Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:19
RSS

Nghệ An: Chính quyền sai sót, nhiều hộ dân trắng tay sau hơn chục năm 'còng lưng' giữ rừng

Thứ ba, 03/04/2018, 11:03 (GMT+7)

Nhiều hộ dân được Nhà nước giao nhiệm vụ bảo vệ rừng đầu nguồn nhưng sau khi bị thu hồi, số tiền đền bù lại rơi vào tay người khác. Chính quyền thừa nhận "sai sót" nhưng để "sửa sai" là chuyện chẳng dễ chút nào.

nhiều hộ dân trắng tay sau hơn chục năm còng lưng giữ rừng

Hơn 10 năm bảo vệ, trông coi rừng, giờ ông Sơn trở về với 2 bàn tay trắng

Cả chục năm đi "vác tù và"

Con đường ngoằn nghèo men theo những triền núi dẫn vào xã Lăng Thành (Yên Thành – Nghệ An) được trải nhựa phẳng lỳ. Ký ức về con đường "nắng bụi, mưa sình" dẫn vào xã "xa nhất, nghèo nhất" của huyện Yên Thành đã trở thành quá vãng.

Từ người dân cho đến lãnh đạo địa phương đều thừa nhận, sự đổi thay của Lăng Thành đều nhờ rừng. "Ngày trước tôi làm công tác đoàn, khi tôi về xã Lăng Thành công tác, đêm giao lưu văn nghệ người dân… toàn đi chân đất. Nghèo, khổ vô cùng. Được như hôm nay là nhờ rừng cả", ông Hoàng Danh Thọ - Chủ tịch xã Lăng Thành chia sẻ.

Tuy nhiên, trong khi đa số vui, hạnh phục nhờ rừng thì tại xóm 10, có 6 hộ dân mà mỗi khi nhắc đến rừng họ lại nghẹn ngào, chua xót.

Chỉ tay về cánh rừng trù phú, ngút ngàn ngay trước nhà mình, ông Đào Chính Sơn (70 tuổi, trú xóm 10, Lăng Thành) buồn bã: "Cả tuổi trẻ của tôi gắn với cánh rừng này. Thế nhưng, bao nhiêu công sức đã thành công giã tràng".

Người đàn ông rắn rỏi từng không biết sợ con thú giữ trên rừng, không quản ngại trèo đèo lội suối để ngày đêm canh giữ rừng kể lại:  Năm 1997, khi đó khu vực rừng ở xóm 10, Lăng Thành gần như là rừng nguyên sinh, rậm rạp, ít người dám bén mảng tới.

Thực hiện Nghị định 02/NĐ – CP/1994 của Chính phủ, chính quyền địa phương đã lập khế ước bàn giao đất lâm nghiệp cho 6 hộ dân ở xóm 10 Lăng Thành gồm: Nguyễn Bá Nghĩa, Đào Chính Sơn, Nguyễn Đình Loan, Lê Thị Xuân… với tổng diện tích trên dưới 300 ha.

nhiều hộ dân trắng tay sau hơn chục năm còng lưng giữ rừng

Khu rừng nơi 6 hộ dân từng "còng lưng" bảo vệ, trông giữ

“Đây là phần diện tích ở khu xa nhất, nguy hiểm nhất nên không ai dám nhận. Nơi đó còn nhiều gỗ quý, là vùng giáp ranh nên lâm tặc hoành hành. Vì không ai nhận nên đoàn công tác vận động rồi giao cho 6 hộ chúng tôi trông coi, chăm sóc. Chúng tôi phải thay nhau làm lán trại nơi rừng xanh núi hiểm để bảo vệ”, ông Sơn nhớ lại.

Từ đó cho đến năm 2002, các hộ dân này đã chung sức chung lòng bảo vệ, chăm sóc, canh tác trên số diện tích đất rừng nói trên mà không xảy ra bất cứ vấn đề gì.

Đến Năm 2003, khi Tổng đội TNXP 6 (Tỉnh đoàn Nghệ An) được thực hiện dự án “Phê duyệt dự án đầu tư phát triển Lâm - Nông nghiệp & XDKT vùng Bồ Bồ - Động Cầu – Nhà Đũa” thuộc địa phận xã Kim Thành, Lăng Thành, thì phần lớn diện tích đất rừng của các hộ dân ở đây đã được chuyển giao lại cho Tổng đội 6 quản lý, canh tác.

Ông cho biết, thời điểm đó chính quyền vận động người dân cho Tổng đội “mượn” để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - chính trị địa phương. Sau 10 năm sẽ trả lại.

Dù chuyển đất rừng từ các hộ dân sang cho Tổng đội sử dụng, nhưng chính quyền không hề có quyết định thu hồi đất nào được ban hành. Thế nên, một diện tích đất nhưng tồn tại 2 chủ, chủ cũ có khế ước, sổ lâm bạ là các hộ dân ở xóm 10 Lăng Thành, chủ mới là các đội viên đội TNXP.

