Thứ sáu, 19/04/2024 | 22:52
RSS

Ngày xuân - thận trọng khi rượu rởm vào bàn tiệc

Chủ nhật, 29/01/2017, 19:22 (GMT+7)

Uống rượu kém chất lượng là nguyên nhân gây ra những tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe người dùng cùng nhiều hệ lụy tiêu cực khác.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình trạng ngộ độc trong 9 ngày Tết Nguyên đán Bính Thân,  gần 1.500 lượt tổng số lượt khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hoá, ngộ độc rượu (say rượu) trên cả nước; trong đó, có 2 ca tử vong. Trên toàn quốc ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm hộ gia đình ở tỉnh Yên Bái do ăn thịt trâu chết.

Cũng chính vì lượng tiêu thụ lớn nên rượu là mặt hàng được làm giả nhiều nhất từ rượu ngoại xịn cho đến những loại rượu bình dân cũng được làm giả từ cồn pha nước lã. Rượu kém chất lượng là nguyên nhân gây ra những tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe người dùng cùng nhiều hệ lụy tiêu cực khác.

Hiện nay, tình hình hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ đã được Chính phủ đánh giá là đang diễn ra nghiêm trọng, từ hàng cao cấp đến hàng bình dân, đặc biệt là đối với những mặt hàng liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo thống kê của Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA), mỗi năm, cả nước tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu nhưng chỉ có khoảng 20% là rượu có thương hiệu, 80% là rượu không nhãn mác, rượu làng nghề.

Để có được những loại rượu nổi tiếng, cơ sở sang chiết rượu này đã đi mua rượu Ballantines với giá 200.000 đồng/chai (Ảnh internet)

Các nhà chức trách thừa nhận, sản xuất, kinh doanh rượu giả, rượu nhái và rượu kém chất lượng đã xuất hiện từ lâu ở Việt Nam. Do thu được lợi nhuận cao, nhiều cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp trong nước đã cố tình sản xuất rượu giả, rượu nhái nhãn các nhãn hiệu rượu cả nội lẫn ngoại nổi tiếng, có uy tín để lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khiến người tiêu dùng không biết đâu là giả là thật.

Có lẽ chưa bao giờ tình trạng làm rượu giả, rượu pha trộn lại tung hoành như hiện nay. Chỉ trong thời gian ngắn gần đây đã không ít hành vi, thủ đoạn biến rượu giả, rượu kém chất lượng bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ với trữ lượng lớn chưa từng thấy.

Để có được những loại rượu nổi tiếng, cơ sở sang chiết rượu này đã đi mua rượu Ballantines với giá 200.000 đồng/chai rồi mang về pha trộn với rượu Vodka để làm nguyên liệu sản xuất rượu ngoại giả. Đặc biệt, để tạo mùi vị và màu sắc của rượu thật chúng đã tiếp tục pha với gia vị dùng để kho cá để tạo màu rồi chế thành các loại rượu ngoại hảo hạng như Chivas 18, Hennessy, Martin, Chivas 12…

Cùng đó, trên thị trường, những loại rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng chưa được kiểm soát triệt để. Tình trạng các loại rượu tự nấu, sản xuất thủ công có pha methanol (cồn công nghiệp) mang đi “bán dạo” vẫn xuất hiện ở nhiều nơi, ngay cả ở các thành phố lớn như Hà Nội.

Theo thống kê từ các bệnh viện, trong số các ca ngộ độc rượu vào cấp cứu dịp cuối năm thì gặp nhiều nhất là những bệnh nhân bị ngộ độc do uống phải rượu pha cồn công nghiệp (methanol).

Thông thường, trong các sản phẩm rượu, bia đều có chứa chất cồn ethanol nên nếu lạm dụng, uống quá nhiều sẽ gây ngộ độc, nhưng nếu không may sử dụng phải rượu chứa methanol thì mức độ ngộ độc còn nguy hiểm hơn nhiều, có thể gây hôn mê, tụt huyết áp, mù mắt, trụy mạch, chết người. Đây là chất không được phép sử dụng trong thực phẩm.

Ngoài ra uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, ỉa chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần.
Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc rượu, bia trong dịp Tết, người dân khi chọn mua và sử dụng rượu, cần hết sức chú ý để tránh mua phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong. 

An Bình (t/h)
Theo Đời sống Plus