“Ban đầu em cũng hơi… sốc”
Thời gian gần đây, trên một số trang mạng xã hội đặc biệt là diễn đàn liên quan đến giáo dục đăng tải các status “bóc phốt” một nữ giáo viên dạy Văn tại Hà Nội “tận thu” tiền phạt của học sinh. Theo đó, đối với mỗi học sinh vi phạm nội quy của lớp học như không làm bài tập, không học bài, đi muộn, nghỉ học không có lý do… sẽ phải nộp 50.000 đồng/lần phạt.
Các status đi kèm với những bức ảnh chụp tin nhắn thu tiền phạt vi phạm nội quy của học sinh nhanh chóng lan ra, thu hút được rất nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là lên án gay gắt việc phạt tiền đối với học sinh của nữ giáo viên dạy Văn.
Không mất quá nhiều thời gian, nữ giáo viên bị “tố” tận thu tiền phạt được xác định là cô giáo Thanh Hoài Thanh. Theo tìm hiểu của phóng viên, cô giáo Hoài Thanh hiện được đánh giá là một trong những giáo viên luyện thi đại học môn Ngữ Văn hàng đầu tại Hà Nội. Nhiều học sinh cho biết, hàng năm, cô đào tạo ra hàng trăm học sinh với thành tích “khủng” mỗi kỳ thi đại học.
Xác tín những thông tin gây xôn xao, phóng viên đã độc lập tìm hiểu từ chính các học sinh, phụ huynh đang theo học tại lớp học của cô giáo Hoài Thanh. Học sinh Vũ Bảo Ngọc tâm sự: “Ban đầu em cũng hơi “sốc” khi nghe về quy định phạt tiền khi vi phạm nội quy. Bởi là học sinh, ai cũng có lúc lười biếng không học bài, không làm bài tập. Nhưng rồi từng ngày, nhờ có quy định phạt mà em đã thay đổi bản thân theo hướng tích cực. Mỗi khi làm bất cứ công việc gì, em luôn quan niệm phải cố gắng hơn một chút, cố hơn một chút nữa để hoàn thành. “Chế tài mạnh” giúp em tự giác hơn, tự lập hơn không chỉ trong học tập mà cả trong sinh hoạt hàng ngày”.
Theo Bảo Ngọc, quy chế phạt này đề cao kỷ luật lớp học nhưng cũng đầy tính nhân văn. Khi học sinh có lỡ không học bài, không làm bài tập vì lý do nào đó, nộp phạt cũng rất vui vẻ. Bởi các em biết, số tiền phạt đó sẽ được dành cho nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn và cho đồng bào lũ lụt.
Bạn Mai Thùy Linh, một học sinh đang theo học tại cụm lớp, cho biết, quy chế này được áp dụng từ nhiều khóa trước và các phụ huynh, học sinh đều hết sức ủng hộ. Linh nói: “Em cũng từng đi học thử ở một vài điểm luyện thi ở Hà Nội. Ở đó, họ chỉ hướng đến việc dạy học hết ca thu tiền là xong, không quan tâm đến học sinh lên lớp học được những gì, về nhà đã làm gì. Chính vì thế, đến với THT, em đồng ý việc cô giáo áp dụng nội quy để các bạn có tính kỷ luật, tự giác cao hơn. Quá trình học tập ở đây em thấy cô Thanh thật sự tận tâm, vì học trò và luôn giúp đỡ các bạn học sinh khó khăn. Khi biết số tiền nộp phạt nội quy được sử dụng vào mục đích nhân văn như vậy, em nghĩ tất cả mọi người đều cảm thấy nó vô cùng ý nghĩa”.
“Việc đưa ra quy định khắt khe như vậy, em vẫn biết là cô không chỉ truyền tải kiến thức mà còn dạy chúng em về tính tự giác, tự lập”, Thùy Linh nói.
Không chỉ nhận được sự đồng tình từ phía học sinh mà quy chế nội bộ của THT còn nhận được sự ủng hộ từ phía các bậc phụ huynh. Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Lan Hương, phụ huynh bạn Xuân Thanh cho rằng, đây là nội quy rất nghiêm khắc nhưng vô cùng nhân văn.
Chị Hương nói rằng chị hoàn toàn đồng ý với việc cô giáo áp dụng chế tài thưởng, phạt khi các con có thành tích xuất sắc hoặc vi phạm nội quy của lớp. Có thưởng có phạt thì các con sẽ có ý thức hơn, động lực hơn để làm tốt nhiệm vụ học tập của mình. Và, kết quả học tập của các con đã nói lên rằng cách dạy của cô, chế tài của cô là vô cùng hiệu quả. Và hơn hết, các phụ huynh biết rằng những đồng tiền phạt này được cô Hoài Thanh sử dụng vào mục đích nhân văn.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Hồng Hà, phụ huynh của một học sinh đang học tại THT chia sẻ, mỗi lớp học đều phải có nội quy. Nội quy này là do giáo viên đưa ra để hướng học sinh đến việc học tốt hơn. Trước khi vào lớp, cô Hoài Thanh cũng đã chia sẻ với phụ huynh về nội quy này. Đặc biệt, điều ý nghĩa là số tiền phạt này lại được dành để giúp đỡ các bạn học sinh khó khăn, đồng bào lũ lụt.
Với cô Hoài Thanh, hình phạt cũng là một trong nhiều phương pháp giáo dục giúp rèn rũa học trò. Và chính “thiết quân luật” là một phần quan trọng để hằng năm, chất lượng đầu ra của lớp văn THT luôn đạt 90% số lượng học sinh đạt điểm từ khá tới giỏi trong các kì thi đại học.
“Thiết quân luật” mới đủ sức “răn đe”
Sau nhiều lần liên hệ, phải rất khó khăn chúng tôi mới nhận được cái gật đầu đồng ý mời đến lớp học của cô Thanh Hoài Thanh. Bởi với nữ giáo viên này, cô quan niệm chẳng cần phải “ồn ào” hay làm hình ảnh trên truyền thông để thu hút học sinh.
Cô Thanh tâm sự: “Một môi trường muốn tốt phải cần có chế tài. Chế tài đủ lớn, đủ mạnh mới có sức răn đe. Đây cũng là một trong những phương pháp giúp học sinh có trách nhiệm hơn với việc học bài, làm bài tập, từ đó chất lượng học tập của các em sẽ được tăng lên”.
Nữ giáo viên cho biết, nguồn tiền phạt của học sinh, lớp ghi lại rất rõ ràng, minh bạch với các học sinh và phụ huynh học sinh. THT sẽ dùng khoản tiền đó để ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung hay tặng thưởng cho các bạn có thành tích học tập xuất sắc.
Tại THT, cô giáo Hoài Thanh luôn khuyến khích các học sinh hoạt động thiện nguyện. Được biết, Tết Tân Sửu 2021, các học sinh của THT sẽ thiết kế, in ấn lì xì sau đó bán trên mạng xã hội và ở phố đi bộ để gây quỹ từ thiện. Trước đó, các học sinh tại THT đã đi bán trà chanh, trà Thái, các loại bánh để gây quỹ “Xoa dịu nỗi đau bão lũ” ở miền Trung.
“Tôi luôn quan niệm giáo dục đúng nghĩa là giáo dục. Các học sinh đến đây phải có được kết quả tốt nhất. Sau rất nhiều băn khoăn, trăn trở tôi mới đi đến quyết định thực hiện kết hợp văn hóa và nội quy làm sao các trò có được kết quả tốt nhất ở cái kỳ thi quyết định cuộc đời của các con. Một lớp học muốn có kết quả tốt thì không thể hiếu các nội quy và chế tài”, cô giáo Hoài Thanh nhấn mạnh.