Nghịch lý là sau 10 năm khi Tổng đội giải tán, đất đó lại không thuộc về 6 hộ dân từng bảo vệ, có khế ước mà được chuyển nhượng cho một doanh nghiệp để trồng cây nguyên liệu, dược liệu.

Số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng lên tới hàng trăm tỉ đồng nhưng các hộ dân không được một xu nào mà người của lâm trường nhận hết.

Quá trình thu hồi, đền bù có nhiều sai sót

Ông Hoàng Danh Thọ - Chủ tịch UBND xã Lăng Thành (Yên Thành – Nghệ An) xác nhận thông tin về việc nhiều hộ dân ở xóm 10 xã Lăng Thành đang phải chịu thiệt thòi liên quan đến việc thu hồi, bàn giao đất rừng như phản ánh của họ.

Theo ông Thọ, chính sách giao đất, giao rừng là đúng đắn nhưng cách làm chưa khoa học, chuẩn chỉ nên đã để lại những hệ lụy đến ngày hôm nay.

nhiều hộ dân trắng tay sau hơn chục năm còng lưng giữ rừng

Theo ông Thọ, không có các hộ dân trông coi rừng thì bây giờ "một cái cây cũng không có"

Ông Thọ khẳng định, việc lấy đất của người dân để giao cho Tổng đội TNXP 6 mà không có quyết định thu hồi là sai. Trong khi năm 1997, chính quyền giao đất giao rừng cho các hộ dân ở đây đều có khế ước giao đất theo đúng Nghị định 02/NĐ – CP/1997 của Chính phủ thì đến khi thu hồi, bàn giao lại cho đối tượng khác sử dụng lại không hề có quyết định thu hồi nào.

Cũng theo ông Thọ, việc các hộ dân được nhận khoán trông nom, chăm sóc rừng phòng hộ, rừng ở xóm 10 Lăng Thành từ năm 1997 thì họ đáng được nhận sự đền bù xứng đáng nếu thu hồi lại số diện tích đất rừng này.

Trước những bức xúc của người dân về nguyện vọng chính đáng chưa được thực hiện, UBND xã Lăng Thành đã nhiều lần có văn bản kiến nghị gửi UBND cấp huyện, tỉnh để giải quyết cho nhân dân.

“Sai ở đâu thì sửa ở đó, nhưng những nguyện vọng đó của người dân cần được giải quyết để ổn định tình hình địa phương, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Nếu năm 1997 không có bà con giữ, bảo vệ số diện tích rừng đó thì đến giờ chắc đến một cái cây cũng chẳng còn. Khi cần thì kêu gọi người dân chung sức chung lòng, giờ thì lại…”, Chủ tịch xã Lăng Thành nhấn mạnh.

Liên quan đến sự việc này, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Vương Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành.

Ông Ngọc thừa nhận, vào năm 1997 chính quyền đã tuyên truyền, vận động bà con khoanh nuôi, bảo vệ hàng trăm ha đất rừng ở khu vực xã Lăng Thành, Kim Thành với mục tiêu là rừng có cây, rừng có chủ. Đến năm 2003, rừng đã được giao lại cho Tổng đội TNXP tiếp quản, chuyển đổi sản xuất, phục vụ nhiệm vụ chính trị - kinh tế của địa phương.

Việc chưa có quyết định thu hồi đất khi lấy đất đó từ nhân dân để bàn giao cho Tổng đội TNXP, ông Ngọc cũng thừa nhận có sai sót, chưa chuẩn chỉ.

Theo ông Ngọc, sau đó, khi Tổng đội TNXP hoàn thành nhiệm vụ của mình thì số diện tích đất đó đã được thu hồi, bàn giao lại cho công ty Đông Bắc (Thuộc tập đoàn TH) quản lý, sử dụng vào mục đích trồng cây nguyên liệu, dược liệu.

nhiều hộ dân trắng tay sau hơn chục năm còng lưng giữ rừng

Ông Ngọc thừa nhận, quá trình thu hồi và đền bù đất có những sai sót

Khi thu hồi, tỉnh đã phê duyệt và bồi thường tiền cho các đội viên tổng đội (303 hộ đội viên) với tổng số tiền khoảng 217 tỷ đồng chia làm 2 đợt. Đợt 1 là 98 tỷ, đợt 2 là 129 tỷ.

“Tôi thấy đề nghị của bà con là có cơ sở nên đã báo cáo với tỉnh rút lại phần tiền liên quan đến các hộ dân để chờ quyết định cuối cùng. Lúc đó, phương án đền bù là 6 triệu đồng/ha, tôi có phương án chia đôi số tiền đó cho dân 1 nửa và đội viên Tổng đội 1 nửa, nhưng không được chấp thuận”, ông Ngọc nhớ lại.

Về phương hướng giải quyết tới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, sẽ thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân.

Việc đền bù cho người dân, ông Ngọc cho biết, có thể tỉnh Nghệ An sẽ hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách, cũng có thể nhờ sự hỗ trợ của nhà đầu tư. “Chúng tôi đang gấp rút thực hiện. Chậm nhất là đến 30/4 sẽ có kết quả”, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành khẳng định.

Tuấn Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN