Thứ bảy, 20/04/2024 | 09:29
RSS

Nam Định chi gần 150 tỷ đồng hỗ trợ các hộ dân bị dịch tả lợn châu Phi

Thứ bảy, 20/07/2019, 10:20 (GMT+7)

Từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương năm 2019, Nam Định đã cấp 149,5 tỷ đồng hỗ trợ đợt 1 cho người chăn nuôi có lợn ốm, chết phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi của tất cả các huyện, thành phố.

Từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương năm 2019, Nam Định đã cấp 149,5 tỷ đồng hỗ trợ đợt 1 cho người chăn nuôi có lợn ốm, chết phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi của tất cả các huyện, thành phố. Các hộ chăn nuôi sẽ được nhận 50% trong tổng số tiền bị thiệt hại, số còn lại sẽ được địa phương hỗ trợ trong các đợt tiếp theo.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm quản lý, sử dụng số tiền được cấp hiệu quả, đúng quy định. Các địa phương hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp đến các hộ bị thiệt hại, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, từ ngày 8/3 - 18/7/2019, toàn tỉnh có 245.389 con lợn của 34.796 hộ chăn nuôi bị ốm, chết phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, với tổng trọng lượng gần 13.400 tấn. Ước tính con số thiệt hại đã lên tới vài trăm tỷ đồng.

Trước đó, Nam Định trở thành tỉnh thành thứ 13 có dịch tả lợn châu Phi sau khi kết quả xét nghiệm lợn tại huyện Trực Ninh dương tính với vi rút tả.

Nam Định chi 150 tỷ đồng hỗ trợ các hộ bị dịch tả lợn châu Phi

Nam Định chi 150 tỷ đồng hỗ trợ các hộ bị dịch tả lợn châu Phi
Xử lý dịch tả lợn châu Phi ở Nam Định. Ảnh: Dân Trí & TTXVN

Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam định gửi yêu cầu xét nghiệm virus gây dịch tả lợn Châu Phi đến Chi cục Thú y Vùng I bằng mẫu bệnh phẩm của lợn tại xóm 9 xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Tiến hành xét nghiệm trên 5 mẫu bệnh phẩm của lợn (1 mẫu phủ tạng và 4 mẫu huyết thanh) bằng phương pháp Realtime PCR, kết quả cho thấy 4/5 mẫu dương tính với dịch tả lợn Châu Phi. Kết quả xét nghiệm này xác nhận Nam Định là tỉnh thứ 13 đã bị dịch tả lợn Châu Phi. Ngay sau khi có kết quả, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nam Định đã phối hợp với xã Trực Thắng, tiêu hủy đàn lợn 80 con của gia đình ông Phạm Văn Kiên xóm 9, xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan vào địa bàn, UBND tỉnh Nam Định đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, cơ quan chuyên môn của tỉnh tuyên truyền sâu rộng tới người dân về cách nhận biết, nguy cơ, tác hại của dịch tả lợn châu Phi… Đồng thời, hướng dẫn người dân nắm vững các biện pháp phòng, chống dịch và cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh động vật.

Tỉnh Nam Định đã thành lập một đội kiểm dịch động vật lưu động liên ngành của tỉnh và bốn chốt kiểm dịch động vật liên ngành đóng tại quốc lộ 10 (thành phố Nam Định); trạm thu phí Mỹ Lộc (huyện Mỹ Lộc); khu vực gần chân cầu Non Nước - quốc lộ 10 (huyện Ý Yên) và bến phà Sa Cao (huyện Xuân Trường).

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu các chốt kiểm dịch hoạt động 24/24 giờ từ ngày 5/3 đến khi có thông báo dừng hoạt động. Các chốt có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông; phun thuốc khử trùng cho các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định phòng, chống dịch của pháp luật

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN