Thứ bảy, 14/09/2024 | 18:04
RSS

Ngày Quốc tế lao động 1/5: 3 vấn đề "nóng" liên quan tới công nhân lao động cần giải quyết gấp

Chủ nhật, 01/05/2022, 11:42 (GMT+7)

Ngày Quốc tế lao động 1/5 năm nay đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát. Đời sống của công nhân lao động cũng bước đầu được ổn định, tuy vậy vẫn còn đó những tồn tại, vấn đề "nóng" cần giải quyết.

Việc làm bền vững cho công nhân, lao động

Hiện nay cả nước có hơn 24 triệu công nhân, lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, trong số này có hơn 14 triệu công nhân, lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, chiếm khoảng 17% tổng lực lượng lao động của cả nước. Mỗi năm lực lượng này tạo ra hàng khối lượng của cải lớn cho xã hội.

Mặc dù vậy, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường lao động bị đứt gãy. Nhiều công nhân, lao động bị mất việc làm, giãn việc, nghỉ việc. So với quý IV/2022, số người thiếu việc làm quý I/2022 là 1,3 triệu người, giảm 135.200 người, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động là 3,01%, giảm 0,36 điểm phần trăm. Mặc dù tình hình giải quyết việc làm cho lao động có sáng sủa hơn nhưng tỷ lệ lao động mất việc làm vẫn cao nhất trong 10 năm qua.


Vấn đề việc làm bền vững là vấn đề trọng tâm, quan trọng được công nhân, lao động quan tâm hơn bao giờ hết. Ảnh: ILO

Chính bởi vậy, vấn đề tạo việc làm bền vững cho người lao động trở thành vấn đề "nóng" được quan tâm nhất nhân Ngày quốc tế lao động 1/5. Để hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp cả trực tiếp và gián tiếp. Trong đó phải kể tới các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm mới.

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Bộ LĐTBXH vừa tổ chức phát động Tháng Công nhân năm 2022 và tháng An toàn vệ sinh lao động năm 2022. Thời gian từ 1/5 -31/5. Trọng tâm của Tháng Công nhân là chăm lo, hỗ trợ người lao động về việc làm, thu nhập, điều kiện lao động an toàn; tham mưu, đề xuất để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động gặp gỡ, đối thoại với cán bộ công đoàn và công nhân, viên chức, lao động, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, cấp bách, thiết yếu của công nhân, viên chức, lao động.

Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ tái đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động… nhằm giúp lao động tìm kiếm được việc làm bền vững. Có việc làm đời sống công nhân lao động mới được ổn định.

Tiền lương thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động

Theo khảo sát cỡ nhỏ của Viện Công nhân, công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tiền lương trung bình tháng của công nhân lao động chỉ đạt 4,9 triệu đồng/người. Mức lương này trong 2 năm qua hầu như không tăng mà còn giảm, tiền lương đã không còn đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), tiền lương là vấn đề được công nhân lao động quan tâm nhất lúc này. Tiền lương thấp khiến đời sống công nhân, lao động không được đảm bảo, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới những vụ đình công trong công nhân lao động thời gian qua.


Tiền lương thấp khiến nhiều lao động gặp khó khăn, phải cắt giảm chi tiêu, tìm kiếm nguồn hỗ trợ. Ảnh: ILO

Chỉ trong quý I/2022 đã có 64 vụ đình công, cao hơn cùng kỳ năm trước. Năm 2021 cả nước chỉ xảy ra 107 vụ đình công, ngừng việc.

Ngày Quốc tế lao động 1/5 năm nay cũng đến trong bối cảnh người lao động và người sử dụng lao động đang có những bất đồng quan điểm trong việc tăng tiền lương tối thiểu vùng. Vấn đề tăng lương tối thiểu vùng cần phải sớm được giải quyết nhằm tạo động lực cho công nhân, lao động yên tâm lao động, gắn bó.

Nhiều vấn đề an sinh - xã hội cho lao động còn chậm được cải thiện

Khảo sát không chính thức của nhiều tổ chức phi chính thức và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy số lượng nhà ở cho công nhân, lao động đã hoàn thành là 2.580.000m2, mới đáp ứng được nhà ở cho khoảng hơn 330.000 công nhân lao động. Con số này chỉ đạt khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp so với chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ.


Tiền lương thấp, nhiều công nhân chấp nhận thuê căn phòng trọ chật chội để tiết kiệm chi phí. Ảnh: N.T

Lương thấp, không có nhà nên nhiều công nhân phải đi thuê trọ. Để tiết kiệm chi phí nhiều công nhân chọn ở trong những phòng trọ chật chội, giá rẻ. Chưa bao giờ vấn đề an sinh - xã hội cho lao động di cư lại "nóng" như thời điểm này.

TS. Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, trên thực tế, các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động. Nhiều khu nhà là những dãy phòng cấp bốn, diện tích mỗi phòng chỉ rộng 4-10m2, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, giá thuê trọ cao, không có hoặc hạ tầng kỹ thuật kém, dẫn đến không đảm bảo chất lượng sống của công nhân, lao động.

Trước đó, khi thực hiện phong tỏa do giãn cách xã hội, hàng chục triệu công nhân, lao động phải sống cô lập trong những căn nhà trọ chật chội, ẩm thấp do không được phép đi ra ngoài, hoặc nếu có đi làm thì khi quay về chỉ được ở tại nhà trọ trong suốt thời gian dài từ 2-4 tháng.

Điều này khiến nhiều công nhân lao động mệt mỏi, bức xúc. Nhiều người rời bỏ thị trường lao động, chọn cách bỏ việc và về quê sinh sống.

Để đảm bảo đời sống cho lao động, nhất là lao động di cư thời gian qua Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp. Trước mắt, hỗ trợ tiền thuê nhà nhà trọ nhằm "kéo" lao động trở lại thị trường lao động. Tiếp nữa trao cơ chế để cấp Công đoàn đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu thiết chế dành cho công nhân lao động, trong đó có vấn đề xây dựng nhà ở, nhà trẻ... cho công nhân và con em của họ. Tuy vậy, tốc độ triển khai xây dựng còn chậm.

Báo cáo của Tổng liên đoàn lao động cho thấy cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân, lao động với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha. Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có 116 dự án với khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.

Đây chỉ là 3 trong nhiều vấn đề “nóng" gây bức xúc cho công nhân lao động. Nhiều vấn đề như nâng cao kỹ năng nghề, tăng cơ hội được đào tạo, giao lưu văn hóa, chăm sóc sức khỏe… cho công nhân lao động cũng chưa thực sự được quan tâm.

Nguyệt Tạ
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại