Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:07
RSS

Người phụ nữ bị bội nhiễm da do lạm dụng thuốc Corticoid trị ngứa

Thứ ba, 10/11/2020, 17:01 (GMT+7)

Sau khi tự ý mua thuốc ngoài da có chứa thành phần Corticoid về bôi, chị O. thấy da bầm tím, có hiện tượng teo da, bỏng rát, các nốt phỏng ngày càng lan rộng ra, người sốt, mệt.

Ngày 10/11, VTV News đưa tin về trường hợp chị N.T.O. (trú tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bị bội nhiễm da do lạm dụng thuốc Corticoid để điều trị bệnh ngoài da, không theo chỉ định của bác sĩ.

Cụ thể, đã 2 tháng nay chị O. bị nổi mẩn ngứa ở chân. Dù vậy, chị O. không đến cơ sở chuyên khoa da liễu để khám bệnh mà tự ý mua thuốc ngoài da có chứa thành phần Corticoid về bôi.

Sau 2 ngày bôi thuốc, chị thấy triệu chứng ngứa giảm nhưng các nốt ban đỏ không giảm. Chị lại ra cửa hàng thuốc tây mua lọ kem bôi ngoài da của hãng khác về sử dụng nhưng thấy da bầm tím, có hiện tượng teo da, bỏng rát, các nốt phỏng ngày càng lan rộng ra, người cảm giác như sốt, mệt.

Quá lo lắng, chị O. quyết định tới phòng khám da liễu để khám. Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán chị bị bội nhiễm da do dùng thuốc quá liều có chứa thành phần Corticoid.

Người phụ nữ bị bội nhiễm da do lạm dụng thuốc Corticoid trị ngứa

Chị bị bội nhiễm da chân do dùng thuốc quá liều có chứa thành phần Corticoid. Ảnh: VTV News

Thông tin từ Bệnh viện Quân y 103 cho biết, Corticoid là nhóm thuốc có tác dụng chống viêm mạnh. Thuốc corticoid bôi ngoài da là loại thuốc được dùng trực tiếp trên da để làm giảm đỏ, ngứa, ban sẩn. Vì vậy nhóm thuốc này thường được sử dụng trong các bệnh như eczema, viêm da tiếp xúc, vẩy nến, phát ban, côn trùng đốt...

Nhìn chung, Corticoid bôi ngoài da thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng nếu được sử dụng đúng như liều khuyến cáo. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài hoặc sử dụng corticoid mạnh hoặc trên một diện tích da lớn, nguy cơ gặp tác dụng phụ sẽ cao hơn. Người cao tuổi và trẻ em là những đối tượng dễ gặp tác dụng phụ của thuốc.

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc corticoid bôi ngoài da là cảm giác châm chích, bỏng rát nhẹ. Cảm giác này thường biến mất sau vài lần sử dụng. Ngoài ra, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ khác như teo mỏng da, rạn da, thay đổi sắc tố da, da dễ bị bầm tím, tổn thương, chậm lành vết thương, mụn hoặc trứng cá đỏ, rậm lông ở vùng điều trị, bội nhiễm nấm, vi khuẩn.

Dù chỉ dùng tại chỗ, một lượng thuốc vẫn có thể đi qua da và hấp thu vào dòng máu. Thông thường lượng thuốc này nhỏ và không gây ra các tác dụng phụ toàn thân.

Tuy nhiên, nếu sử dụng corticoid hiệu lực mạnh liên tục, dài ngày trên diện tích da lớn, lượng thuốc được hấp thu này có thể đủ lớn để gây ra các tác dụng phụ khác như chậm lớn ở trẻ em, hội chứng Cushing.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị mắc các bệnh ngoài da, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ khám và kê đơn thuốc, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc để tránh làm bệnh nặng hơn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN