Bệnh viện hạng IV và trạm y tế xã: 26.000 đồng/lượt (giảm 3.000 đồng/lượt).

Riêng giá khám sức khỏe toàn diện người lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ (không kể xét nghiệm, X-quang) có mức giá tối đa là 145.000 đồng.

Hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân

Từ ngày 1/1/2019, chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị cho người bệnh sẽ chính thức được áp dụng theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 31/2018/TT-BYT.

Chương trình này do các cơ sở kinh doanh dược thực hiện, áp dụng với người bệnh đang điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh trong một khoảng thời gian nhất định.

Người bệnh tham gia chương trình phải thuộc đối tượng áp dụng của chương trình hỗ trợ thuốc và được chẩn đoán xác định bệnh phù hợp với phạm vi chỉ định của chương trình hỗ trợ thuốc; phải được cung cấp thông tin, tư vấn đầy đủ và đồng ý, tự nguyện tham gia chương trình.

Nhiều hành vi bị cấm trên không gian mạng

Có hiệu lực từ 1/1, Luật An ninh mạng với 7 chương, 43 điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đáng chú ý, 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng gồm:

1. Sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; các hoạt động chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng.

Thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

2. Thực hiện chiến tranh mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

3. Sản xuất, sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

6. Hành vi khác sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc vi phạm quy định của luật này.

Điều 9 của luật cũng quy định xử lý vi phạm về an ninh mạng. Cụ thể, người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Minh Ngân (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN