Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:32
RSS

Chọn sách giáo khoa năm học 2021-2022: Chuẩn bị sớm để tránh sai sót

Thứ hai, 18/01/2021, 07:11 (GMT+7)

Ở năm thứ hai triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, một điểm khác biệt lớn so với năm học này là UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc chọn SGK thay vì các trường chọn.

Vẫn khó khi chọn sách giáo khoa. Ảnh: Phạm Quang Vinh. 

Việc chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông của năm học 2021-2022 thực hiện theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT với quy định cụ thể: Hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK. Như vậy, từ năm học 2021-2022, việc lựa chọn SGK sẽ do UBND cấp tỉnh thực hiện.

Mỗi môn học của một cấp học thành lập một hội đồng lựa chọn SGK. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 số thành viên là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó. Người đã tham gia biên soạn, chỉ đạo biên soạn, thẩm định, xuất bản, in SGK thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt không được tham gia hội đồng.

Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT nêu rõ quy trình lựa chọn SGK được triển khai theo bốn bước: Cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn SGK; phòng GDĐT tổng hợp, báo cáo sở GDĐT danh mục SGK được các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự SGK có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp; sở GDĐT lựa chọn phải đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn.

UBND cấp tỉnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục SGK được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông; chỉ đạo sở GDĐT thông báo danh mục SGK được phê duyệt đến các cơ sở giáo dục phổ thông chậm nhất 5 tháng trước thời điểm bắt đầu năm học mới.

Theo lộ trình của Bộ, năm học 2021-2022 sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 2 và lớp 6. Cùng với lớp 1 đã triển khai từ năm học này, mỗi tỉnh sẽ lựa chọn sách của 3 khối lớp này để triển khai dạy và học trong nhà trường.

Nhưng trên thực tế, ngoài SGK lớp 1 đã có hoàn chỉnh, SGK lớp 2 và lớp 6 đến nay vẫn mới dừng lại ở dạng bản mẫu được các nhà xuất bản đưa lên website để nhận góp ý từ giáo viên, nhà trường, phụ huynh và những người quan tâm.

Được biết, để bảo đảm chất lượng SGK biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời giúp cho giáo viên được sớm tiếp cận với các bản mẫu SGK, theo chỉ đạo của Bộ GDĐT, nhiều địa phương đã đề nghị sở, phòng GDĐT tổ chức cho giáo viên tham gia góp ý các bản mẫu SGK lớp 2, lớp 6…

Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, ở một số nơi, chỉ những giáo viên đã được cấp tài khoản mới thực hiện góp ý các bản mẫu này còn những cá nhân khác, nếu có ý kiến có thể gửi góp ý về nhà xuất bản theo địa chỉ hòm thư điện tử đã được công bố. Câu hỏi đặt ra là việc tiếp nhận những góp ý này của các nhóm biên soạn sẽ như thế nào?

Tới đây, các địa phương bắt đầu quá trình chọn SGK, rất cần sự vào cuộc không chỉ của giáo viên, nhà trường mà cả các bậc phụ huynh. Bởi càng có nhiều sự quan tâm, vào cuộc góp ý và giám sát của nhân dân thì càng có khả năng chọn được bộ sách, những cuốn sách phù hợp với học sinh trên địa bàn đó.

Một vấn đề đặt ra nữa là, năm học này, mỗi trường có thể chọn một bộ hoặc những cuốn sách khác nhau trong các bộ sách đã/sẽ được Bộ GDĐT phê duyệt. Khi UBND tỉnh chọn sách, liệu có phải tất cả các nhà trường đều học sách giống nhau? Khu vực thành thị và ngoại thành, miền núi liệu có chung một đầu sách cho một môn học?

Đây cũng là băn khoăn của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT bởi ngay thủ đô Hà Nội giữa khu vực trung tâm và huyện Ba Vì cũng có những đặc điểm rất khác nhau, trình độ mặt bằng chung của học sinh cũng có thể có sự chênh lệch rồi điều kiện cơ sở vật chất,… Vì vậy, việc lựa chọn SGK cho từng vùng sẽ dựa trên các tiêu chí, điều kiện nào? Có căn cứ trên ý kiến góp ý tổng hợp từ các nhà trường, đến phòng GDĐT từng khu vực?

Ở khía cạnh khác, một chuyên gia cũng đặt câu hỏi là với việc lựa chọn mới, các trường đang dạy SGK lớp 1 này, năm học sau sẽ vẫn giữ nguyên hay thay đổi theo lựa chọn của tỉnh? Nếu thay đổi, nghĩa là làm quen lại từ đầu thì công tác tập huấn, hướng dẫn cũng cần triển khai sớm để thầy cô chủ động được bài giảng.

Và sách lớp 2 có nối tiếp sách lớp 1 học sinh trường đó đang học hay thay đổi sang bộ khác thì sự liên kết, tiếp nối sẽ ra sao? Nhiều băn khoăn đang được đặt ra đối với công tác chọn sách cho năm học 2021-2022.

Thu Hương
Theo Đại đoàn Kết