3 thế hệ sống trong ngôi nhà 3 gian
Đi vào xóm Kho, thôn Mỗ Xá, xã Phú Nam An (Chương Mỹ Hà Nội), hỏi thăm nhà cựu thanh niên xung phong (TNXP) Lê Công Trình hơn 80 tuổi - gia đình có ba thế hệ sống cùng những người điên dại, ngẩn ngơ thì dân làng ai nấy đều cười xòa nói rằng “ôi nhà ông ấy người không điên có khi cũng hóa điên”.
Nhà ông Trình đi qua cái giếng, nằm sâu trong con ngõ nhỏ, xung quanh bốn bề là nhà cao tầng che kín, duy chỉ có nhà ông, ngôi nhà ba gian, lụp xụp, xuống cấp nằm lọt thỏm ở giữa. Vừa vào cổng, đập vào mắt chúng tôi là căn nhà nhỏ, một người phụ nữ cùng 2 đứa trẻ đang đứng quanh chiếc xe lăn.
Chưa kịp hỏi han, người phụ nữ này tự giới thiệu là con dâu thứ 4 của ông Trình, người ngồi trên xe lăn là chồng, còn 2 đứa nhỏ đứng cạnh là con. “Cô chú cứ vào đi, ông tôi đang trên nhà nhưng cô chú đi từ từ kẻo cậu út thấy người lạ vào lại giật mình lao ra đánh thì khổ”, con dâu ông Trình dặn dò khách khi vào nhà.
Cựu TNXP chia sẻ về cuộc sống cùng bày con điên dại. Thực hiện C.N
Đúng nhừ lời chị này nói, vừa thấy người lạ mở cánh cửa, con trai út của ông Trình đang ngồi ở bàn uống nước đứng bật dậy, cười ngờ nghệch, mắt nhìn thẳng khiến chúng tôi sợ hãi phải lùi ra. “Khánh vào trong nhà đi con, khách đến chơi đấy”, giọng ông Trình nói vọng ra.
Bà Hiệp, vợ ông Trình bị viêm khớp đi lại khó khăn nhưng vẫn phải chỉ bảo người con thứ 2 làm mọi việc. Ảnh Nguyễn Long
Cậu con trai út như hiểu ý liền đứng dậy đi ra giường ngồi, mắt liếc liếc nhìn khách, lúc sau miệng lẩm bẩm nói chuyện với cái cột nhà, 2 tay đan vào nhau rồi lại tự cấu véo. Ông Trình người gầy gò, xanh xao ngồi ở bàn uống nước đon đả đón khách. Bà Hiệp (72 tuổi, vợ ông Trình) chống gậy, bước thấp bước cao, lần mò từ trong buồng đi ra gọi với “Thu ơi mang phích nước lên đây cho mẹ”.
Hai vợ chồng công Trình lo lắng cho tương lai của các con sau này không biết sẽ ra sao. Ảnh Nguyễn Long
Nghe "mệnh lệnh" chị này, chạy hớt ha, hớt hải ở bếp cầm phích nước lên, để ý kỹ thấy chị trông chậm chạp, không khôn ngoan, bà Hiệp phải nói đến 2 -3 lần mới biết làm việc, rồi sau không nhắc lại quên ngay.
Những bằng khen và nhiều huy chương vẫn được ông Trình cất giữ cẩn thận. Ảnh Nguyễn Long
“Cô chú uống nước đi, đừng để ý chúng nó, con bé này to người nhưng vụng lắm, nó bị thiểu năng trí tuệ từ bé không biết gì cả, sai gì thì làm nấy thôi. Còn cậu út kia bị thần kinh, khi nào nó lên cơn mới đánh người, phải xích lại, bình thường, hiền khô ấy mà”, ông Trình nhìn vào 2 người con ngơ dại nói.
Kẻ dở người chăm người thần kinh
Vừa ngồi uống nước, ông Trình kể lại cuộc đời mình, khi còn trẻ ông tham gia TNXP mở tuyến đường từ Bắc Giang lên Lạng Sơn. Sau khi thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, ông được Huân huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng ba.
