Tại phiên đấu giá ngày 30/12, 175 người tham gia đấu giá 47 thửa đất ở thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh tại UBND huyện Mê Linh. Giá khởi điểm từ 23,2 đến 31,9 triệu đồng một m2.
Khi đấu giá viên công bố phiếu trả giá cho thửa đất 102 m2, giá khởi điểm 30 triệu đồng một m2, hội trường đấu giá bất ngờ khi ông Nguyễn Thanh Tùng đã trả 4,28 tỷ đồng một m2 cho thửa đất trên, gấp 142 lần giá khởi điểm và trở thành người trúng đấu giá.
Tuy nhiên, khi kết thúc phiên đấu giá, ông Tùng trao đổi lại với đơn vị tổ chức và chính quyền mong muốn xem xét cho rút lại tiền cọc 600 triệu đồng cho thửa đất. Lý do ông Tùng đưa ra là do "tâm lý căng thẳng, cuống nên ghi nhầm".
Một trong những khu đất đấu giá ở xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh. Ảnh: BDS.
Tại phiên đấu giá, chỉ có một số thửa đất có đông người tham gia đấu giá, nhiều nhất 19 hồ sơ, ít nhất 2 hồ sơ. Hầu hết giá trúng cao hơn giá khởi điểm 1-5 triệu đồng một m2, mức chênh lệch cao nhất 47,6 triệu đối với thửa đất có giá khởi điểm 30 triệu đồng một m2.
Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Giám đốc Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam cho biết, trách nhiệm của đấu giá viên là ghi nhận mọi diễn biến thông tin thực tế trên phiếu trả giá. "Đấu giá viên không thể đánh giá chủ quan việc ghi giá của khách hàng là cố tình hay sơ xuất", bà Giang nói.
Theo bà Giang, từ năm 2012 đến nay, thành phố đã tổ chức đấu giá theo phương án đấu giá từng thửa đất và việc trả giá cao đột biến như vậy đã xảy ra một số lần. Ngay đầu phiên đấu giá, đấu giá viên đã công bố rõ ràng quy chế đấu giá, trong đó có cả quy định giá khởi điểm được tính trên đơn vị một m2.
Theo quy định, nếu khách hàng không nộp tiền trúng đấu giá thì không được nhận lại tiền cọc và số tiền này sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Theo Trung tâm Quỹ đất huyện Mê Linh (đơn vị tổ chức đấu giá), huyện đã tổ chức 17 phiên đấu giá với diện tích khoảng 2,1 ha tại 9 dự án trong năm 2023. Phiên đấu giá này là phiên cuối cùng của năm và thu hút số lượng người tham gia nhiều nhất.