Thứ hai, 04/11/2024 | 11:12
RSS

Nghiên cứu đặc biệt: Người thành công luôn biết làm việc nhà

Thứ tư, 20/12/2017, 16:23 (GMT+7)

Làm cách nào để nuôi dạy con cái thành công luôn là mối bận tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ? Kỳ thực từ năm 2012 các nhà tâm lý học đã tìm ra được đáp án cho vấn đề nan giải này.

Trong một biểu diễn thuyết tại TED, giáo sư Robert Hughes – trưởng khoa Phát triển Con người và Cộng đồng thuộc Đại học Illinois (Mỹ) đã trình bày về việc “Làm thế nào để nuôi dưỡng trẻ thành công mà không phải quản giáo quá nhiều?”. Bà đã trích dẫn kết quả một nghiên cứu trường kỳ trong suốt 75 năm (Grant Study) đồng thời truyền tải một thông điệp cho mọi người rằng: “Muốn trẻ thành công thì trọng điểm của vấn đề đó là cho trẻ em làm việc nhà!”.


Giáo sư Robert Hughes – trưởng khoa Phát triển Con người và Cộng đồng thuộc Đại học Illinois (Mỹ). (Ảnh: Youtube.com)

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong quá trình phát triển của trẻ, ý thức trách nhiệm liên quan mật thiết với phát triển kỹ năng vận động, năng lực nhận thức. Ở Mỹ trẻ em dù lớn hay nhỏ đều được xem là một thành viên trong gia đình, và việc dạy cho trẻ em sống có trách nhiệm là vô cùng quan trọng. Trong đó làm việc nhà là cách hữu hiệu nhất.

Nếu như con trẻ từ nhỏ không làm việc, chỉ biết ăn ngon mặc đẹp, khi lớn lên sẽ không thể chịu khổ, không biết tự lập, thành tích làm việc không nổi bật. Do đó sự thành công của con trẻ luôn có sự đồng hành của cha mẹ, cha mẹ tạo ra môi trường và điều kiện cho trẻ con phát triển.

Đối với trẻ con chúng ta nên dạy chúng làm việc ngay từ nhỏ. Điều này giúp trẻ có năng lực làm việc, giúp cho trẻ có một đôi tay cần cù đến suốt đời. Trẻ em lớn lên trong trải nghiệm, trải nghiệm càng nhiều, cảm nhận càng sâu sắc. Những công việc mà trẻ con có thể làm được người lớn không nên làm thay.

Đây chính là để cho trẻ học cách tình nguyện xắn tay áo tham gia công việc gia đình, giúp trẻ biết cách quan sát mọi việc xung quanh sau đó dần dần hình thành cách nghĩ có trách nhiệm: “Xung quanh thật bừa bộn, cần có người đứng ra thu dọn chỗ này và có thể chính mình là người đó!”. 

Cách nghĩ đó dần dần sẽ chuyển biến thành suy nghĩ: “Mình sẽ nỗ lực hết mình cống hiến cho mọi người để cùng nhau tốt hơn”. Suy nghĩ này sẽ đem đến một năng lượng tích cực, khiến cho công việc thuận lợi, nhiều sáng tạo, giúp trẻ có cảm giác thành tựu bản thân.


Liệu chúng ta có đang giáo dục trẻ đúng cách?. (Ảnh: studyinternational.com)

Nhưng trên thực tế hiện nay có rất nhiều các ông bố bà mẹ không để cho con cái làm việc nhà mà chỉ muốn con cái dành thời gian học hành, học đủ các thể loại, học vẽ, học đàn, học nhảy, học thêm. Nói chung, trẻ chỉ biết học và học, vô tình biến thành những con mọt sách với mong muốn sau này con cái có thể vào một trường đại học danh tiếng, tốt nghiệp ra trường tìm được một công việc tốt, thu nhập cao.

