Thời tiết - "thủ phạm" khiến nhãn mất mùa nặng?
Có mặt tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên vào những ngày đầu tháng 8, không còn cảnh đường làng nhộn nhịp xe máy, ô tô chở nhãn nối đuôi nhau chia ra nhiều hướng. Năm nay nhãn mất mùa, sản lượng sụt giảm nghiêm trọng nên "thủ phủ" nhãn của miền Bắc cũng vắng bóng người mua, kẻ bán.
Nhiều vườn nhãn tại Khoái Châu không có quả.
“Nhà tôi trồng 2 mẫu nhãn, năm ngoái được 20 tấn, còn năm nay dự tính chắc chỉ được khoảng 6-7 tấn”, ông Nguyễn Văn Yêm, người dân trồng nhãn tại xã Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết.
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến mất mùa, ông Yêm cho biết, do thời tiết năm nay nắng mưa thất thường không như mọi năm. Cơn mưa axit cuối tháng 2 đầu tháng 3 vừa qua đã khiến cho hoa nhãn bị hỏng. Những cây nhãn ra hoa vào đúng dịp này không đậu được quả nào. Vườn nhà ông Yên trồng 300 cây nhãn Miền Thiết thì 2/3 số cây không có quả.
Không chỉ vườn nhãn nhà ông Yêm, mà hầu như hộ dân nào trong xã cũng mất mùa kiểu này. Đối với những người nông dân, có lẽ niềm vui lớn nhất sau mỗi vụ thu hoạch là sản lượng tăng vọt. Tuy nhiên, có một nghịch lý tại (Khoái Châu, Hưng Yên) là rất nhiều hộ trồng nhãn lại tỏ ra rất vui vẻ vì năm nay nhãn mất mùa.
“Năm ngoái nhãn được 80 đến 100%, năm nay chỉ được 20 đến 25%, một số nhà còn mất trắng không được quả nào, nhưng chúng tôi vẫn rất vui. Mặc dù sản lượng năm nay ít, nhưng bù lại giá bán lại cao, còn hơn năm ngoái, được mùa nhưng lại mất giá”, ông Yêm nói.
Nhãn năm nay mất mùa nhưng lại rất được giá.
Theo ông Yêm, giá nhãn năm nay giao động từ 35 – 50 nghìn đồng/kg. Còn năm ngoái là từ 10 – 12 nghìn đồng/kg. Giá nhãn năm nay cao gấp khoảng 3 lần so với năm ngoái. Do nhãn mất mùa nhưng được giá nên các hộ trồng nhãn sẽ giảm được chi phí thuê nhân công thu hoạch do đó tính ra thu nhập cũng không giảm sút.
Giá nhãn siêu ngọt lên tới hơn 100 nghìn đồng/kg
Trái lại với cảm xúc ông Yêm, gia đình ông Nguyễn Văn Lập, ở thôn An Cảnh, xã Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên) chẳng mấy vui vẻ. Trồng gần 3 mẫu nhãn thì năm nay chỉ cho thu khoảng 2 tấn quả. So với năm ngoái thì giảm đến 28 tấn. Vụ nhãn năm nay khiến gia đình ông Lập không có lãi.
“Năm ngoái gia đình tôi thu được 30 tấn, trừ chi phí đi cũng lãi được khoảng 300 triệu. Còn năm nay thời tiết khắc nghiệt quá. Vụ nhãn năm nay coi như mất trắng”, ông Lập nói.
Theo ông Lập, việc nhãn mất mùa cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến kinh tế gia đình. Nhãn là loại cây khá dễ chăm sóc, không cần phun thuốc nhiều, hơn nữa gia đình ông đều tự chăm sóc hết chứ không phải thuê người làm nên chỉ mất công và khoảng 15 triệu tiền thuốc cho gần 3 mẫu nhãn.
Vườn nhãn hơn 3 mẫu của gia đình ông Lập năm nay coi như mất trắng.
Cũng như nhiều người dân trồng nhãn khác, ông Lập cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc nhãn mất mùa là do thời tiết. Với kinh nghiệm hơn 40 năm trồng nhãn, ông Lập cho biết, nếu thời tiết sang năm vẫn như năm nay, ông đã có cách để ép nhãn ra nhiều quả hơn, sản lượng sẽ đạt ít nhất 10 tấn trở lên.
"Hơn 40 năm trồng nhãn, trải qua nhiều năm mất trắng rồi, năm nay do chủ quan không đề phòng nên mới thế, chứ sang năm sẽ không xảy ra chuyện này", ông Lập nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Quyết, Phó phòng Nông nghiệp huyện Khoái Châu cho biết, do thời tiết nóng lạnh bất thường khiến vụ nhãn năm nay bị mất mùa. “Nếu như năm ngoái sản lượng nhãn trên địa bàn Khoái Châu là 30.000 tấn thì năm nay ước tính chỉ đạt 9.000 tấn. Tuy nhiên giá nhãn được đẩy lên rất cao”, ông Quyết chia sẻ.
Ông Quyết cho biết thêm, tại địa bàn Khoái Châu chủ yếu trồng giống nhãn Miền Thiết, chiếm khoảng 80%. Ngoài ra còn có một số hộ dân trồng nhãn Hương Chi, nhãn siêu ngọt, nhãn T1, T2 và T6. Trong đó nhãn siêu ngọt có giá khá cao, khi thu mua tại vườn đã từ 70 – 100 nghìn đồng/1kg. Khi phân phối ra thị trường giá nhãn có thể đẩy lên cao hơn nữa.