Vì sao Campuchia bỏ thu phí BOT cách đây gần 2 năm?
“Cơn sốt” BOT Cai Lậy (Quốc lộ 1, tỉnh Tiền Giang) lại tiếp tục "nóng" lên sau hơn 3 tháng tạm ngưng đã quay trở lại thu phí vào ngày 30/11, nhưng ngay sau đó vấp phải sự phản đối của người dân.
Dù mức giá mới trong lần thu phí trở lại này đã được Bộ giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt giảm 30% cho tất cả phương tiện, tuy nhiên việc giảm giá vẫn chưa được sự đồng thuận của người dân và tài xế.
Được biết, chủ đầu tư BOT Cai Lậy đã bỏ ra 300 tỷ đồng để tu sửa một đoạn đường Quốc lộ 1 và hơn 1.000 tỷ đồng để làm tuyến tránh qua thị xã Cai Lậy – rồi sau đó đặt trạm thu phí. Người dân và cánh tài xế phản đối vì cho rằng vị trí đặt trạm không hợp lý. Việc phản ứng lại tiếp diễn và sau ba lần xả trạm, đến rạng sáng 1/12 trạm thu phí BOT Cai Lậy bỏ ngỏ, tạm thời không thu phí.
Đến đêm 1/12, trạm thu phí BOT Cai Lậy đã thu phí trở lại sau thời gian xả trạm vì ách tắc do tài xế đòi nhân viên thối tiền lẻ 100 đồng.
Trước đó, hồi tháng 8/2017, cánh tài xế cũng sử dùng tiền lẻ mệnh giá thấp để qua trạm thu phí để phản đối mức giá và vị trí đặt trạm.
Chiều 1/12, Bộ GTVT gửi thông tin cho báo chí về tình hình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Trong đó, Bộ GTVT phân tích phương án trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1 sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính cho dự án.
Đồng thời, Bộ này cũng khẳng định đang phối hợp với Bộ Công an, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức việc thu giá tại trạm để hoàn vốn cho dự án và có biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để gây rối an ninh tại trạm thu phí.
Trong khi đó, tại nước láng giềng Campuchia, theo tờ Khmer Times, từ ngày 13/1/2016, Thủ tướng Hun Sen đã chính thức miễn thu phí tất cả phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 4 nối từ Phnom Penh đến thành phố biển Shihanouk Ville. Điều này đồng nghĩa với việc, tất cả đường xá tại Campuchia không còn chỗ nào thu phí.
Ông Hun Sen cũng tiết lộ đã hủy hợp đồng với Công ty AZ Investment Co Ltd - công ty được cấp phép thu phí Quốc lộ 4 trong vòng 35 năm từ năm 2001.
"Tôi tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng với công ty. Vào nửa đêm, việc lưu thông trên Quốc lộ 4 sẽ được miễn phí. Điều tôi mong đợi là tất cả mọi người tuân thủ luật giao thông", Khmer Times dẫn lời ông Hun Sen phát biểu tại phiên họp Quốc hội Campuchia ngày 12/1/2016.
Thủ tướng Hun Sen cho biết, lý do hủy hợp đồng là AZ Investment đã không tuân thủ hướng dẫn của ông về việc không thu phí người đi đường. Ông Hun Sen nói ông tuyên bố ngày 5/1 rằng từ nửa đêm ngày 6/1 - những người sống dọc Quốc lộ 4, đại diện cho 23.907 xe, không cần phải trả 18.000 riel (tương đương 4,50 USD) phí đường bộ. Tuy nhiên, ông phát hiện có 27.000 xe tại quận Ang Snoul đã phải trả số tiền này.
Khieu Phalla, một người sống dọc Quốc lộ 4, nói rằng ông rất vui vì phí cầu đường sẽ bị xóa sổ. "Quyết định của ông Samdech Hun Sen đã làm cho nhân dân trên cả nước hạnh phúc", ông nói.
Tại Việt Nam hiện nay có 88 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ. Trong đó, có 73 trạm do Bộ GTVT quản lý còn lại 15 trạm thuộc quyền quản lý của các địa phương. Ngoài ra, thống kê cho thấy, trong số 88 trạm thu phí trên thì 67 trạm đang tiến hành thu phí (56 trạm do Bộ GTVT quản lý, 11 trạm do địa phương quản lý) và 21 trạm chưa thu phí.