Dưới cái nắng oi ả của mùa hè, nhiệt độ lúc nào cũng từ 35 - 37 độ C, người bình thường đã mệt mỏi, nói gì đến những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch trong bộ quần áo bảo hộ. Mồ hôi đầm đìa, ướt sũng cả người, vệt khẩu trang in hằn trên khuôn mặt. Vất vả là thế nhưng các anh, chị vẫn hàng ngày vượt đường núi đến từng bản, làng vùng sâu, vùng xa truy vết các trường hợp F1, F2 hay thăm khám, kiểm tra ở các khu cách ly tập trung. Không một lời ca thán...
Với họ lúc này, thời gian là vàng, bạc. Vì họ hiểu chỉ cần sự chậm trễ dù chỉ một chút thôi sẽ ảnh hưởng đến cả "chiến dịch chống dịch" của tỉnh. Và như thế, bao nhiêu công sức mà anh em đồng nghiệp sẽ đổ xuống sông, xuống biển. Chỉ cần truy vết chậm một trường hợp F0 thì sẽ có hàng trăm F1 gieo giắc mầm bệnh cho hàng nghìn người.
Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để nghỉ lấy lại sức sau thời gian làm việc vất vả. Ảnh: P.V
Có những "chiến sĩ" áo trắng đã vài ngày không ngủ, với họ bây giờ một giấc ngủ ngắn ngủi 15 - 20 phút là một điều xa xỉ. Vì thế họ tranh thủ chợp mắt bất cứ đâu, để lấy lại tinh thần, sức khỏe tiếp tục chống dịch.
Ngày 19/5, trên Facebook một chủ tài khoản đã chia sẻ những hình ảnh cùng nội dung: Hôm (18/5) đang trên đường chạy thể dục, tôi chợt thấy một chiếc xe cứu thương đỗ bên đường. Bên cạnh là hai người mặc đồ trắng toát nằm im trên vỉa hè. Tôi chợt nghĩ, hay là một vụ tai nạn. Lúc này mới 4 giờ sáng. Tôi mạnh dạn lay một người, cũng phải một lúc thì người ấy chợt tỉnh và ngồi dậy, tôi hỏi:
- Các anh có làm sao không đấy?
- Không ạ, chúng cháu mệt quá không thể đi tiếp được thôi ạ. Chúng cháu đang tham gia dập dịch ở Nậm Pồ.
- Vậy à, thế bây giờ các anh có cần giúp đỡ gì không?
- Không ạ, chúng cháu chỉ cần ngủ khoảng 15 phút thì lại đi tiếp được thôi ạ
- Xin lỗi vì đã làm phiền, thôi anh lại ngủ tiếp đi.
Nghĩ mà thương những chiến sĩ áo trắng phải làm việc hơn 100% sức lực. Xin chúc các anh có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ, giúp dân dập dịch".
Bài viết đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Dưới phần bình luận, hàng nghìn người đã để lại lời cảm ơn tới các y bác sĩ đang ngày đêm vất vả chiến đấu đẩy lùi dịch Covid - 19.
Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Giang Nam - Giám đốc Sở y tế Điện Biên xác nhận hình ảnh đó đúng là cán bộ, y bác sĩ của huyện Nậm Pồ.
"Tôi đã không kìm được nước mắt khi đọc những dòng chia sẻ trên mạng xã hội Thương anh em quá, họ vất vả ngày đêm chống dịch, đến bữa ăn cũng không đúng giờ, giấc ngủ chỉ kịp chợp mắt ven đường chứ nói gì đến vệ sinh cá nhân. Nhưng vì tình hình dịch bệnh họ đã hy sinh tất cả để thực hiện nhiệm vụ"- ông Nam tâm sự.
Theo ông Phạm Giang Nam thì 2 cán bộ của ngành y tế được chia sẻ nhiều trên cộng đồng mạng những ngày qua là anh Lò Văn Linh và anh Lường Văn Thân - cán bộ y tế của Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ.
"Anh em vì quá mệt, thời điểm đầu dịch bùng phát tại Si Pa Phìn, cả huyện chỉ có 2 xe chuyên dụng cứu thương, mà bệnh nhân thì nhiều. Vì thế các anh phải ngày đêm vận chuyển bệnh nhân ra điều trị tại Bệnh viện dã chiến TP. Điện Biên Phủ. Cả đi lẫn về 200km đường rừng núi, có đi nhanh cũng mất 6 tiếng đồng hồ"- ông Nam chia sẻ thêm.
Chia sẻ qua điện thoại với phóng viên, anh Lò Văn Linh cho biết: Đêm ngày 17/5, anh cùng anh Thân nhận được lệnh chở những ca F0 xuống Bệnh viện Dã chiến TP.Điện Biên Phủ. Đến rạng sáng 18/5, sau khi đã đưa các ca F0 về bệnh viện dã chiến, hai anh tiếp tục quay về Nậm Pồ mà không có thời gian nghỉ ngơi. Mặc dù cả hai đều thấm mệt nhưng vẫn cố gắng động viên nhau.
"Sau nhiều đêm lái xe liên tục không được một giấc ngủ ngon, tôi rất thương anh Thân. Lúc đi gần hết thành phố để quay về huyện Nậm Pồ, anh Thân nói: "Thôi, giờ chúng ta xuống đây nằm chợp mắt một lúc cho khỏe rồi đi, anh không thể tiếp tục được nữa". Vì vậy nên hai anh em đã tìm một nơi yên tĩnh để xuống xe nằm nghỉ một lúc rồi mới đi tiếp"- anh Linh chia sẻ.
Với hơn 100 cán bộ, giáo viên, gần 600 học sinh (chủ yếu là tiểu học và mầm non) thuộc diện F1, phải cách ly tập trung, nên phần lớn số giáo viên còn lại trong vùng dịch đều được trưng tập để thực hiện nhiệm vụ là "hậu phương vững chắc".
Không phải tới trường như mọi khi, hơn chục ngày nay, mỗi sáng thầy Đinh Thành Luân (giáo viên Trường PTDTBT-TH Phìn Hồ) đều có mặt rất sớm tại nhà ăn công vụ. Thầy Luân đến để tham gia chuẩn bị bữa ăn cho hơn 100 người thực hiện cách ly tại trường. Ngoài 7 người lớn, số còn lại đều là học sinh bậc học mầm non và tiểu học.
"Vì đây là trường bán trú nên việc chăm sóc cho học sinh chúng tôi đã quen từ trước nay. Chỉ có điều, trong điều kiện dịch dã mọi việc đều phải cẩn trọng hơn. Tất cả phải bảo đảm an toàn, từ phòng chống dịch, đến an toàn vệ sinh thực phẩm" - thầy Luân chia sẻ.
Mặc dù, khu cách ly mới thành lập thời gian ngắn, song những câu chuyện "dở khóc, dở cười" mà thầy giáo trẻ chia sẻ đã cho chúng tôi thấy một hình ảnh rất khác của họ giữa tâm dịch.
Trách nhiệm, nhiệt huyết và cẩn trọng từng bữa ăn, giấc ngủ, quần, áo, thậm chí dọn dẹp "sản phẩm" của những bé mầm non vô tình làm bẩn giường, chiếu... tất cả đều tràn đầy tình yêu thương và sự ấm áp.
Trường PTDTBT-TH Phìn Hồ có 46 cán bộ, thầy cô thì gần nửa trong số đó không nằm trong diện phải cách ly. Toàn bộ số này đều được trưng tập và tự nguyện ở lại trường làm công tác hậu cần như thầy Luân.
"Nhiều lứa tuổi khác nhau nên chế độ ăn cũng khác nhau. Các thầy cô đều dành tâm huyết để mỗi bữa ăn của các cháu được ngon miệng và đầy đủ dưỡng chất, góp phần nâng cao sức khỏe, "chiến đấu" với bệnh tật. Việc vận chuyển đến cho các cháu được cán bộ y tế và lực lượng chức năng thực hiện" - Hiệu trưởng Trường PTDTBT-TH Phìn Hồ Trần Đăng Khoa tâm sự.
Cũng theo chia sẻ của thầy Khoa, từ ngày 17/5 đến nay, với sự chia sẻ, hỗ trợ của cá nhân, đơn vị thiện nguyện, các cháu đã có thêm bữa ăn phụ là bánh mì và sữa vào giữa hai buổi sáng, chiều.