Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:36
RSS

Ngải cứu rất tốt nhưng những người sau tuyệt đối không nên ăn kẻo hối hận cả đời

Thứ hai, 13/11/2017, 07:29 (GMT+7)

Ngải cứu không chỉ được dùng để chế biến món ăn mà còn là vị thuốc quý chữa rất nhiều bệnh. Tuy nhiên, những người dưới đây không nên ăn ngải cứu kẻo nguy hại cho sức khỏe.

ngải cứuCây ngải cứu có nhiều công dụng nhưng có những người không nên ăn kẻo gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe

Ngải cứu có tên khoa học là Artemisia vulgaris L, thuộc họ Cúc Asteraceae. Trong dân gian, ngải cứu còn được gọi với các tên khác như ngải điệp, cây thuốc cao hay cây thuốc cứu... Là cây sống nhiều năm, thân có nhiều rãnh dọc, lá ngải cứu không có cuống, mọc so le, hai mặt lá có màu khác nhau, mặt trên màu lục sẫm, nhẵn trong khi mặt dưới có nhiều long nhỏ màu trắng tro. Ngải cứu mọc hoang ở khắp các vùng miền trên cả nước, người ta thường trồng ngải cứu quanh nhà, quanh nhà thuốc… vào mùa xuân bằng cành, thân hoặc ngọn bánh tẻ.

Bộ phận được dùng của cây ngải cứu là lá hoặc ngọn có hoa vào mùa hè, để tươi hoặc phơi khô trong bóng râm. Ngải cứu phơi khô để nhiều năm càng tốt, lá phơi khô gọi là ngải điệp, còn phơi khô mà cắt thành bột vụn rây lọc lấy lông trắng và tơi là ngải nhung.

Theo Đông y, ngải cứu là loại cây thuốc chữa bệnh, có thể chế biến thành những món ăn ngon và bổ cho sức khỏe, giúp xoa dịu những cơn đau cơ, giúp tuần hoàn máu, giảm cơn đau vùng bụng… và là một trong những vị thuốc bổ dành cho người bị động thai, sảy thai liên tiếp, nổi bật nhất là giúp cơ thể nhuận tràng, lợi tiểu.

Tuy nhiên, vì dược tính cao nên ngải cứu cũng có nhiều tác dụng phụ. Với một số người, nếu dùng ngải cứu quá nhiều có thể gây ra ngộ độc, thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức dẫn tới chân tay run giật cục bộ hoặc co giật. Sau vài lần có thể dẫn đến co cứng, nói sàm, thậm chí tê liệt, có tổn thương ở tế bào não… và di chứng để lại là hay quên, ảo giác, viêm thần kinh…

Để phát huy công dụng và tránh tác dụng phụ của ngải cứu, theo các chuyên gia, người bình thường chỉ nên ăn ngải cứu từ 1-2 lần/tuần. Đối với người không có bệnh, không nên sử dụng nước sắc ngải cứu như một thứ nước uống thường xuyên giống như nước trà.

Nếu sắc ngải cứu để uống thay nước chỉ nên sử dụng khoảng 3-5g khô (9-15g tươi)/lần và sử dụng theo từng đợt. Khi khỏi bệnh thì nên nghỉ, tránh sử dụng liên tục trong thời gian dài.

Dưới đây là những người được khuyên không nên dùng ngải cứu:

Người bị viêm gan

Tinh dầu trong ngải cứu là thành phần có tác dụng chữa bệnh, nhưng cũng là một thành phần có độc tính. Nếu người bị viêm gan ăn ngải cứu, dược chất đi vào gan sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn tới viêm gan cấp tính do trúng độc và viêm gan vàng da, khiến cho gan to, nước tiểu đục, nước tiểu có lẫn dịch mật (chứng bệnh biliuria). Do đó, người bị viêm gan nên tránh xa món này.

Phụ nữ đang trong 3 tháng đầu thai kỳ

Theo Đông y, phụ nữ mang thai thời kỳ 3 tháng đầu không nên dùng bất kỳ dược liệu nào, đặc biệt là ngải cứu. Tuy nhiên với một số trường hợp bị động thai có dấu hiệu ra máu, bạn có thể dùng ngải cứu bằng cách sao cháy, sau đó vẩy một chút nước vào cho hết hỏa độc và sắc lên uống. Khi đó, bạn cũng cần phải thận trọng khi uống, tốt nhất đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng và kịp thời.

Người bị rối loạn đường ruột cấp tính

Một trong những tác dụng nổi bật của ngải cứu đó là giúp cơ thể tăng việc đi tiểu, vì thể nó được xem là một vị thuốc nhuận tràng hiệu nghiệm. Thế nhưng, chính do tác dụng này mà những người bị rối loạn đường ruột cấp tính cần phải tránh xa ngải cứu, nếu không bệnh tình sẽ khó kiểm soát và ngày một trầm trọng hơn.

Thanh Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN