Người đàn ông nhập viện cấp cứu khi thanh gỗ vẫn đang cắm trên ngực, tình trạng nguy kịch. Ảnh: VNExpress
Sáng ngày 23/8, báo NLĐ dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP HCM cho biết đơn vị này vừa cứu sống một người đàn ông (52 tuổi, quê Gia Lai) bị một thanh gôc đâm xuyên ngực sau khi trượt chân ngã trong lúc làm việc tại xưởng gỗ.
Theo đó, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, thanh gỗ vẫn đang cắm trên ngực, đứt nhiều mạch máu lớn bên trong, vùng cổ căng phồng-kích thước tăng nhanh.
Tại bệnh viện, qua hồi sức, CT cấp cứu, các bác sĩ nhận định bệnh nhân nguy kịch do bị tổn thương thân động mạch cánh tay đầu, tràn máu màng phổi phải, ngập máu trung thất trước, khối máu tụ vùng cổ.
Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ ngay lập tức, ê kíp phẫu thuật đã mở ngực cẩn trọng xử lý, rút thanh gỗ khỏi lồng ngực bệnh nhân. Đồng thời, các bác sĩ cũng xử trí tĩnh mạch vô danh rách (tĩnh mạch lớn đưa máu nửa trên bên trái cơ thể về tim).
Thanh gỗ có bề mặt gồ ghề, nhiều mảnh dăm nhỏ đã làm rách nham nhở thân động mạch cánh tay đầu, tổn thương xuyên từ trước ra sau. Vùng trung thất nhiều máu cục, bóc tách rộng. Do tổn thương phức tạp, nguồn động mạch tổn thương có áp lực rất mạnh, lượng máu mất khá nhiều.
Trong quá trình phẫu thuật, tim bệnh nhân nhiều lần rung thất, dọa ngưng tim. Các phẫu thuật viên phải xoa bóp tim trực tiếp kèm hồi sức bù máu và các chế phẩm của máu. Tổn thương động mạch và tĩnh mạch được ê kíp mổ cắt bỏ và sửa chữa lại bằng cách ghép mạch máu nhân tạo và màng ngoài tim tự thân.
Sau phẫu thuật 6 ngày, bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, hoàn toàn không có di chứng thần kinh. Bệnh nhân đã có thể tự đi lại, ăn uống bình thường, sức khỏe ổn định. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Các bác sĩ lấy dị vật ra khỏi vùng ngực của bệnh nhân. Ảnh: NLĐ
Bác sĩ Trần Thúc Khang - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Xuyên Á cho VNXpress biết, trường hợp của bệnh nhân trên là một tai nạn lao động hy hữu, rất nguy hiểm.
"Bệnh nhân được cứu sống nhờ được sơ cứu tại chỗ hợp lý và cấp cứu kịp thời ở bệnh viện có chuyên khoa sâu phẫu thuật tim mạch. Các ê kip phẫu thuật, gây mê, hồi sức, hậu cần đã nỗ lực hết sức để bảo vệ tính mạng bệnh nhân", bác sĩ Khang nói.
Theo BS Khang, khi xử lý các trường hợp bị vật nhọn đâm vào cơ thể như trên, đặc biệt là nghi ngờ đâm vào các mạch máu lớn, điều đầu tiên đó là không được rút dị vật ra, ngay cả tại phòng cấp cứu.
Trong các trường hợp chấn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm. Nếu vội vã rút ra, bệnh nhân có thể chết vì chảy máu ồ ạt, BS Khang giải thích.
Bên cạnh đó, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Xuyên Á cho hay việc rút dị vật sẽ làm cho tổn thương mạch máu, thần kinh thêm trầm trọng, tạo khó khăn cho bác sĩ khi xử trí tổn thương. Rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ bởi phẫu thuật viên.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, khi sơ cứu, cấp cứu, người thực hiện cần băng cố định dị vật, bằng băng thun, vải. Việc băng cố định dị vật nhằm không cho vật nhọn xê dịch làm tổn thương nặng nề hơn, tránh chảy máu nhiều và giảm đau đớn cho bệnh nhân.