Thứ năm, 28/03/2024 | 04:58
RSS

Người đàn ông ngộ độc nặng do uống rượu cùng thuốc diệt rầy

Thứ sáu, 25/09/2020, 07:03 (GMT+7)

Do buồn chuyện gia đình nên khi sau khi uống rượu, người đàn ông đã uống gần hết 1 chai thuốc diệt rầy, sau đó được người nhà đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng nôn ói, vật vã.

Sự kiện:
Ngộ độc

Người đàn ông ngộ độc nặng do uống rượu với thuốc diệt rầy

Bệnh nhân bị ngộ độc nặng do uống gần 1 chai thuốc diệt rầy sau khi uống ượu. Ảnh: Dân trí

Ngày 25/9, thông tin từ Bệnh viện Quận 2, TP.HCM cho biết, vừa qua đơn vị này đã tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bị ngộ độc rất nặng do uống gần 1 chai chuốc diệt rầy sau khi uống rượu. Theo đó, bệnh nhân là ông T.Đ.H. (41 tuổi) được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng nôn ói, vật vã. 

Người nhà bệnh nhân cho hay, trước đó, do buồn chuyện gia đình, ông đã uống rất nhiều rượu và uống gần cạn chai thuốc diệt rầy. Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận 2, bệnh nhân được rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính hấp thụ chất độc. 

Theo các bác sĩ, người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao nếu không được can thiệp sớm bằng các giải pháp chuyên môn sâu do tiên lượng với tình trạng ngộ độc nặng. Các bác sĩ đã chỉ định lọc máu để loại bỏ độc chất trong người bệnh nhân. 

Bệnh nhân rơi vào tình trạng co giật, nguy kịch khi được điều trị tại Khoa Thận nhân tạo. Sau 1 ngày được lọc máu liên tục, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần. Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục, sức khỏe ổn định. 

Người đàn ông ngộ độc nặng do uống rượu với thuốc diệt rầy

Hiện bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục, sức khỏe ổn định. Ảnh: Dân trí

Trao đổi với Dân trí, BS Từ Kim Thanh - Trưởng khoa Thận nhân tạo cho biết, những bệnh nhân bị ngộ độc thuốc rầy thường có rối loạn cơ và thần kinh. Bệnh nhân Đ.H. có co giật, rung cơ, đã bị tác động đến thần kinh. Nếu theo phác đồ, bệnh nhân sẽ được theo dõi trong thời gian 24-48h, phương án lọc máu chỉ thực hiện khi bệnh nhân có tổn thương gan, tổn thương thận.

Tuy nhiên, với trường hợp này các bác sĩ đã quyết định lọc máu chủ động để tránh nguy hiểm đến sinh mạng của người bệnh. Thực tế cho thấy, chỉ sau 1 đến 2 quả lọc, bệnh nhân sẽ hồi phục tốt, không bị biến chứng suy gan, suy thận, không để lại di chứng sau điều trị.

Qua trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Thanh khuyến cáo ckhi phát hiện người bị ngộ độc hóa chất, hoặc ngộ độc thuốc tây người dân không nên cố tình móc họng gây ói cho nạn nhân hoặc đưa đi điều trị theo các phương pháp dân gian mà cần đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt, để tận dụng thời gian vàng trong cấp cứu, điều trị.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN