Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:02
RSS

Nhóm đối tượng đánh ghen, tưới nước mắm lên người cô gái ở Thanh Hóa đối diện hình phạt nào?

Thứ tư, 13/06/2018, 15:15 (GMT+7)

Nhóm người lột đồ, tưới nước mắm, bột ơt lên cô gái trẻ phạm 3 tội gồm, tội làm nhục người khác, tội cố ý gây thương tích và tội gây rối trật tự công cộng. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 134, Điều 155 và Điều 318 BLHS 2015.


Hình ảnh cô gái bị đánh ghen lột đồ, tưới nước mắm lên người

Liên quan đến vụ cô gái trẻ bị nhóm người lột đồ, đổ nước mắm, bột ớt lên người giữa đường để đánh ghen ở (Thanh Hóa) gây xôn xao dư luận, trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, theo thông tin ban đầu, xuất phát từ việc ghen tuông, đối tượng nữ đã sử dụng vũ lực đánh, lột truồng nạn nhân sau đó đổ nước mắm, bột ớt lên người nhằm mục đích bêu rếu nạn nhân trước mặt mọi người đi đường.

Nếu có căn cứ chứng minh người chồng có dấu hiệu vi phạm chế độ hôn nhân gia đình thì có nhiều cách để giải quyết vụ việc như: có thể làm đơn trình báo đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan Công an giải quyết, xử lý theo pháp luật

Tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 167/2013 hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 181 Bộ luât hình sự 2015.

Pháp luật nghiêm cấm sử dụng vũ lực để giải quyết bất kỳ mâu thuẫn nào phát sinh, không chỉ trong quan hệ hôn nhân gia đình. Hành vi của đối tượng nữ đã xâm phạm đến 3 khách thể được Bộ luật hình sự đó là tính mạng, sức khỏe; danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ và xâm phạm đến trật tự công cộng, nếp sống văn minh, quy tắc sống xã hội chủ nghĩa.

 


Nhóm đối tượng hành hung cô gái dã man

Xét hành vi của đối tượng đã có dấu hiệu phạm 3 tội, đó là tội làm nhục người khác, tội cố ý gây thương tích và tội gây rối trật tự công cộng. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 134, Điều 155 và Điều 318 BLHS 2015.

Căn cứ Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại thì để xử lý các đối tượng về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS) hoặc Tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS)...

Nếu người bị hại trong vụ việc này không yêu cầu khởi tố các đối tượng, không giám định thương tích để làm căn cứ xử lý thì Cơ quan điều tra vẫn có căn cứ để xử lý đối tượng về Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS.

Hành vi dùng vũ lực để đánh ghen, làm nhục người khác cũng không phải là một giải pháp để níu kéo tình yêu, hạnh phúc gia đình, thậm chí còn làm trầm trọng hơn quan hệ tình cảm.

Chúng ta đang sống trong một Nhà nước pháp quyền nên mọi hành vi ứng xử của công dân đều phải dựa trên các chuẩn mực về pháp luật, đạo đức xã hội. Xét thấy quan hệ hôn nhân trầm trọng, vợ chồng không còn tình cảm, tôn trọng nhau thì có thể giải quyết ly hôn theo qui định của pháp luật.

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
...
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%75.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên76;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN