Thứ năm, 28/03/2024 | 16:50
RSS

7 trường ĐH được dùng chung kết quả đánh giá tư duy để tuyển sinh

Thứ sáu, 22/01/2021, 14:26 (GMT+7)

7 trường đại học kỹ thuật, gồm 1 trường ở TP.HCM, 1 trường ở Đà Nẵng và 5 trường ở Hà Nội sẽ ký biên bản hợp tác toàn diện, trong đó có hợp tác về tuyển sinh đại học.

Theo Thanh Niên, sáng 22/1, tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội, 7 trường đại gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Giao thông vận tải, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Thủy lợi và ĐH Xây dựng, ký kết biên bản hợp tác toàn diện về tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức hội nghị, hội thảo, truyền thông.

Nội dung biên bản ký kết là các trường sẽ hợp tác toàn diện về hoạt động tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức hội nghị, hội thảo, phát triển hợp tác quốc tế, truyền thông nhằm hỗ trợ và nâng cao hiệu quả thực hiện sứ mệnh và chiến lược phát triển của mỗi trường.

Trong tuyển sinh, 7 trường sẽ phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp và xây dựng nhóm tuyển sinh, sử dụng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy, tiến tới cùng phối hợp tổ chức.

Được biết, kỳ thi đánh giá tư duy là kỳ thi riêng do Trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, kết quả kỳ thi được trường này sử dụng làm căn cứ xét tuyển sinh đại học Năm 2021, Trường đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến lấy đến 2.800 chỉ tiêu đại học căn cứ vào kết quả kỳ thi riêng này.

 Ảnh minh họa

Trong đào tạo, các bên chia sẻ kinh nghiệm và cùng hợp tác trong việc xây dựng chương trình đào tạo bậc đại học, chương trình đào tạo kỹ sư (mới) theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp, bậc thạc sĩ. Đồng thời, các trường xây dựng mô hình đồng hướng dẫn sinh viên/học viên cao học/nghiên cứu sinh trong các đề tài/luận văn/luận án tốt nghiệp.

Đặc biệt, các trường thống nhất xây dựng các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, hình thành các công ty start-up, spin-off chung trên cơ sở các hợp tác nghiên cứu đạt được. Các trường thống nhất cùng phối hợp để ứng dụng mạnh mẽ chuyển đối số trong quản trị, giảng dạy, nghiên cứu…

Các trường sẽ thành lập tiểu ban hỗn hợp có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất, điều phối triển khai các vấn đề hợp tác. Hàng năm, 7 trường sẽ xác định các vấn đề hợp tác cụ thể để triển khai và chỉ định các đơn vị đầu mối để phối hợp thực hiện. Kết quả triển khai hợp tác sẽ được sơ kết và báo cáo định kỳ vào quý IV hàng năm

Tại buổi lễ ký kết, thông tin trên Zing, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đánh giá cao sáng kiến hợp tác của 7 trường. Ông cho rằng trước nay, phần lớn các trường chú trọng hợp tác quốc tế mà bỏ quên mất một hướng đi không kém quan trọng đó là hợp tác trong nước.

"Cá nhân tôi kỳ vọng sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho các trường tham gia mà còn tạo ra động lực phát triển cho toàn khối trường kỹ thuật và cả hệ thống giáo dục đại học. Ví dụ, trong thời gian tới, 7 trường tiên phong tham gia xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các bậc cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ cho các ngành thuộc khối thuật", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Trước đó, ngày 27/6/ 2020, 7 trường trong nhóm đã cùng tham gia ký kết công bố chung về định hướng phát triển chương trình đào tạo kỹ sư. Đây được xem là bước đi đầu tiên của hướng đi tiên phong nhằm nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo. Việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho các chương trình đào tạo kỹ sư được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội và nâng tầm Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

H.H (TH)
Theo Giáo dục & Thời đại