Chính vì cách nghĩ sai lầm này mà tạo thành rất nhiều người trẻ sau khi tốt nghiệp ra ngoài làm hoặc giả bước chân vào xã hội vẫn phải phụ thuộc, dựa dẫm vào người khác, không có ý chí tự lập. Họ vẫn phải đợi người khác cầm tay chỉ việc.

Xã hội thực tế hoàn toàn khác, nó không tồn tại những thứ này mà là yêu cầu con người ta phải có động lực để tự động não suy nghĩ, đi tìm hiểu: “Mình cần làm gì mới đem lại lợi ích tốt nhất cho công ty? Mình phải làm nhiều những việc mà ông chủ cần”. 

Ngoài ra trong nghiên cứu Grant Study còn có một phát hiện quan trọng khác: Hạnh phúc của con người được khởi nguồn từ tình yêu thương của một nửa bên kia, của bạn bè và của gia đình, đặc biệt hơn đó là tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ dành cho con cái khi còn nhỏ. Là cha mẹ, chúng ta cần dạy cho con cái biết phải yêu thương bản thân ngay từ khi còn nhỏ.

Nếu như con cái, ngay cả yêu thương bản thân cũng không biết, vậy làm sao có thể yêu thương được người khác? Nếu như cha mẹ không thể yêu thương con cái vô điều kiện thì con cái làm sao có thể yêu được bản thân? Vì vậy, cha mẹ không nên quá coi trọng thành tích hay điểm số của con cái, hãy dành thật nhiều thời gian để quan tâm con cái.

Lấy một ví dụ, khi bạn đi làm về, con cũng vừa đi học về, bạn cần gạt bỏ mọi thứ khác sang một bên mà vui vẻ quan tâm hỏi han con: “Hôm nay con thế nào? Ở trường có gì phát sinh không?”.Khi con bạn trả lời về bữa trưa, cho dù bạn muốn biết về điểm số của con bạn như thế nào đi chăng nữa thì cũng không được vội vàng hỏi mà nên quan tâm con cái: “Vậy bữa trưa hôm nay ở trường có ngon không vậy con?”. 


Cha mẹ không nên quá coi trọng thành tích hay điểm số của con cái, mà bố mẹ nên dạy con cách tự lập từ nhỏ để sau này con có thể tự bước trên đôi chân của mình. (Ảnh: webtretho.com)

Bố mẹ nên cho con cái hiểu rõ một điều, bố mẹ yêu con không phải vì con có biểu hiện tốt, không phải vì con có thành tích cao mà là chính vì bản thân chúng.

Có một số người có thể có cách nghĩ: “Làm việc nhà và yêu thương con cái cũng rất quan trọng, nhưng cần phải có thành tích cao để vào đại học chứ?”. Nhưng thực tế lại khác hoàn toàn: Trẻ em không nhất thiết phải có thành tích tốt, vào đại học mới có được cuộc sống hạnh phúc. Bất kể con bạn học trường nào, là trường danh tiếng hay trường phổ thông thì cũng đều có khả năng thành công và hạnh phúc. Bởi vì thành công và hạnh phúc không có nghĩa là bạn phải có thật nhiều tiền, có địa vị, có quyền thế mới có được nó.

Nếu như chúng ta có thể mở rộng tầm nhìn của mình, không bị giới hạn bởi thu nhập hoặc giai cấp xã hội để đo lường hạnh phúc và thành công, khi đó chúng ta có thể buông bỏ tâm mình xuống mà tiếp nhận.

Cho dù con cái chúng ta không vào được một đại học danh tiếng, không có được một công việc cao cấp trong công ty, vậy thì cũng có sao đâu? Nó cũng không phải ngày tận thế có phải không? Hơn nữa, nếu như con cái vào đại học không phải vì do cha mẹ vạch định ra mà là do bản thân mong muốn, thì chúng mới có động lực phấn đấu và chuẩn bị tinh thần đối diện với khó khăn, phát huy tối đa khả năng của mình.

Minh Vũ (biên dịch)
Theo teepr.com