Thứ sáu, 19/04/2024 | 09:59
RSS

"Cần có dũng sĩ diệt tham nhũng"

Thứ tư, 13/06/2018, 13:42 (GMT+7)

Quốc hội dành cả ngày hôm nay 13/6 để thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.

Xảy ra tham nhũng, không quy được trách nhiệm cho ai
Xảy ra tham nhũng, không quy được trách nhiệm cho ai 

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực nhưng quyền lực luôn gắn với trách nhiệm. Quy định về trách nhiệm là một giải pháp hạn chế khuyết tật nảy sinh từ quyền, pháp luật TP. HCM đưa tin.

Theo ĐB Thúy, dự luật đưa ra một chương mới (Chương 6), quy trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng. “Tuy nhiên, việc quy định trách nhiệm người đứng đầu thiếu cụ thể tính khả thi không cao”. 

Bà Thúy nhận định và phân tích: Theo dự thảo, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng tưởng rõ ràng, người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm về mọi công việc của cơ quan, kể cả việc cấp dưới tham nhũng. “Nhưng tổ chức hệ thống công vụ như hiện nay không biết quy trách nhiệm cho ai”.

Theo bà Thúy, có ba nguyên nhân: Thứ nhất là sự thiếu tương ứng giữa trách nhiệm và quyền lợi. Không thể đòi hỏi người đứng đầu chịu trách nhiệm về những việc mà không có quyền quyết định. Bởi không phải người đứng đầu nào cũng có quyền lựa chọn cấp phó của mình và các nhân sự khác. “Giả sử người đứng đầu đề cử cấp phó và phải chịu trách nhiệm về việc đề cử thì trong hai hành vi, hành vi đề cử và hành vi quyết định đề bạt, hành vi nào phải chịu trách nhiệm cao hơn”, bà nói.

Trách nhiệm phải truy cứu trên cơ sở hành vi mà ở đây là hành vi đề bạt thì người phải chịu trách nhiệm là một quan chức cấp trên. Tuy không hiếm trường hợp nhân sự được đề bạt là do yếu tố của cấp trên, quy trình xét duyệt chỉ là để hợp thức hóa ý kiến của cấp trên. 

Và đây có thể là mảnh đất màu mỡ cho chạy chức chạy quyền. Nhưng nhiều trường hợp áp đặt chế độ cho hành vi đề bạt là hết sức rủi ro vì người có thẩm quyền đề bạt cán bộ thường không có điều kiện theo dõi hoạt động hàng ngày của người mình đề bạt cả trước và sau khi đề bạt. Vì thế, khó yêu cầu họ chịu trách nhiệm.

“Trong nhiều trường hợp, có một dây trách nhiệm rất khó chỉ ra trách nhiệm thực sự”, bà nhấn mạnh.

Kế đến là khó có thể xác định rõ ràng là khó xác định phạm vi liên đới trách nhiệm. Ví dụ ở cấp phòng, có cán bộ tham nhũng thì trưởng phòng chịu trách nhiệm nhưng phòng lại thuộc sở thì giám đốc sở có phải chịu trách nhiệm không hay bao nhiêu phòng xảy ra tham nhũng thì giám đốc sở mới phải chịu trách nhiệm? Chưa kể là cơ chế song trung trực thuộc đang rất khó xác định trách nhiệm?

Thứ ba là cơ chế tập trung quan liêu chậm khắc phục. Quyền hạn tập trung trong tay cấp trên đẩy hết lên cho cấp trên thì khi tham nhũng xảy ra, trách nhiệm có thể dính đến cấp cao và việc áp đặt trách nhiệm pháp lý cho các quan cấp cao là rất khó khăn. Thông thường điều này khó thực hiện được.

Bà đề xuất: Cần thêm theo hướng chế độ trách nhiệm phải được xác lập trên cơ sở quyền hạn thực tế mà những người đúng đầu đang có. Ngoài ra, trách nhiệm chỉ xác lập được trên cơ sở hành vi mà có rõ ràng nhất là hành vi kiểm tra, giám sát công chức cấp dưới. Hành vi ban hành văn bản trong lĩnh vực hành chính có khả năng tạo ra các cơ hội cho nhóm lợi ích tham nhũng.

Trước đó, Dân trí dẫn lời đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên), việc xử phạt 45% tài sản không chứng minh được nguồn gốc một cách hợp lý sẽ sinh ra mâu thuẫn xã hội và rất khó xử phạt nếu đó không phải phải tài sản do phạm tội mà có.

Vị đại biểu tỉnh Điện Biên cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm cơ quan dân chủ, đại biểu dân cử phát hiện có dấu hiệu tham nhũng nhưng không chuyển kiến nghị sang cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán. Việc quy định giao dịch trên 2 triệu phải thông qua tài khoản là khó thực hiện vì hiện nay ở nhiều nơi vùng sâu, xa, miền núi nhiều nơi chưa có cây ATM.

Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) cũng cho rằng xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực hay không chứng minh dược phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

“Cần có quy định làm rõ thế nào là giải trình không hợp lý vì tài sản hình thành từ nhiều nguồn khác nhau trong khi nhiều người không muốn kê khai tài sản như tài sản thừa kế. Điều này có thể dẫn đến khiếu nại kéo dài”- ông Bình nói.

Dẫn ra chuyện “sân sau”, “gửi giá”, “lại quả” xảy ra ở nhiều cơ quan ngoài nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) khẳng định dự thảo luật mở rộng phòng chống tham nhũng sang khu vực tư là phù hợp. Tuy vậy nhiều quy định trong dự thảo luật liên quan đến vấn đề này chưa khả thi, có thể gây khó cho doanh nghiệp nên cần được đánh giá lại kỹ lưỡng.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) phản ánh, cử tri vui mừng trước quyết tâm của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và nhân dân mong muốn kiên quyết, kiên trì tiêu diệt tham nhũng, xử lý nghiêm minh, thu hồi tài sản tham nhũng triệt để.

“Trong chống Mỹ có dũng sĩ diệt Mỹ thì trong thời điểm hiện nay cần có dũng sĩ diệt tham nhũng”- ông Việt bày tỏ.


Xem thêm: 
Công an tỉnh Bình Thuận sẽ khởi tố điều tra vụ gây rối

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN