Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:49
RSS

Đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM sẽ khiến "phí chồng phí"

Thứ tư, 13/12/2017, 10:11 (GMT+7)

Dự án “Thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông” tại TP.HCM đang gây nên cuộc tranh cãi gay gắt. Có ý kiến thẳng thẳn nói rằng, đây là một bước... cải lùi!

Ngán ngẩm vì thu phí chống ùn tắc vào trung tâm TP. HCM
Hầu hết các ý kiến không đồng tình với việc thu phí chống ùn tắc vào trung tâm TP. HCM

Đề xuất không khả thi

Ngày 12/12, dự thảo “Thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông” do Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD) đề xuất, được đưa ra Ủy ban MTTQ TP.HCM để góp ý kiến phản biện.

Đề án thu phí này đã được lập đề án từ năm 2010 và lãnh đạo ITD cho biết, đề án lúc đó đề xuất 36 cổng thu phí tự động, xây xung quanh khu vực hạn chế trên các tuyến đường bao quanh các quận 1, 3 và vùng giáp ranh với các quận 5 và 10.

Hai năm sau (2012), đề án chính thức được trình UBND TP.HCM nhưng bị ngưng sau nhiều cuộc họp. Đến đầu năm 2017, UBND TP.HCM cho phép Sở GTVT tái khởi động lại dự án này, báo Thanh niên thông tin.

Theo ITD, đề xuất áp dụng thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP. HCM để hạn chế ùn tắc giao thông đối với các phương tiện giao thông đi vào trung tâm TP trong giờ cao điểm từ 6h đến 9h và 16h đến 19h, theo báo Thanh niên.

Mức thu phí sẽ từ 30.000 đến 50.000 đồng/chuyến cho từng loại phương tiện, với mục tiêu là giảm ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính; thúc đẩy người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng; giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn ngân sách bảo trì đường bộ của TP.HCM.

Tại buổi phản biện ngày 12/12, luật sư (LS) Trương Thị Hòa cho rằng dự án có nhiều bất cập về thu phí. Việc bổ sung thêm phí ô tô lưu thông ở trung tâm TP.HCM vào lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ dẫn đến tình trạng “phí chồng phí”.

Ngoài ra, LS Hòa còn cho rằng nếu phát sinh thêm phí mới áp dụng cho ô tô thì lượng người sử dụng xe máy sẽ tăng. Đồng thời, việc ưu tiên giảm mức phí đối với những người dân sống trong khu vực trung tâm sẽ gây ra hiện tượng so sánh bởi những người dân sống trong khu vực khác. Vì theo quy định của pháp luật mọi người dân đều có quyền bình đẳng.

Ô tô có phải là "thủ phạm" gây ùn tắc trong nội đô thành phố?

Ông Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường - Ủy ban MTTQ TP.HCM, bày tỏ: “Dự án thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP.HCM với mục tiêu là giảm được 40% lượng xe vào trung tâm là kết luận không có cơ sở. Bởi chẳng có cơ sở nào để tiên liệu rằng con số 40% ô tô sẽ đi vào trung tâm, do có đặt các trạm thu phí xe vào trung tâm TP.HCM cả”.

Cũng theo ông Ninh, thời gian qua, người dân đã quá ngán ngẩm về việc làm đường một đằng, đặt trạm thu phí một nẻo của nhiều dự án BOT, nay có thêm đề xuất xây dựng trạm để thu phí nhằm giảm kẹt xe, sẽ lại càng gây bức xúc cho người dân.

“Theo cá nhân tôi, dự án này phần lớn là giả định, suy diễn, không có cơ sở xã hội học và quá vô lý. Bởi vì, đề xuất của dự án chỉ xuất phát từ mẹo đơn giản là đánh vào túi tiền của chủ phương tiện… Nếu thu phí, người dân lại phải thêm gánh nặng về phí. 

Điều đó cho thấy, đề xuất không xuất phát từ các yếu tố xã hội học của TP.HCM. Vì vậy, không đáp ứng được mục đích ban đầu là giảm ùn tắc giao thông khu vực trung tâm”, ông Ninh nói

Đây là bước... cải lùi!

Trước đó, báo Thanh Niên cũng trích dẫn ý kiến của PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM khi nói về đề án thu phí vào trung tâm TP. Ông Hòa cho rằng đề án là một bước "cải lùi".

Theo PGS-TS Hòa, việc tạo một vành đai bao quanh khu vực trung tâm không những phức tạp, không giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông mà còn tăng thêm nguy cơ tắc đường trầm trọng ở các khu vực khác trong TP.

“Việc lái xe vào trung tâm TP là quyền của người dân, muốn ngăn cản thì phải có phương án, có cơ sở lý giải hợp lý. Còn người dân có nhà trong khu vực đó thì sao? Không lẽ hằng ngày đi làm, đưa đón con đi học 3 bữa là phải đóng phí 3 - 4 lần? Phải tính đến phương án giải quyết khó khăn cho dân chứ không phải tạo khó cho dân”, ông Hòa nói thẳng.

PGS-TS Hòa cũng đưa ra ý kiến: “Thay vì bỏ tiền đầu tư cả một hệ thống không khả thi, TP có thể ngay lập tức áp dụng phạt thật nặng việc đỗ xe không đúng nơi quy định, tăng cường cấm đỗ xe bừa bãi, nâng cao phí đỗ xe để từng bước gây khó khăn cho người sử dụng loại phương tiện này. Như vậy sẽ có tác dụng tức thì và hiệu quả hơn”.

Ông Đồng Văn Khiêm. Ảnh Hữu Công

Ông Đồng Văn Khiêm, thành viên hội đồng tư vấn phản biện Ủy ban MTTQ TP, cũng yêu cầu TP cân nhắc kỹ trước khi thực hiện dự định thu phí ôtô vào trung tâm TP và việc này phải được sự đồng thuận cao từ người dân, theo báo Tuổi trẻ.

"Nếu thực hiện việc thu phí thì phải có các con số cụ thể để người dân giám sát. Nếu khẳng định ùn tắc trong trung tâm thì phải có con số cụ thể là vào thời gian cao điểm nào, bao nhiêu xe tải, ôtô con... để tính toán ra lượng xe có thể giảm khi tiến hành thu phí", ông Khiêm nói.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Minh Đồng cho rằng: "Vấn đề kẹt xe của TP không tập trung chủ yếu ở trung tâm. Vậy hạn chế kẹt xe ở khu ít kẹt xe thì có ý nghĩa gì? Người sử dụng phương tiện giao thông đã phải nộp phí đường bộ, nay lại bắt mỗi lần vào trung tâm phải đóng thêm tiền. Phí chồng phí, dân thiệt, TP không thay đổi được gì, chỉ doanh nghiệp là có lợi”, báo Thanh niên dẫn lời.

Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, việc thu phí xe ô tô vào TP sẽ đẩy giá cả hàng hóa, dịch vụ... tăng theo. Đây là điều cần phải xem xét lại.

Giải thích những thắc mắc nói trên, ông Lâm Thiếu Quân - Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong, cho biết thời gian tới sẽ cập nhật, thu thập các thông tin và tham khảo ý kiến của giới tài xế về việc này.

"Công ty chúng tôi không phải là chủ đầu tư mà chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí. Nếu được TP chấp thuận dự thảo nêu trên, sắp tới khi nghiên cứu khả thi sẽ tham khảo ý kiến người dân", ông Quân chia sẻ.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN