Daniela Cavallo, Chủ tịch công đoàn Volkswagen (áo đỏ) tuyên bố trước những nhân viên nhà máy ở Wolfsburg, Đức.
Reuters dẫn lời người đứng đầu công đoàn của Volkswagen cho biết, công ty nổi tiếng bậc nhất thế giới đang bước vào giai đoạn khủng hoảng thực sự.
Theo đó, Volkswagen đang có kế hoạch đóng cửa ít nhất 3 nhà máy ở Đức, sa thải hàng chục nghìn nhân viên và thu hẹp các nhà máy còn lại tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Công ty lâu đời của Đức đang có kế hoạch cải tổ sâu hơn dự kiến.
Volkswagen đã đàm phán với các công đoàn về kế hoạch cải tổ hoạt động kinh doanh và cắt giảm chi phí. Việc này bao gồm cả việc cân nhắc đóng cửa nhà máy trong nước lần đầu tiên, đây là đòn giáng mạnh vào sức mạnh công nghiệp của Đức.
Volkswagen tái khẳng định vào thứ Hai rằng việc tái cấu trúc là cần thiết và cho biết sẽ đưa ra những đề xuất cụ thể vào giữa tuần.
Daniela Cavallo, Chủ tịch công đoàn Volkswagen cảnh báo đây là điều sẽ xảy ra và là vấn đề nghiêm túc của công ty trong thời điểm này.
"Ban quản lý hoàn toàn nghiêm túc về tất cả những điều này. Đây không phải là hành động đe dọa trong vòng đàm phán tập thể" - bà Daniela Cavallo tuyên bố với các công nhân tại nhà máy lớn nhất của Volkswagen tại Wolfsburg.
Bà Cavallo nói thêm: "Đây là kế hoạch của tập đoàn công nghiệp lớn nhất nước Đức nhằm bắt đầu bán tháo tại quê nhà."
Tuy nhiên, bà Cavallo không nêu rõ nhà máy nào sẽ bị ảnh hưởng hoặc bao nhiêu trong số 300.000 nhân viên của Tập đoàn Volkswagen tại Đức có thể bị sa thải. Bà đồng thời đe dọa sẽ chấm dứt các cuộc đàm phán.
Hàng ngàn người đã tụ tập tại Wolfsburg, nơi công ty đặt trụ sở chính trong gần 9 thập kỷ. Họ thổi kèn và huýt sáo, khăng khăng không một nhà máy nào được đóng cửa.
Tuyên bố của bà Cavallo đánh dấu sự leo thang lớn trong xung đột giữa công nhân và ban quản lý Volkswagen, khi công ty phải đối mặt với áp lực lớn từ chi phí năng lượng và lao động cao, sự cạnh tranh gay gắt từ châu Á, nhu cầu suy yếu ở châu Âu và Trung Quốc và quá trình chuyển đổi sang điện chậm hơn dự kiến.
Động thái của Volkswagen cũng gây thêm áp lực lên chính phủ Đức để hành động nhằm phục hồi nền kinh tế, vốn có vẻ sẽ suy thoái năm thứ hai liên tiếp khi liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng.
Bà Cavallo cho biết Berlin cần phải khẩn trương đưa ra một kế hoạch tổng thể cho ngành công nghiệp Đức để đảm bảo ngành này không "bị phá sản".
Thành viên hội đồng quản trị Tập đoàn Volkswagen Gunnar Kilian cho hay: "Tình hình rất nghiêm trọng và trách nhiệm của các đối tác đàm phán là rất lớn... Nếu không có các biện pháp toàn diện để lấy lại sức cạnh tranh, chúng tôi sẽ không đủ khả năng chi trả cho các khoản đầu tư thiết yếu trong tương lai."
Thomas Schaefer, người đứng đầu bộ phận thương hiệu Volkswagen, cho biết các nhà máy ở Đức không đủ năng suất và hoạt động với chi phí cao hơn 25-50% so với mục tiêu, nghĩa là một số địa điểm đắt gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh.
Daniel Schwarz, một nhà phân tích tại Stifel nhận định: "Các kế hoạch này vượt xa kỳ vọng của thị trường. Tôi tin rằng điều này phản ánh sự kết hợp độc đáo của các yếu tố bất lợi: cạnh tranh ở Trung Quốc, nhu cầu giảm ở châu Âu, đặc biệt là đối với BEV (xe điện chạy bằng pin), quy định chặt chẽ hơn".
Các công đoàn có ảnh hưởng rất lớn tại Volkswagen. Tại công ty này, đại diện lao động nắm giữ một nửa số ghế trong ban giám sát và về lý thuyết, có quyền hợp pháp tổ chức đình công từ ngày 1 tháng 12 như một công cụ để leo thang xung đột hơn nữa.
Tình hình của Volkswagen phản ánh xu hướng chung trong nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, khi sự thống trị của hãng đang bị thách thức bởi các đối thủ nhanh nhẹn và rẻ hơn trong nhiều lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả ngành công nghiệp ô tô - xương sống công nghiệp của hãng.
Ông Schwarz cho biết các cuộc đình công vốn được đe dọa vào đầu tháng 12 hiện có khả năng diễn ra.