Ngày hôm qua (7/4), vụ việc 1 bé 9 tháng tuổi ở Nghệ An bị người giúp việc đánh trong nhà vệ sinh đã gây phẫn nộ dư luận.
Bé đã nín khóc, nhưng người này đã bế bé vào nhà vệ sinh, nghi đánh bé khiến bé khóc dữ dội hơn
Theo đó, chính mẹ của cháu bé đã chia sẻ đoạn clip camera ở phòng khách cho thấy người giúp việc mà chị khá tin tưởng, đã có những hành động bạo lực với con trai mới 9 tháng tuổi của chị.
Theo nội dung đoạn clip ghi lại cho thấy, bé trai được đặt ngồi giữa nhà và đang gào khóc. Một người phụ nữ - được cho là người được thuê để giúp việc và trông bé đã không dỗ bé nín mà cứ đi lại làm việc riêng của mình.
Mãi 1 lúc sau, thấy bé trai vẫn gào khóc, bà giúp việc mới tiến lại gần sau đó bế bé lên, lúc này bé đã nín khóc. Thế nhưng không dừng ở đó, người phụ nữ này đã đi thẳng vào nhà vệ sinh - camera không thu được hình, tuy nhiên, âm thanh rất rõ cho thấy tiếng bé trai nhiều lần khóc thét lên vì đau đớn, nghi bị nữ giúp việc đánh.
Người đăng tải đoạn clip cho biết, hôm đó như linh tính mách bảo, chị xem camera ở nhà thì phát hiện sự việc và vô cùng bàng hoàng. Tối hôm đó, sau bữa cơm, chị M. đã hỏi thẳng người giúp việc lý do đánh con mình.
Tuy nhiên, ban đầu người này không nhận, sau đó đối chiếu camera thì bà thừa nhận có đánh cháu và nói là đánh vào mặt cháu. Nữ giúp việc giải thích rằng lúc đó do nóng nảy không kiềm chế được và xin lỗi chủ nhà. Cuối cùng, chị M. đã quyết định thanh toán đủ tiền lương cho bà giúp việc này và thôi hợp đồng dù bà này đã xin lỗi và mong muốn rút kinh nghiệm, được làm việc tiếp.
May mắn cháu bé trong sự việc trên chưa bị tổn hại quá nặng về thể chất cũng như tinh thần. Nhưng đáng buồn đây không phải là lần đầu tiên những vụ bạo hành trẻ em do người giúp việc gây ra bị phát hiện, khiến người xem nhức nhối.
Ngày 16/12/2019, Công an thành phố Vinh (Nghệ An) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Doan (SN 1972), trú huyện Đô Lương về tội “Hành hạ người khác”. Trước đó, đoạn clip được trích xuất từ camera ghi lại cảnh bà Doan - người giúp việc cầm chân dốc ngược em bé 1 tuổi như đồ vật khiến dư luận hết sức phẫn nộ.
Cụ thể, vào khoảng 19h30 ngày 4/12/2019, vợ chồng anh Hoàng Anh T (SN 1992), trú tại TP. Vinh, đi ra ngoài ăn tối cùng với một số người bạn, đứa con 1 tuổi được bà Nguyễn Thị Doan ở nhà trông coi. Sau khoảng 1 giờ, vợ chồng anh trở về thì thấy con khóc. Lúc này người giúp việc nói là do thay đổi thời tiết nên cháu bị mệt.
Tuy nhiên, vào sáng 5/12/2019, anh T. đi làm thì người vợ mở camera xem lại, lúc này chị tá hỏa phát hiện người bảo mẫu này đã có hành vi vô cùng thô bạo đối với con mình. Theo camera ghi lại, thấy cháu bé không chịu ngủ, bà giúp việc này đã cầm chân cháu bé dốc ngược lên, rồi lại ném xuống giường. Do quá đau nên cháu bé đã òa khóc, tuy nhiên, người phụ nữ này không dừng lại mà có nhiều hành động mạnh hơn.
Anh T. tra hỏi nhưng người giúp việc này vẫn một mực từ chối. Chỉ tới khi được xem lại hình ảnh từ camera thì bảo mẫu này mới chịu thừa nhận mình đã sai và xin lỗi gia đình. Được biết, gia đình mới thuê bà Doan từ ngày 6/11, thông qua một công ty môi giới việc làm ở TP. Vinh với giá 4,5 triệu đồng/tháng.
Sau sự việc, anh T. đã cho bà này nghỉ việc rồi báo cho cơ quan công an. Bà Doan sau đó đã phải chịu sự trừng phạt thích đáng từ pháp luật
Bà Lý đánh vào đầu cháu bé 4 tháng tuổi.
Vào tháng 10/2017, người giúp việc tên Đặng Thị Lý (56 tuổi, ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã bị cảnh sát triệu tập sau khi gia đình anh Đặng Văn Tài (33 tuổi), trú phường Bến Thủy, TP Vinh, tố cáo bà bạo hành con trai hơn 4 tháng tuổi.
Theo lời kể của anh Tài, ngày 5/10, vợ chồng anh thuê bà Lý giúp việc gia đình, trông giữ bé trai với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Thời gian gần đây, thấy bé hay bị nôn ói, ngủ giật mình nên hai vợ chồng anh đưa con đi khám.
Bác sĩ cho biết bé có dấu hiệu nội tiết bình thường nhưng sau thóp bị phồng, khả năng phồng não. Sau đó, bác sĩ đã kê đơn thuốc cho cháu, dặn về nhà theo dõi thêm.
Nghi ngờ con bị bạo hành khi không có ai ở nhà, ngày 24/10/2017, anh Tài kiểm tra lại camera và phát hiện người giúp việc đã đánh con mình. Đỉnh điểm là vào ngày 11/10/2017, khi cháu bé khóc, bà Lý vỗ vào người rồi đánh vào vùng đầu cháu, lấy gối chẹn lên mặt, giật lắc đến lúc tắt camera.
Sau khi phát hiện sự việc, anh Tài nói chuyện với bà Lý nhưng người này chối. Chỉ đến khi đưa camera ra, bà Lý mới thừa nhận hành vi của mình. Anh Tài sau đó đã làm đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ hành vi bạo hành trẻ em của người này.
Thực tế cho thấy, dù đã bị xử lý thích đáng, nhưng đáng buồn là những vụ bạo hành trẻ em từ những người giúp việc vẫn không thể chấm dứt triệt để, gây tâm lý lo lắng, hoang mang cho các gia đình cũng như bức xúc trong dư luận xã hội.
Những tổn thương về mặt sức khỏe có thể chữa khỏi, nhưng tổn thương về tâm lý có thể sẽ theo trẻ đến suốt cuộc đời. Theo đó, trẻ sẽ bị sợ hãi tột bậc, mà đặc biệt với trẻ thần kinh yếu có thể bị trầm cảm, sang chấn tâm lý… Điều này làm cho mối quan hệ của trẻ với những người xung quanh trở nên khó khăn hơn. Chưa kể, sau này khi nhìn thấy cảnh đánh đập, phần vô thức đó sẽ “sống lại”, trẻ sẽ bị hoảng loạn khi nhớ lại cảnh bị hành hạ trước đó, điều này rất nguy hại.
Để giảm thiểu nạn bạo hành trẻ em từ những người giúp việc, trước tiên người mẹ cần để ý đến con nhiều hơn. Theo đó, khi tuyển người trông trẻ bố mẹ nên tìm về địa bàn nơi người đó cư trú để tìm hiểu, ngoài việc người đó có khỏe mạnh không, có bệnh truyền nhiễm không thì quan trọng nhất là người đó có kiên nhẫn, có biết cách chơi với trẻ không, có yêu trẻ không...
Thêm nữa, việc trò chuyện, lắng nghe, quan sát con mỗi ngày sẽ giúp bố mẹ phát hiện con thích hay sợ hãi người giúp việc, bởi bản năng nhận biết yêu thương của trẻ em rất mạnh. Đây là kiến thức bố mẹ nên biết và tận dụng trong việc tìm người giúp việc, chăm sóc con mình.
Như vậy có thể thấy, để trẻ em không bị bạo hành ngay trong chính gia đình của mình từ những người giúp việc, trông trẻ thì việc xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi bạo hành không giải quyết được tận gốc vấn đề, mà quan trọng hơn là phải tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng.
Trong đó, bố mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc con cái, không nên khoán trắng cho người giúp việc. Về lâu dài, nên xác định nghề giúp việc, nhất là việc liên quan đến trông trẻ là một nghề, bởi vậy, cần có cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ và phải có tổ chức quản lý, chứ không thể phó mặc cho các công ty, trung tâm giới thiệu việc làm như hiện nay.