Chị Thu, người con thứ 2, tuy "dở người" nhưng vẫn phải làm mọi việc trong gia đình. Ảnh Nguyễn Long
Khi trở về thời bình, ông làm công nhân lái máy xúc tại Thái Nguyên, sau ông về Chương Mỹ lấy bà Nguyễn Thị Hiệp và sinh được 6 người con, một người không may đã qua đời, giờ còn lại 5.
“Các con tôi sinh ra chúng vẫn khỏe mạnh, bình thường, ngoan ngoãn lắm. Đến giờ lần lượt từng đứa một bị điên dại, ngờ nghệch, có đứa minh mẫn nhất nhà lại bị tai nạn”, ông Trình tâm sự.
Căn bếp dột nát, có thể sập bất cứ lúc nào. Thực hiện C.N
Cũng theo ông Trình, người con cả của ông bà, anh Lê Công Độ, sinh năm 1970, đã lập gia đình ra ở riêng nhưng hiện tại bị mắc bệnh hoang tưởng, nói luyên thuyên suốt ngày.
Bà Hiệp với chiếc áo vá suy nghĩ với những món nợ khi giờ đang phải lo ăn từng bữa. Ảnh Nguyễn Long
Nhấp ngụm nước trà, ông Trình chỉ tay vào người con thứ 2 là chị Lê Thị Thu, sinh năm 1972, chị này chỉ quanh quẩn ở nhà, tuy không khôn ngoan nhưng lại phải phục vụ, chăm sóc cho cả gia đình.
“Trí tuệ nó không được bình thường, bảo trước quên sau, nấu được bữa cơm phải mất nửa buổi, nó chậm chạp, ngu ngơ nhưng vẫn đỡ đần được”, ông Trình nói.
Cả gia đình, được người con thứ 3 khỏe mạnh, bình thường thì chị này đi lấy chồng xa thi thoảng về thăm nom bố mẹ. Còn người con thứ 4, anh Lê Công Đệ sinh năm 1982, là người ngồi trên xe lăn, do bị tai nạn cách đây 2 năm, gẫy 5 đốt sống cổ, nằm liệt giường đang ở cùng nhà với ông bà Trình.
Căn buồng va dây xích dùng để buộc chăn anh Khanh lại. Ảnh Nguyễn Long
“Từ khi bị tai nạn vợ nó vay mượn khắp nơi để chữa trị, gia đình nó cũng khổ sở”, ông Trình ứa nước mắt khi nói về người con thứ 4.
“Anh kia, anh kia”, đó là những câu nói lẩm bẩm trong miệng của người con trai út - anh Lê Công Khanh, sinh năm 1984, đang nhìn nhìn ra khoảng không nói chuyện.
“Ngày nào nó cũng lẩm bẩm suốt ngày như vậy. Hồi bé nó đẹp trai, thông minh lắm, học giỏi nhất lớp cho đến năm 11 nó bắt đầu bị bệnh, giờ thì thần kinh nặng”, nhìn vào người con út đang cười ngây ngô, ông Trình nói.
Nếu không xích chân anh Khanh lại, anh này sẽ trèo tường ra ngoài đi lang thang, phá phách. Ảnh Nguyễn Long
Bệnh tât như vậy, anh Khanh không thể phục vụ sinh hoạt cá nhân được, ăn uống tắm giặt, đều do người chị thứ 2, dở điên dở khùng phụ trách.
Bữa cơm với bát canh mướp loãng
“Thằng này khi lên cơn nó đánh cả tôi với ông nhà đấy. Tối đến đi ngủ con Thu phải xích lại để nó khỏi đi lung tung, ra đường không biết đường về, đi tìm nó khổ lắm”, bà Hiệp chỉ vào sợi dây xích trong buồng cho biết.
Nồi canh mướp loảng được chị Thu nấu cho cả nhà. Ảnh Nguyễn Long
Được biết, bà Hiệp quanh năm lam lũ ruộng vườn, đến nay cũng già yếu. Bà bị thấp khớp nặng đi lại khó khăn, phải dùng gậy chống và chưa được hưởng trợ cấp gì. Ông Trình có lương, giờ về hưu cũng được hơn 3 triệu/tháng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây ông Trình bị tai biến phải chạy chữa khắp nơi, số lương hưu đó cũng chỉ đủ để ông thuốc thang hàng ngày. Còn tiền ăn uống, sinh hoạt lại trông ngóng vào số tiền trợ cấp 500 nghìn 1 tháng của chị Thu và anh Khanh, nhiều khi cũng phải đi vay mượn để sống.
Bữa ăn của gia đình ông Trình đạm Bạc, bà Hiệp chân đau không ngồi được cùng mâm phải ăn trên bàn uống nước.
Trong bữa ăn của hai ông bà, cùng 2 người con điên dại chỉ có bát canh mướp được chị Thu nấu, ít thịt ban sáng gửi hàng xóm mua hộ. Cả gia đình phải ăn dè xẻn đủ để cho cả bữa cơm chiều. Chốc chốc, bà Hiệp lại thở dài: “Không biết sau này tôi và ông ấy mất đi chúng nó có biết thổi cơm mà ăn không nữa”.
4 người trên chiếc giường 2m2 phủ bạt che mưa
Rời căn nhà chính, chúng tôi di chuyển xuống căn nhà ngang nơi vợ chồng người con thứ 4 của ông Trình ăn riêng. Ngồi trong căn phòng vẹn vẻn 5m2 chỉ đủ kê được chiếc giường cho 4 con người ngủ, với cái tivi đặt phía trước, chị Ngô Thị Nguyên (vợ anh Đệ, ngồi xe lăn) sụt sùi nói: “Từ ngày nhà em bị tai nạn kinh tế kiệt quệ, nợ nần lên đến cả trăm triệu, mình em cáng đáng 4 miệng ăn”.
Gia đình Anh Đệ và chị Nguyên, người con thứ 4 của ông Trình.Ảnh C.N
Theo lời chị Nguyên, quanh quẩn ở nhà không làm ra tiền, chị lại khăn gói chở những bồ đựng thóc lên miền núi bán kiếm đồng ra, đồng vào. Những lúc đi xa như vậy, mọi việc trong nhà, từ tắm giặt cho chồng, nấu cơm, chăm các con chị lại nhờ chị Thu (người chị thứ 2 giúp đỡ - PV).
“Nhà cửa dột nát, em phải che áo mưa trên đình màn phòng những lúc mưa gió, không bị ướt chỗ nằm. Ấy thế, mà có được yên đâu hễ mưa xuống là trong nhà như ngoài sân”, chỉ vào mái ngói thủng lỗ chỗ chị Nguyên chia sẻ.
Trong nhà khi mưa cũng như ngoài trời. Ảnh C.N
Khi hỏi về cuộc sống của gia đình rơi vào bế tắc, có khi nào chị muốn buông bỏ tất cả không?: “Mệt, bất lực và muốn từ bỏ lắm chứ, chồng thì như vậy, lại còn các con nhỏ nữa, 1 mình em xoay không nổi. Nhưng khi nghĩ lại tình cảm vợ chồng, nhìn các con đang tuổi ăn học em không nỡ lòng nào”.
Trên chiếc giường chị Nguyên phải che 1 tắm bạt cho khỏi bị dột. Ảnh C.N
Ông Đỗ Văn Phòng (Chủ tịch UBND xã Phú Nam An) phải thốt lên khi chia sẻ về hoàn cảnh gia đình ông Trình: “Mọi khó khăn, khổ sở nhất đã rơi vào nhà ông ấy, 2 ông bà già với đàn con điên dại, sống trong nhà đó không điên có khi cũng hóa điên”.
Đây là trường hợp đặc biệt trong xã và trong huyện, 2 ông bà già yếu, một mình cô con gái thứ 2 phải chăm sóc cho cả gia đình.
Ngoài ra, ông Phòng cũng cho biết thêm, do hoàn cảnh ông bà Trình khó khăn, UBND xã cũng quan tâm, hỗ trợ hết khả năng có thể. Sắp tới xã cũng sẽ đề nghị nâng mức trợ cấp cho các con của ông bà.