Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:33
RSS

Nam Định cho phép học sinh thuộc vùng xanh ở 9 huyện đi học trở lại

Thứ hai, 22/11/2021, 07:10 (GMT+7)

Nam Định cho phép học sinh thuộc các xã, thị trấn có dịch ở cấp độ 1 (vùng xanh) tại 9 huyện trên địa bàn tỉnh đi học trực tiếp tại trường từ ngày 23/11/2021.

Sự kiện:
Nam Định

Ngày 21/11/2021, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch covid-19 của tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố về tình hình công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, thời gian vừa qua, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, đã xuất hiện các chùm ca bệnh trong cộng đồng tại thành phố Nam Định, các huyện: Ý Yên, Giao Thủy, Nam Trực, Hải Hậu... một số khu vực dịch bệnh đã ngấm sâu vào trong cộng đồng, với số ca nhiễm tăng nhanh và liên quan đến nhiều địa điểm tập trung đông người như trường học, nhà hàng, công ty...

Việc kiểm soát nguồn lây lan dịch bệnh từ tỉnh ngoài gặp nhiều khó khăn; ý thức tuân thủ, chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của một bộ phận người dân chưa tốt; công tác quản lý tại các cơ sở cách ly tập trung, cách ly tại nhà đôi lúc chưa chặt chẽ.

Do đó, để tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thực chất, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phỏng, chống dịch Covid-19 của tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, về công tác giáo dục UBND tỉnh Nam Định quyết định, đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn 9 huyện (Ý Yên, Giao Thủy, Nam Trực, Hải Hậu, Vụ Bản, Nam Trực, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Xuân Trường) tổ chức dạy học trực tiếp tại trường từ ngày 23/11/2021 đối với các xã, thị trấn có dịch ở cấp độ 1 (vùng xanh) và phải đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch. Tạm dừng dạy học trực tiếp chuyển sang dạy học trực tuyến (giáo dục mầm non được nghỉ học) đối với các xã, thị trấn có dịch ở cấp độ 2 (vùng vàng), cấp độ 3 (vùng cam) và cấp độ 4 (vùng đỏ).

Đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Nam Định, tiếp tục dạy học trực tuyến (giáo dục mầm non được nghỉ học). Riêng học sinh ở vùng xanh (cấp độ 1) thuộc các khối lớp 9 và lớp 12 tổ chức dạy học trực tiếp tại trường từ ngày 23/11/2021, phải đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế theo chức năng nhiệm vụ hướng dẫn việc tổ chức dạy học và các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện những chỉ đạo trên. Các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các nội dung tại Thông báo này.

Nam Định cho phép học sinh thuộc 'vùng xanh' ở 9 huyện đi học trở lại

Ảnh minh họa

Về công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19,  các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, cập nhật số liệu nhu cầu tiêm vắc xin trên địa bàn theo mẫu biểu đã gửi đảm bảo đúng theo nhu cầu thực tế (không tinh số vắc xin đã phân bổ gần đây chưa tiêm hết), báo cáo UBND tỉnh trước 11h00 ngày 22/11/2021 (qua Sở Y tế, Văn phòng UBND tỉnh). Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và nhân dân về tính chính xác của số liệu báo cáo.

Các huyện, thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân tử 18 tuổi trở lên trước ngày 27/11/2021 và tiêm hết số vắc xin vừa được phân bổ xong trước 30/11/2021.

Chỉ đạo, tổ chức tiêm cuốn chiếu theo địa bàn xã, phường, thị trấn, không dàn trải. Tổ chức đi từng ngõ, gõ từng nhà để mời người dân đang sinh sống trên địa bàn đi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Thực hiện ngay việc cập nhật dữ liệu tiêm chủng trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia đảm bảo chính xác, cung cấp thông tin kịp thời cho người dân.

Về công tác tổ chức cách ly, các huyện, thành phố chỉ đạo, thực hiện tốt việc phân tích, đánh giá yếu tố dịch tễ đối với các trường hợp FO, phân loại rõ F1, F2 để có các biện pháp cách ly phù hợp. Tổ chức cách ly tại cơ sở cách ly tập trung đối với các trường hợp tiếp xúc gần (F1) có nguy cơ cao.

Tổ chức cách ly tại nhà đối với các trường hợp tiếp xúc gần (F1) có yếu tố dịch tễ nguy cơ thấp, người giả yếu, bệnh lý nặng, trẻ nhỏ cần có người chăm sóc theo hướng dẫn, phân loại của ngành y tế, nhưng phải đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch, thực hiện nghiêm việc “ở nguyên tại nhà” và cam kết với chính quyền địa phương. Tổ Covid cộng đồng tham gia giám sát, quản lý chặt chẽ việc thực hiện cách ly tại nhà.

Về công tác xét nghiệm, ngành Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá chính xác quy mô vùng có dịch bệnh để tham mưu chính quyền địa phương về phạm vi tổ chức xét nghiệm đảm bảo kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm và nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh chỉ viện, hỗ trợ nguồn lực cho các huyện, thành phố phục vụ công tác xét nghiệm đối với các ổ dịch phức tạp, trên địa bàn rộng. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành phố chủ động huy động nguồn lực từ ngân sách huyện, thành phố và nguồn lực xã hội hóa, như: Test nhanh kháng nguyên, vật tư y tế, quần áo bảo hộ.... phục vụ công tác xét nghiệm trên địa bàn.

Về công tác thu dung, điều trị, các huyện, thành phố chủ động thành lập, chuẩn bị các điều kiện và có kế hoạch vận hành ít nhất 01 cơ sở chuyên phục vụ công tác thu dung, điều trị đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (riêng các huyện Giao Thủy, Nam Trực, Ý Yên, Hải Hậu chuẩn bị các điều kiện để vận hành ngay các cơ sở này).

Các huyện, thành phố thành lập và có kế hoạch đưa vào hoạt động ít nhất 01 trạm y tế lưu động trên địa bàn. Riêng các xã, thị trấn có dịch ở cấp độ 3 và 4 phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về trang thiết bị, o xy y tế, nhân lực để vận hành ngay trạm y tế lưu động.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại