Thứ năm, 19/09/2024 | 09:10
RSS

Nhiều người lo lắng việc ăn hoa quả bị phạt nồng độ cồn, chuyên gia nói gì?

Thứ sáu, 03/01/2020, 12:07 (GMT+7)

Theo Ths.Bs Nguyễn Trung Nguyên - Trưởng Trung tâm chống độc - BV Bạch Mai, nồng độ cồn trong các loại thực phẩm đều không cao và sẽ bay hơi chỉ sau một thời gian ngắn.

Ăn hoa quả cũng bị thổi nồng độ cồn

Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1, quy định một loạt hành vi như: Cấm người lái xe uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông có nghĩa là, người tham gia giao thông chỉ được chọn hoặc uống rượu bia, hoặc lái xe.

Theo đó mọi hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, quy định này làm dấy lên lo ngại vì việc ăn một số loại hoa quả, thực phẩm hay dùng thuốc cũng làm tăng nồng độ cồn trong cơ thể dẫn đến nhiều người dân có thể bị xử "oan".

Nhiều người lo lắng việc ăn hoa quả bị phạt nồng độ cồn, chuyên gia khẳng định không sao
Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại trung tâm

Lý giải nguyên nhân ăn hoa quả lại gây nồng độ cồn trong cơ thể, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, một số loại hoa quả chứa lượng đường cao. Quả để môi trường bên ngoài thời gian dài sẽ xảy ra hiện tượng “hóa đường thành rượu”, tức là lên men rượu.

"Người ăn các loại quả này có lượng đường trên sẽ bám vào khoang miệng, khi thổi vào máy đo nồng độ cồn, máy sẽ báo có cồn ngay bởi máy đo nồng độ cồn không xác định đối tượng uống rượu bia hay không mà rất nhạy với cồn, do đo tự động nên mới xảy ra tình trạng ăn vải cũng thổi ra nồng độ cồn”, PGS Thịnh cho biết.

“Không riêng gì quả vải mà nhiều loại trái cây khác như: nho, sầu riêng, dứa, táo, chuối, xoài thậm chí là một số loại siro ho hay thuốc uống khi lên men, ai ăn vào cũng xảy ra hiện tượng trên. Chúng ta để ý vị giác cũng có thể nhận ra, bởi những loại quả trên khi để lâu ngoài môi trường sẽ có mùi cồn đặc trưng, thậm chí qua thời gian dài tiếp tục được chuyển hóa sang dạng axit nên có mùi chua”.

Theo PGS Thịnh, khi điều khiển phương tiện thì các tài xế cũng nên tránh sử dụng các loại hoa quả có khả năng lên men, nếu không khi bị kiểm tra nồng độ cồn sẽ khó giải thích với lực lượng chức năng hơn.

Bác sĩ khẳng định không sao

Trao đổi với PV về vấn đề này, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Trưởng Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Một số ít trường hợp sử dụng đồ uống, thức ăn, thuốc là có một chút ethanol. Về thức ăn thì có sô cô la, hoặc các thức ăn có nguồn gốc tinh bột, đường (hoa quả), nếu bảo quản không tốt, tồn lưu dài có thể lên men. Thuốc thì có siro cảm cúm, dung dịch sát trùng miệng họng…”

Nhiều người lo lắng việc ăn hoa quả bị phạt nồng độ cồn, chuyên gia khẳng định không sao
Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Trưởng Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai

Mặc dù thực tế có một số thực phẩm khi sử dụng có thể làm tăng nồng độ cồn trong cơ thể nhưng theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, người dân không nên quá lo lắng bởi quy trình kiểm tra, xét nghiệm nồng độ cồn của lực lượng CSGT hiện nay là rất chính xác, rất khó để xảy ra trường hợp “xử oan”. Ngoài ra, nồng độ cồn trong các loại thực phẩm này đều không cao và sẽ bay hơi chỉ sau một thời gian ngắn. Luật hoàn toàn đúng về mặt khoa học. Còn về trường hợp người dân có sử dụng các loại thực phẩm, thuốc có chứa ethanol thì lưu ý nên nghỉ ngơi ít nhất từ 15 phút đến nửa tiếng rồi mới tham gia giao thông.”

Về ảnh hưởng của việc sử dụng rượu bia đối với người điều khiển phương tiện, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, bất kể nồng độ cồn là bao nhiêu thì cũng đều có ảnh hưởng tới hệ thần kinh của người sử dụng, dẫn tới nguy cơ lái xe không an toàn.

Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như những người xung quanh, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, người dân không nên sử dụng rượu bia. Trường hợp sử dụng rượu bia thì tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, cố gắng hạn chế tối đa số lần uống rượu, cũng như lượng rượu mỗi lần sử dụng.

Khanh Lê
Theo Đời sống Plus/GĐVN