Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:07
RSS

Nhai kẹo cao su, ngậm đồng xu có làm giảm nồng độ cồn?

Thứ bảy, 04/01/2020, 08:10 (GMT+7)

Nhiều tài xế kháo nhau cách làm giảm nồng độ cồn trong hơi thở để qua mặt máy đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, hiệu quả không thấy chỉ thêm tai hại.

Cách làm giảm nồng độ cồn khiến cánh tài xế xôn xao có hiệu quả?

Ảnh minh họa

Theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2020, quy định cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Việc làm này nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn xảy ra thường xuyên ở Việt Nam. Tuy nhiên, với cánh tài xế, trong trường hợp bất khả kháng, lỡ uống vào một chút rượu bia, làm sao để có thể vượt qua máy kiểm tra nồng độ cồn.

Cánh tài xế chỉ nhau một số mẹo để làm hết nồng độ cồn như nhai kẹo cao su, đánh răng,... Tuy nhiên với khoa học công nghệ hiện nay, các mẹo vặt này hoàn toàn khó có thể qua mắt được máy đo nồng độ cồn.

Dùng xịt thơm miệng, ăn kẹo chua

Thực tế, những thứ làm thơm miệng như kẹo cao su, bạc hà hoặc xịt miệng có thể che được mùi của rượu. Kẹo cao su có vị chua sẽ có hiệu quả tốt nhất trong việc giải quyết mùi rượu. Ngoài ra, nó kích thích sản xuất nước bọt, giúp rửa trôi axit, vi khuẩn và các hạt gây mùi trong miệng.

Tuy nhiên, các chất trên không thể thay đổi được lượng cồn trong hơi thở đẩy lên từ phổi. Giải pháp này chỉ tạm thời làm mất đi mùi rượu và nồng độ cồn vẫn còn tồn tại.

Hút thuốc lá 

Các tài xế thường nhầm tưởng khói thuốc lá sẽ xua đi mùi bia rượu, và cảnh sát sẽ chẳng thể nào tra ra được nồng độ cồn để mà lập biên bản. Nhưng thực chất hoàn toàn ngược lại, cách này có thể còn làm tăng thêm chỉ số độ cồn.

Vì thuốc lá khi đốt sẽ sinh ra khí acetal dehyde, đây là chất mà máy đo xác định nồng độ rượu trong máu. Thế nên, hút thuốc lá không chỉ tổn hại sức khỏe mà còn khiến bạn nhanh chóng ký vào biên bản vi phạm về rượu bia hơn nữa.

Ngậm đồng xu để qua mặt máy thổi

Cánh tài xế truyền tai nhau rằng lượng đồng trong đồng xu sẽ vô hiệu hóa lượng cồn trong hơi thở. Nhưng phân tử rượu tới từ sâu trong phổi nên cách này sẽ không thành công.

Thổi nhẹ, không thổi vào máy hoặc hít ngược vào phổi

Nhiều người tin rằng, khi thổi nhẹ hoặc hít ngược vào phổi thì sẽ tránh được bị phát hiện nồng độ cồn trong máu. Lúc này lượng không khí qua máy sẽ là không khí sạch. Máy sẽ cho ra kết quả bình thường và bạn sẽ thoát khỏi kiểm tra một cách nhanh chóng.

Sự thật, các cách này đều sẽ không thành công vì loại máy đo cảnh sát dùng được trang bị cảm biến áp suất có thể phát hiện chuyển động của luồng khí. Khi không có đủ mẫu thử, máy sẽ không cho ra kết quả. Và ký vào biên bản vi phạm là điều tiếp theo mà tài xế làm sau khi áp dụng những cách trên.

Đánh răng, súc miệng trước khi lái xe

Có nhiều người tin rằng đánh răng, súc miệng thật kỹ sau khi uống nhiều rượu bia sẽ làm giảm đáng kể chỉ số của máy đo. Nhưng thực tế, lượng cồn được loại bỏ sau khi đánh răng thực sự chỉ có rất ít.

Hơi thở đưa vào máy đo cũng được lấy từ phổi chứ không phải trong khoang miệng. Chưa kể tới việc một số loại kem đánh răng có chứa cồn như sẽ gây ra tác dụng ngược.

Ngoài những cách trên đây, nhiều người từng thử phương thức sáng tạo hơn như ăn giấy vệ sinh hoặc nhai chiếc áo mình mặc để làm giảm chỉ số đo nồng độ rượu trong máu nhưng đáng tiếc đều không hiệu quả.

Thậm chí họ còn nghĩ cà phê và những loại nước có gas như Coca, Pepsi có thể làm mất đi độ cồn nhanh chóng. Tuy nhiên, thu nạp các chất kích thích có cafein, đường nhiều chỉ giúp tỉnh táo hơn đôi chút nhưng vẫn không giảm được nồng độ cồn.

Vì tính chất công việc buộc phải uống nhiều rượu bia nhưng bạn đừng quên ưu tiên sức khoẻ lên hàng đầu. Hãy luôn nhớ đã uống rượu bia thì không lái xe để bảo vệ an toàn cho chính bạn và của người khác.

Thiên Thanh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN