"Chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung có khả năng lên tới 100 ca dương tính"
Tại cuộc kiểm tra công tác phòng chống dịch covid-19 trên địa bàn quận Thanh Xuân sáng 25/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh giá quận Thanh Xuân đang là địa bàn nguy cơ cao nhất.
Từ 2 mẹ con ở ngõ 330 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) đi xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh có kết quả dương tính hôm 23/8, tính đến chiều 25/8 đã ghi nhận 73 ca trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung. Các bệnh nhân tập trung tại ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi và liên quan đến các chợ, siêu thị trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung.
Lực lượng chức năng phong tỏa ngõ 328 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho người dân chiều 24/8. Ảnh: Nguyễn Chương
Về vấn đề này, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, cho biết qua kết quả điều tra, truy vết tạm thời đã xác định được 3 nguồn lây trong cùng một thời điểm tại chùm ca bệnh ở phường Thanh Xuân Trung. Tuy nhiên "lây cụ thể ở đâu thì chưa rõ" vì đang trong thời gian giãn cách xã hội nên người dân ngại khai báo đi đâu, ở đâu.
Ông Tuấn cho rằng, chùm ca bệnh mới này đã xuất hiện trong một thời gian, hiện đã đến vòng lây nhiễm thứ 2, thứ 3. Khu vực xuất hiện chùm ca bệnh này lại ở khu tập thể cũ với mật độ dân cư đông, ngõ nhỏ, ngách nhỏ, diện tích chật hẹp nên khả năng tiếp xúc rất lớn. Chùm ca bệnh này có sự tương đồng như chùm ca bệnh ở phường Văn Chương, hay phường Văn Miếu (quận Đống Đa).
"Dự báo, khả năng lây nhiễm tại chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung rất cao, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới, khả năng lên tới 100 ca dương tính", ông Tuấn đánh giá.
Người dân sống tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung được lấy mẫu xét nghiệm trưa ngày 24/8. Ảnh: Nguyễn Chương
Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ông Tuấn cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống. Đặc biệt, cần thực hiện tốt công tác xét nghiệm tại cộng đồng.
Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần thực hiện tốt công tác lấy mẫu xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu tách F0 ra khỏi cộng đồng; đồng thời đánh giá lại khu vực nguy cơ; đánh giá thêm về khu vực nguy cơ, đối tượng nguy cơ theo dịch tễ.
Theo nội dung thực hiện, ngoài các hoạt động xét nghiệm thường quy đối với trường hợp ho, sốt; khu phong tỏa; đối tượng truy vết; khu cách ly tập trung, thành phố tập trung lấy mẫu tại các địa bàn, các xã, phường tiếp giáp với các ổ dịch phức tạp; khu tập thể cũ tập trung đông người, chật hẹp (mật độ dân số cao, nhà, ngõ chật hẹp, giao lưu đi lại nhiều).
Cùng với đó, lựa chọn đối tượng nguy cơ cao để lấy mẫu như: shipper, người làm dịch vụ vận tải, gồm: lái xe các loại, người làm việc tại công ty cung ứng hàng hóa thực phẩm, người bán hàng tại chợ, siêu thị... và lựa chọn các khu vực khác theo diễn biến tình hình dịch.
Để việc lấy mẫu xét nghiệm bảo đảm hiệu quả, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng, việc triển khai lấy mẫu vẫn do cán bộ y tế của trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đảm nhận, theo hình thức lấy mẫu tập trung hoặc tại hộ gia đình.
"Nếu chỉ dùng biện pháp 5K và giãn cách sẽ không đạt đích"
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá: "Phải phong toả thật chặt, xét nghiệm toàn bộ khu vực để tìm hết F0 trong cộng đồng. Bên cạnh đó cần tránh hiện tượng ngoài chặt, trong lỏng, người dân không được đi sang nhà nhau, phải phong toả rất chặt mới ngăn chặn được dịch bùng phát tại phường Thanh Xuân Trung".
Người dân chờ tiêm vaccine ở Đại học Bách khoa Hà Nội sáng 30/7. Ảnh: Gia Khiêm
Trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho rằng, Hà Nội có nhiều chỗ "không nóng bỏng", không thuộc diện nguy cơ cao nhưng bùng phát dịch như vậy cho thấy Hà Nội có những nguy cơ bùng phát dịch hiện hữu, rất gần, cận kề.
"Chính vì vậy, Hà Nội phải nhanh chóng đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng Covid-19. Nếu không tiêm vaccine sẽ khó ngăn chặn được dịch bùng phát lớn trên diện rộng ở Hà Nội. Việc chống dịch lặp đi lặp lại khi dập được chỗ này lại bùng chỗ khác sẽ rất khó khăn.
Nhân viên y tế phát loa thông báo mọi người tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trưa ngày 12/8 vừa qua ở phường Văn Chương, quận Đống Đa. Ảnh: Gia Khiêm
Từ nay trở đi, Hà Nội nếu chỉ dùng biện pháp 5K và giãn cách sẽ không đạt đích, khó ngăn chặn dịch bùng phát. Với dân số Hà Nội hiện nay khoảng gần 10 triệu dân, thủ đô chỉ cần 14 đến 18 triệu liều vaccine sẽ ngăn chặn được dịch bệnh", GS Nguyễn Anh Trí nhận định.
GS Nguyễn Anh Trí cũng nêu thêm: "Tôi trực tiếp trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế và thực tế việc này cũng đã được đề cập trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 51 triệu liều vaccine phòng Covid-19 sẽ về đến Việt Nam
Bên cạnh đó, 1 tín hiệu rất mừng của chúng ta là vaccin Nano Covax có khả năng trong tháng 9 này sẽ đưa ra sản phẩm. Việc này sẽ bù đắp thêm số lượng vaccine đưa trong nhân dân".
Ông cho rằng, tất cả những nơi đã bùng phát dịch nặng phải tập trung điều trị cho người bệnh. Cần ưu tiêm vaccine tại những nơi có nguy cơ bùng phát dịch.