Khai trương điểm hiến máu cố định tại quận Đống Đa.
Điểm hiến máu cố định này được đặt tại Phòng khám Đa khoa số 2, Trung tâm Y tế quận Đống Đa (số 10, ngõ 122 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội). Đây là điểm hiến máu cố định ngoại Viện thứ 3 được Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương triển khai trong năm 2019.
Trước đó, vào ngày 22/6/2019, điểm hiến máu cố định quận Hoàn Kiếm đã được khai trương tại Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm (số 26 phố Lương Ngọc Quyến, Hà Nội). Sau 6 tháng triển khai, Viện đã tiếp nhận 1.800 đơn vị máu. Đến ngày 10/10, điểm hiến máu cố định ngoại Viện thứ 2 cũng được khai trương tại quận Thanh Xuân (số 132 phố Quan Nhân, Hà Nội); điểm hiến máu đã tiếp nhận gần 800 đơn vị máu trong hơn 2 tháng qua.
Nhờ có điểm hiến máu cố định mà nhiều cán bộ, nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực, người dân tại các địa bàn lân cận cũng có thể tranh thủ thời gian đến tham gia hiến máu. Tại các điểm hiến máu cố định này, thông qua quà tặng là các gói xét nghiệm, người hiến máu có thể biết thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe như: số lượng các thành phần tế bào máu, chức năng gan, thận, chẩn đoán sớm và kiểm soát nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, các bệnh về máu, tầm soát ung thư…
Từ đó, người hiến máu được phát hiện, sàng lọc sớm các bất thường để kịp thời điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, rèn luyện sức khỏe để tích cực tham gia hiến máu nhắc lại thường xuyên hoặc được tư vấn để có các chăm sóc y tế chuyên sâu hơn. Gói xét nghiệm quà tặng cho người hiến máu cũng phù hợp với chủ trương lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân của Bộ Y tế.
Anh Nguyễn Ánh Dương, một người đã tham gia hiến máu tình nguyện nhiều lần.
Anh Nguyễn Ánh Dương (ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) cho biết dù đã hiến máu 10 lần từ năm 2006 nhưng anh biết con số ấy chưa là gì so với nhiều người hiến máu tình nguyện khác. Anh khẳng định con số ấy chắc chắn sẽ không dừng lại. Với anh mỗi lần hiến máu là một cảm xúc khác nhau nhưng mục đích vẫn chỉ có một đó là "hiến máu cứu người".
TS. Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cùng lãnh đạo quận Đống Đa hỏi thăm người tham gia hiến máu.
Chị Hà Thị Hường (52 tuổi, ở ngã tư Sở, Hà Nội) cũng tranh thủ nghỉ buổi bán hàng để đến hiến máu. Chị cho biết mình cũng có người thân từng gặp nạn và phải truyền rất nhiều máu nên chị hiểu được giá trị quý giá của những giọt máu hiến. Đây là lần thứ 2 chi Hường đến tham gia hiến máu.
"Nhiều người lo ngại hiến máu ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng điều đó không đúng, tôi thấy mình khỏe ra, ăn ngủ tốt. Tinh thần thì vui vẻ vì mình biết mình đang làm việc có ích cho mọi người", chị Hường chia sẻ.
Năm 2019, cả nước tiếp nhận được hơn 1,3 triệu đơn vị máu; đáp ứng được 70% nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị và dự phòng tại các địa phương. Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tiếp nhận được hơn 355.000 đơn vị máu; nhờ đó đã cung cấp được 640.000 đơn vị máu và chế phẩm máu cho 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố với diện bao phủ xấp xỉ 40 triệu dân.
TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phát biểu tại lễ khai trương.
TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: “Việc mở thêm một điểm hiến máu cố định trên địa bàn Hà Nội nhằm tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người dân tham gia hiến máu, kịp thời khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp đến.
Điểm hiến máu cũng sẽ phát huy được lợi thế của Hà Nội với địa bàn có dân số đông, tập trung ở khu vực nội thành, có tiềm năng lớn về nguồn người hiến máu. Thêm một địa chỉ hiến máu là thêm cơ hội và sự lựa chọn về thời gian, địa điểm để mỗi người dân có thể hiến máu nhắc lại thường xuyên, nhờ đó giúp phong trào hiến máu phát triển theo hướng hiệu quả, chất lượng, bền vững”.
Người dân đến tham gia hiến máu tình nguyện.
Vào thời điểm cuối năm và Tết nguyên đán, nhiều địa phương trong cả nước đều đang đối mặt với tình trạng khan hiếm máu cho điều trị do thiếu nguồn người hiến máu, đặc biệt là thiếu nhóm máu O, nhóm máu A. Ước tính cả nước cần 300.000 đơn vị máu trong dịp này; tuy nhiên, theo kế hoạch, lượng tiếp nhận nhiều nhất chỉ được khoảng 200.000 đơn vị.
Riêng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cần 80.000 đơn vị máu để phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị trong 3 tháng (từ tháng 12/2019 – tháng 2/2020), trong đó nhóm máu O và nhóm máu A cần tổng cộng 50.000 đơn vị máu. Mặc dù nhiều sự kiện hiến máu đã và sẽ được Viện phối hợp với các đơn vị tổ chức như: Trái tim tình nguyện, Tết đoàn viên, Noel yêu thương, Tết hồng cho em, Tất niên hồng, Chủ nhật Đỏ và Lễ hội Xuân hồng (14 – 16/2) nhưng các lịch hiến máu vẫn còn thiếu khoảng 20.000 đơn vị so với nhu cầu.
Trong khi đó, lượng máu thu được ở nước ta gần 50% vẫn là từ sinh viên nên trước và sau Tết thường xảy ra tình trạng khan hiếm máu do sinh viên nghỉ lễ, ôn thi. Tình hình giao thông trong dịp Tết cũng sẽ diễn biến phức tạp, các trường hợp vi phạm (như sử dụng rượu bia khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm…) thường gia tăng dẫn đến tai nạn giao thông nhiều trường hợp đa chấn thương cần phải truyền máu số lượng lớn.
Số người hiến máu giảm, trong khi nhu cầu máu tăng cao, nhiều người bệnh cần được truyền máu kịp thời trước Tết để trở về nhà, nên tình trạng thiếu máu lại càng xảy ra trầm trọng.