Anh Phạm Thanh Lâm bên 2 bức tranh vẽ chân dung Bác Hồ và Đai tướng Võ Nguyên Giáp
Mới đây, tài khoản Pham Thanh Lam (Phạm Thanh Lâm) đã chia sẻ trên nhóm "Bạn hữu đường xa" về công việc và kèm theo đó là bức hình của mình đang cầm 2 bức chân dung Bác Hồ và Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
"Không biết trong hội có bác tài nào ban ngày chạy xe ban đêm vẽ tranh như em không? Làm việc mệt nhọc cũng vì lo toan cho cuộc sống và trên hết là niềm đam mê cháy bỏng. Đây là 2 bức tranh em vẽ, các bác cho em xin lời khuyên", anh Lâm viết.
Chia sẻ của anh Lâm chỉ trong ít giờ đã có hàng hơn 2.400 lượt thích, hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận. Hầu hết đều thán phục tài vẽ tranh của tài xế trẻ tuổi Phạm Thanh Lâm. Bên cạnh đó, một số cũng mong muốn được đồng nghiệp vẽ tặng cho bức chân dung làm kỷ niệm. Số khác khuyên Lâm... nên bỏ nghề tài xế vất vả chuyển sang làm họa sỹ chuyên nghiệp.
Để tìm hiểu rõ hơn về Phạm Thanh Lâm - tài xế kiêm "họa sỹ", phóng viên Đời sống Plus đã tìm gặp tác giả của hai bức tranh. Chàng trai SN 1993, ở thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết: "Tôi rất vui vì nhận được nhiều lời khen cũng như động viên của nhiều người. Đó sẽ là động lực để tôi tiếp tục với đam mê của mình".
Cư dân mạng hết sức ngưỡng mộ trước tài năng của anh Lâm
Kể về cảm hứng khi vẽ bức tranh về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lâm nói: “Tôi cũng như bao người dân Việt Nam rất khâm phục và biết ơn sâu sắc đến đối với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi vẽ tôi đã gửi vào trong từng nét cọ của mình cả tấm lòng, sự ngưỡng mộ dành cho Bác Hồ và đại tướng. Tôi cố gắng vẽ chi tiết từng đường nét sao cho thể hiện được thần thái. Sau mấy đêm, 2 bức ảnh chân dung đã hoàn thành”.
Thanh Lâm hồi tưởng lại cái “nghiệp” tranh truyền thần nó gắn với mình: “Vào năm 2010, khi ấy tôi học lớp 11 tình cờ lướt trên mạng và thấy các video của một họa sĩ ở Sài Gòn vẽ tranh truyền thần. Nhìn những nét vẽ của ông, tôi rất thích và nhen nhóm trong tôi bắt đầu từ đó. Rồi những đêm tôi đi dạo công viên và các khu chợ gần nhà, tận mắt thấy nhiều bác lớn tuổi đi nét bút đơn giản mà vẽ nên những đôi mắt hút hồn càng thôi thúc trong lòng tôi một cảm hứng đặc biệt với tranh truyền thần”.
Tác phẩm đầu tay của Phạm Thanh Lâm
Vì gia đình quá khó khăn Lâm buộc phải nghỉ học vào năm lớp 11 phụ giúp bố mẹ để có chi phí cho hai em ăn học. Năm 2016, kết thúc quá trình huấn luyện trong quân đội, Lâm hàng ngày phải chạy xe để có thêm thu nhập. Dù công việc của một tài xế rất bận rộn nhưng niềm đam mê vẽ tranh truyền thần vẫn thôi thúc chàng tài xế trẻ.
Lâm cho biết mình gắn bó với nghề lái xe được gần 1 năm nay. Công việc chính của Lâm là lái xe tải thuê cho tư nhân. Được giao gì thì chở cái đó. "Nếu lao động tay chân đơn thuần còn dễ chịu nhưng nghề lái xe vừa chân tay, vừa căng thẳng thần kinh. Chỉ cần sơ xảy một chút là có thể tai nạn. Chưa nói đến những khi thức trắng nhiều đêm rồi tranh thủ chợp mắt khi chạy đường dài", Lâm kể về nỗi nhọc nhằn của cánh tài xế.
Lâm tâm sự, nhiều anh em tài xế có xe riêng, xe của mình thì hỏng hóc ra sao còn đỡ xót của. Còn khi tài xế lái xe của người khác, nếu có vấn đề hỏng hóc dọc đường hay lỡ gây tai nạn thì họ phải chịu hết chi phí. Có lần tổn thất ít, cũng có khi phải đền bù bằng số tiền cả mấy tháng mới kiếm được.
Với nhiều người thì sau những giờ lái xe vất vả là phút nghỉ ngơi đoàn tụ với gia đình, xả hơi với bạn bè nhưng riêng với Lâm vẽ tranh truyền thần là cách để anh thư giãn. Điều mà ít người hình dung là anh tài xế có bàn tay chai sần vì ôm vô lăng lại cầm cây bút chì mảnh mai vẽ lên những bức tranh có hồn, chân thực và sâu sắc.
Lâm chia sẻ: “Mỗi khi cho ra một tác phẩm mới, tội nhận được những lời động viên, lời khen của nhiều bạn bè ở khắp mọi miền tổ quốc đã là động lực giúp tôi tiếp tục với đam mê của mình.".
Tác phẩm tranh truyền thần của Phạm Thanh Lâm
Để vẽ được những bức tranh đẹp, Lâm bật mí: "Trong tranh truyền thần, cốt yếu đó là phải biểu đạt tất cả cảm xúc qua đôi mắt. Đôi mắt bạn vẽ càng sâu sắc sẽ càng sống động. Khi ấy nó không còn là bức tranh nữa mà là cả một khoảnh khắc được lưu giữ mãi mãi”.
Phạm Thanh Lâm mơ ước có thể thiện nguyện cho các em nhỏ nghèo khó từ công sức vẽ tranh
Tính đến nay, Lâm đã vẽ hàng trăm bức tranh cho nhiều bạn trên khắp các tỉnh thành cả nước. Mỗi bức vẽ Lâm dành thời gian 2-3 ngày. Có những bức vẽ lâu hơn đến 10 ngày mới có thể hoàn thành một tác phẩm. Tranh của Lâm được vẽ trên khổ giấy A2 và A3 và được nhiều bạn yêu thích.
Nói về những lời khen của của cư dân mạng dành cho mình, Lâm tâm sự: "Người ta hay nói không thầy đố mày làm nên. Nhiều người có điều kiện để đi học những môn họ yêu thích nhưng không phải ai cũng làm tốt. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng không nhất thiết cứ phải được đào tạo thì mới khá lên được. Chỉ cần mình đam mê, mọi việc sẽ thành công."
Chia sẻ với chúng tôi, Lâm khắc khoải một ước mơ đầy thiện tâm: "Tôi muốn tranh gây quỹ từ thiện ủng hộ trẻ em miền núi, những trẻ em chất độc màu da cam và trẻ em ở các vùng bão lũ trên mọi miền tổ quốc. Dù vậy, một cánh én không làm nên mùa xuân. Tôi rất muốn kết nối, gặp gỡ với nhiều người bạn cũng có chung 1 đam mê vẽ tranh truyền thần như tôi để để cùng nhau xây dựng ước mơ ấy."
Chúng tôi hi vọng, rất gần thôi ước mơ của chàng tài xế trẻ sẽ thành hiện thực.