Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:23
RSS

Từ 1/1/2018: Được nghe lén điện thoại khi điều tra tội phạm tham nhũng

Thứ sáu, 29/12/2017, 07:16 (GMT+7)

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, công an được nghe lén điện thoại khi điều tra tội phạm tham nhũng.

Từ 1/1/2018: Được nghe lén điện thoại khi điều tra tội phạm tham nhũng
Từ 1/1/2018: Được nghe lén điện thoại khi điều tra tội phạm tham nhũng. Ảnh minh họa.

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 dành riêng một chương quy định về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Theo điều 223, sau khi khởi tố vụ án trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử, theo Vnexpress. 

Điều 224 giải thích, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được áp dụng với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, tham nhũng, khủng bố, rửa tiền; tội phạm khác (có tổ chức) thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh, thủ trưởng cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt hoặc có thể theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu. 

Theo điều 225 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp này, kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ nếu xét thấy không còn cần thiết.

Cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền và người thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật.

Về việc sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, điều 227 quy định, thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời.

Nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác. Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án.

Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo ngay kết quả việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn.

Theo điều 228 sẽ hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khi Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải kịp thời hủy bỏ quyết định đó khi thuộc một trong các trường hợp:

Có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền; Có vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; Không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN