Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:05
RSS

Mức độ nguy hiểm khi trẻ em bị xâm hại trên không gian mạng

Thứ hai, 25/01/2021, 06:45 (GMT+7)

Với sự bùng nổ của internet, việc trẻ em sớm tiếp cận với không gian mạng đã hỗ trợ tích cực cho trẻ em trong việc học tập, giải trí. Tuy nhiên, đây cũng là "cái bẫy" ẩn chứa nhiều nguy cơ, hiểm họa rất khó lường, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.

Nhiều trẻ em có nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng xã hội

Mối nguy hại thường trực

Mới đây, đại diện tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng lên tiếng cảnh báo về việc hàng triệu trẻ em có nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19.

6 tháng vừa qua, để đối phó dịch bệnh, nhiều biện pháp cấp bách đã được thực hiện như giãn cách xã hội, hạn chế tập trung nơi đông  người… Với nhóm đối tượng là trẻ em, để thích nghi với hoàn cảnh mới, việc dạy và học trực tuyến (online) được thực hiện tại nhiều địa phương. Ðồng thời do không có điều kiện ra ngoài, giao lưu, nhiều học sinh đã dành khá nhiều thời gian cho mạng xã hội. 

Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức We are the Social Media cho thấy, Việt Nam đứng thứ 22 toàn cầu về số lượng người sử dụng mạng xã hội và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và Youtube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tin, ảnh và clip xấu độc ảnh hưởng đến trẻ em.

Một số đối tượng xấu đã lợi dụng tình hình này để thâm nhập, quấy phá các phòng học trực tuyến, ăn cắp địa chỉ, thông tin liên lạc của người sử dụng nhằm thực hiện các mục đích đen tối khác như: gửi các đường link có nội dung xấu độc, dụ dỗ, mời gọi trẻ tham gia các trò chơi trực tuyến…

Với bản tính tò mò, đã có không ít trẻ em từ 10 đến 18 tuổi đã nhấp vào các đường link do những đối tượng này gửi đến và tham gia các trò chơi trên mạng. Nguy hiểm hơn, các em còn bị dụ dỗ chụp ảnh nhạy cảm, dọa tung lên mạng; hay bị xâm hại tình dục khi đến phỏng vấn từ kết quả tìm việc làm trên mạng... Việc này không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ mà còn khiến một số em bị kẻ xấu lợi dụng, uy hiếp, thậm chí bị quấy rối và xâm hại tình dục qua mạng. 

Những việc cần làm ngay

Điều đáng buồn là mặc dù Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan quy định rất rõ về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet nhưng đến nay, nhận thức, hiểu biết của cộng đồng nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng về vấn đề này còn nhiều  hạn chế, dẫn tới chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ con em mình trước những mối  nguy từ không gian mạng.

Hiện nay, thực trạng trẻ em bị xâm hại trên không gian mạng rất đáng báo động, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ðể kịp thời đối phó với tình trạng nêu trên, Cục An toàn thông tin  - Bộ TT&TT và Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ký kết kế hoạch phối hợp về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng với các nội dung đáng  chú ý như: Triển khai việc nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng công cụ, phương tiện để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, giáo dục tích cực trên môi trường mạng; nâng cao hiểu biết cho trẻ em về kiến thức, kỹ năng sử  dụng mạng bổ ích, an toàn, kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng... Ðây là việc làm cần thiết, kịp thời của các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, không gian mạng không chỉ có máy tính, điện thoại thông minh mà còn cả tivi thông minh. Ông Lâm nhấn mạnh vai trò truyền thông, nâng cao kỹ năng cho các bậc phụ huynh để bảo vệ trẻ em và đến lúc nào đó trẻ em tự bảo vệ mình. Bởi việc ngăn chặn trẻ em tham gia không gian mạng là hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin của trẻ. Nếu cha mẹ, thầy cô không dẫn dắt trẻ thì đi đúng hướng thì vô số đối tượng trên thế giới ảo sẽ dẫn dụ các em vào những con đường mà chúng ta không lường được.

Tuy nhiên, việc bảo vệ trẻ em sẽ chỉ thật sự phát huy hiệu quả nếu có sự hợp tác, hỗ trợ chặt chẽ giữa phụ huynh học sinh, nhà trường và xã hội. Những biện pháp cần làm ngay đó là:

Thứ nhất, các em cần được trang bị các kiến thức về sử dụng internet an toàn giúp các em tự bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó là trang bị kiến thức cho các bậc phụ huynh để hiểu, quan tâm giáo dục, dành sự quan tâm thỏa đáng để hướng dẫn con sử dụng  mạng an toàn và hướng cho con trở thành một công dân có trách nhiệm khi sử dụng  mạng xã hội; cần có biện pháp giám sát hiệu quả đối với việc sử dụng mạng của  con em mình. Quan trọng hơn cả, mỗi gia đình phải là pháo đài vững chắc để bảo  vệ con em khỏi những tác động tiêu cực từ mạng internet, thường xuyên gần gũi,  nắm bắt tâm tư tình cảm của con, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường  để có những biện pháp xử lý phù hợp.

Thứ hai,việc liên hệ giữa gia đình và nhà trường cần thường xuyên liên tục. Sử dụng Internet là nhu cầu tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa. Vì thế, các phụ huynh, thầy cô giáo cần đồng hành với học sinh và con em mình trong việc sử dụng internet. Từ đó, giúp bảo vệ được các em trên môi trường mạng và giúp trẻ có nhận thức đúng đắn, sử dụng nó một cách thiết thực cho học tập và cuộc sống.  

Thứ ba, cộng đồng xã hội cần phát huy trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em trên mạng internet, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu của tội phạm.

Thứ tư, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện sớm  các vụ việc; bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ  khi tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; có các giải pháp hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không phải là việc cấm hay hạn chế các em kết nối mạng internet mà cần có giải pháp hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, nhận biết và ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây hại. Với sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội sẽ hình thành mạng lưới vững chắc, an toàn giúp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng một cách hiệu quả.

Tín hiệu đáng mừng, mới đây, Chương trình môn giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông đã được ban hành kèm Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 11/1/2021. Theo đó, thông tư được áp dụng đối với các trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp trung học phổ thông và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Những nội dung trên được thiết kế đưa vào nhiều môn học, nhiều nhất là môn tin học. Môn giáo dục quốc phòng và an ninh chỉ có hai tiết về an ninh mạng nhưng sẽ tập trung vào việc phổ biến các quy định liên quan tới bảo đảm an toàn khi sử dụng thiết bị số. Đây là những nội dung rất quan trọng và cần thiết đối với học sinh trong bối cảnh bắt buộc tiếp nhận nhiều sự đe dọa từ không gian mạng.

Trẻ em hiện đã trở thành công dân số trong giai đoạn công nghệ số. Các em sống trên môi trường mạng nhiều giờ mỗi ngày, vì vậy cần có môi trường lành mạnh. Thực tế,  Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã có; tuy nhiên, đòi hỏi gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng phải hành động, phối hợp chặt chẽ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực thì các em mới được bảo vệ an toàn trên môi trường mạng.

An Chi
Theo Đại đoàn Kết