Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:22
RSS

Mỹ không thể bảo vệ chiến hạm Đức trước Houthi

Thứ năm, 31/10/2024, 10:41 (GMT+7)

Là lực lượng Hải quân hàng đầu NATO nhưng để tránh bị Houthi tấn công, chiến hạm Đức đã thực hiện chuyến hải trình về cảng dài gấp nhiều lần.

Chiến hạm Baden-Wurttemberg của Đức.

Theo tờ Der Spiegel, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã ra lệnh cho tàu khu trục Baden-Wurttemberg và tàu tiếp tế phụ trợ Frankfurt-am-Main của Hải quân Đức thực hiện chặng đường dài trở về Đức sau khi kết thúc nhiệm vụ triển khai ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Pistorius đã ra lệnh cho các tàu - mới cập cảng Goa, Ấn Độ - tránh Biển Đỏ do Houthi kiểm soát, thay vào đó ​​sẽ đi về phía tây nam qua Ấn Độ Dương, vòng qua Nam Phi qua Mũi Hảo Vọng trước khi đi về phía bắc lên bờ biển phía tây của Châu Phi.

Bộ Quốc phòng Đức được cho là đã tranh luận về việc liệu tuyến đường qua Biển Đỏ có hợp lý hay không, nhưng "cuối cùng, sự hoài nghi đã thắng thế", với "yếu tố quyết định" là "tình hình an ninh ở Biển Đỏ đã xấu đi đáng kể".

Các đồng minh của Đức tham gia vào chiến dịch 'Người bảo vệ thịnh vượng' ở vùng biển chiến lược này được cho là đã nói rõ với Berlin rằng "hiện tại không thể bảo vệ hộ tống tàu Đức".

Tờ Spiegel cho biết nguy cơ leo thang xung đột giữa Iran và Israel cũng tác động đến quyết định của ông Pistorius, đồng thời trích dẫn quyết tâm của Houthi đối với Trục kháng chiến, và thói quen tấn công các tàu Israel, Mỹ hoặc liên quan đến hai nước này của Houthi sau các cuộc tấn công vừa qua bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào Israel.

Hãng truyền thông này cũng trích dẫn những cảnh báo gần đây của Chuẩn Đô đốc Hy Lạp Vasileios Gryparis, chỉ huy phụ trách nhiệm vụ an ninh Biển Đỏ của Liên minh châu Âu trong Chiến dịch Aspides, rằng Houthi "liên tục điều chỉnh chiến thuật" và đã "mở rộng phạm vi tấn công vào Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương".

Đô đốc Gryparis cho biết liên minh đang rất cần thêm tàu ​​chiến để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Chiến dịch Aspides ít mang tính chiến đấu hơn nhiều so với Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng' song song do Mỹ-Anh dẫn đầu, chỉ bắn hạ một số ít thiết bị không người lái trên không và trên biển của Houthi bằng cách sử dụng tàu khu trục, hai khinh hạm và một tàu hỗ trợ chung duy nhất được cung cấp cho chiến dịch.

Để so sánh, các hoạt động của Houthi chống lại liên minh do Mỹ dẫn đầu đã dẫn đến việc phá hủy gần một chục máy bay không người lái Reaper và gần như đã đánh trúng trực tiếp vào hai tàu chiến Mỹ, bao gồm cả siêu tàu sân bay Hoa Kỳ USS Dwight D. Eisenhower, trong các hoạt động chiến đấu trong năm qua.

Không giống như nhiệm vụ của Mỹ-Anh, Chiến dịch Aspides không bao gồm các cuộc ném bom vào các địa điểm do Houthi kiểm soát bên trong Yemen.

Quyết định của Hải quân Đức được đưa ra trong bối cảnh các nhà quan sát phương Tây ngày càng lo ngại rằng cuộc xung đột ở Trung Đông do chiến tranh Gaza gây ra càng kéo dài thì lực lượng Houthi sẽ càng củng cố sức mạnh với những vũ khí mới nguy hiểm hơn, cùng với đó là những giai đoạn leo thang mới.

Tuần này, tổ chức nghiên cứu an ninh Stimson Center có trụ sở tại Washington, DC đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng khu vực càng kéo dài thì mối đe dọa từ việc Houthi khai thác các tuyến đường tiếp cận Biển Đỏ càng lớn và biến cuộc xung đột thành một cuộc chiến tranh giành các tuyến đường thương mại quan trọng giống như Chiến tranh Iran-Iraq.

Trong khi đó, tờ Wall Street Journal hôm 30 tháng 10 đã ca ngợi sự chuyển mình của lực lượng dân quân từ một nhóm bị coi là "phiến quân" thành "lực lượng dân quân có thể tạo ra mối đe dọa toàn cầu", "gây khó khăn cho hoạt động thương mại và làm tăng chi phí vận chuyển".

Chuyên gia tại Viện Chính sách Trung Cận Đông của Washington nói với báo Mỹ rằng: "Houthi đã chuyển mình từ những chiến binh đi dép thành những ngôi sao nhạc rock và là những người mà bạn nên kết giao ngay bây giờ".

Tiến Thành
Theo Giáo dục & Thời đại