Thứ sáu, 29/03/2024 | 19:05
RSS

Chọn sách giáo khoa năm học 2021-2022: Giáo viên cần lên tiếng

Thứ ba, 19/01/2021, 14:50 (GMT+7)

Theo Thông tư 25, Sở GDĐT phải thông báo danh mục sách giáo khoa (SGK) được phê duyệt đến các cơ sở giáo dục phổ thông chậm nhất 5 tháng trước thời điểm bắt đầu năm học mới. Như vậy, chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là giáo viên phải biết chính xác hình hài cuốn SGK năm nay sẽ dạy. Liệu có kịp?

Việc chọn SGK cần được các cơ sở giáo dục đặc biệt là đội ngũ giáo viên quan tâm.

Rục rịch chọn sách

Thời điểm này nhiều địa phương đã bắt đầu khởi động việc chọn SGK năm học 2021-2022. Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh này đã ban hành các tiêu chí lựa chọn SGK theo Thông tư 25 là: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Cụ thể, cấu trúc SGK phải có tính mở, tạo điều kiện để địa phương, nhà trường chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục 2 buổi/ngày.

Nội dung SGK bảo đảm tính kế thừa ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương; giúp nhà trường, giáo viên tự chủ, sáng tạo trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục.

Chất lượng SGK phải bảo đảm sử dụng lâu dài nhằm tiết kiệm kinh phí cho nhà trường và phụ huynh học sinh. SGK phải được trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, bảo đảm tính khoa học, chính xác…

Trong khi đó, Sở GDĐT TPHCM vừa có văn bản gửi phòng GDĐT các quận huyện, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông hướng dẫn lựa chọn SGK năm học 2021-2022. Theo đó, các trường tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh nghiên cứu Kỹ thông tư số 32 của Bộ GDĐT, các clip thông tin, Thông tư 25, các văn bản và tiêu chí lựa chọn SGK của UBND TP; SGK lớp 1, 2 và 6 được các nhà xuất bản cung cấp theo danh mục của bộ phê duyệt... để lấy ý kiến giáo viên; chuẩn bị ý kiến cá nhân để thảo luận trong cuộc họp lựa chọn SGK của trường.

Sở GDĐT Sơn La cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Sở, phòng GDĐT các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch lựa chọn, phát hành SGK lớp 2, lớp 6 tại các cơ sở giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 đảm bảo tiến độ, thời gian và các yêu cầu quy định; thực hiện tốt công tác tập huấn sử dụng SGK lớp 2, lớp 6 cho giáo viên kịp thời, thiết thực, hiệu quả.

Thành lập tổ công tác thực hiện kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các cơ sở giáo dục thực hiện nghiên cứu, đề xuất các SGK lớp 2, lớp 6 dùng trong năm học 2021-2022.

Tổ chức học tập, quán triệt các văn bản chỉ đạo về thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh trong các trường phổ thông và phổ biến thông tin đầy đủ đến cha mẹ học sinh…

Như vậy, ngoài các tiêu chí chung Bộ GDĐT đã quy định, mỗi địa phương lại có thêm những tiêu chí cụ thể trong việc lựa chọn SGK cho năm học sắp tới. Mỗi nơi mỗi khác nhưng tựu trung lại vẫn cần đảm bảo những yêu cầu cơ bản nhất để làm sao có được bộ sách phù hợp nhất với địa phương, con cháu mình.

Giáo viên cần chủ động

Từ kinh nghiệm của việc chọn SGK năm học 2020-2021, nhiều chuyên gia đề xuất cần có những phương án cụ thể để việc chọn sách đạt hiệu quả tốt nhất. Trong đó, quan trọng nhất là việc gắn trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng chọn sách đối với việc lựa chọn cuốn sách nào đưa vào dạy và học trong nhà trường. Phải chịu trách nhiệm đến cùng với cuốn sách mà mình bỏ phiếu lựa chọn bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn học sinh của địa phương đó không chỉ trong năm học này mà còn có thể là nhiều năm sau, bởi giáo dục là một quá trình chứ không thể chỉ là giai đoạn.

Thứ hai, cùng với trách nhiệm thì vấn đề quyền lợi cũng phải song hành. Bởi thực tế, thành phần Hội đồng chọn SGK đều là những người đang công tác trong lĩnh vực giáo dục hoặc có liên quan và kiêm nhiệm thêm các công việc khác nên có thể không dành nhiều thời gian như mong muốn cho công việc này. Từ đó, dẫn tới việc chọn vội, chọn theo cảm tính, thậm chí chọn sách vì mối quan hệ cá nhân… Điều này rất nguy hiểm.

Một thực tế là năm học vừa qua, khi có những phát hiện về “sạn” trong SGK tiếng Việt lớp 1, nhiều người đã thắc mắc và đặt câu hỏi rằng tại sao không thấy giáo viên lên tiếng? Và vì sao những hạt “sạn” được vạch ra chủ yếu nhờ dư luận chứ không phải từ giáo viên (những người đã bình chọn sách và đang trực tiếp giảng dạy chương trình lớp 1)? Phải chăng việc nghiên cứu sách chưa kỹ, chưa thấu đáo nên không phát hiện lỗi sai? Hay vấn đề năng lực, thời gian chưa cho phép? Tất cả những câu hỏi, băn khoăn này cần được giải đáp và có biện pháp ngăn chặn để không lặp lại vết xe đổ của năm học này.

Việc chọn SGK được xem là cơ hội cũng như trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đặc biệt là vai trò của đội ngũ giáo viên. Phải làm sao phát huy được quyền chủ động của giáo viên trong việc chọn sách bởi rồi đây, chính họ sẽ là những người sử dụng nhiều nhất cuốn SGK đó nên khi có cơ hội nêu ý kiến, hãy mạnh dạn đề xuất. Đừng để bị áp đặt rồi thấy không phù hợp mới lên tiếng thì có thể đã không thể thay đổi được!

Lâm An
Theo Đại đoàn Kết