Thứ năm, 25/04/2024 | 11:55
RSS

Lý thuyết đi đôi với thực hành

Thứ bảy, 23/01/2021, 10:02 (GMT+7)

Đưa kiến thức phòng chống thiên tai vào trường học là một trong những nội dung giáo dục không thể thiếu trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT).

Và bắt đầu từ năm 2021, việc phổ biến kiến thức khí tượng thủy văn đã được triển khai tại một số trường học ở Hà Nội

Theo đó, Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Đồng bằng Bắc Bộ (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TNMT) đã thí điểm lắp đặt Trạm quan trắc thời tiết tự động cho Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội). Ghi nhận cho thấy, sau thời gian sử dụng trạm đo vào thực hành môn Địa lý, Trạm đo thời tiết tự động đã trở thành một giáo cụ trực quan để các giáo viên giới thiệu cho học sinh cách đo đạc thu thập số liệu về khí tượng, khí hậu...

Việc lắp đặt Trạm đo khí tượng tự động trong không gian vườn Sinh - Địa của nhà trường phục vụ khai thác theo thời gian thực các số liệu thời tiết cơ bản, bao gồm: Gió, mưa, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất. Dữ liệu được truyền và lưu vào hệ thống máy chủ của đài, đồng thời, hiển thị tại chỗ trên các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng, laptop… của nhà trường.

Học sinh khối 6 có cơ hội được quan sát dụng cụ đo nhiệt độ, độ ẩm, khí áp và thực hành tính nhiệt độ trung bình/ngày, dựa vào các số liệu quan sát được để phân tích về khí hậu Việt Nam Qua đó, các em được trang bị kiến thức cần thiết để thích ứng, có kỹ năng quan sát, ứng phó, phòng tránh khi gặp thiên tai và đặc biệt, biết sống xanh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng…

 Việc hợp tác với đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ “Về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về KTTV, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu’’ đã giúp nhà trường tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong học tập bộ môn Địa lý và rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Đây là bước tiến rõ nét của nhà trường trong đẩy mạnh công tác phổ biến kiến thức về KTTV, phòng chống thiên tai.

Từ những lợi ích hợp tác đó, mới đây  Đài KTTV Đồng bằng Bắc Bộ đã lắp đặt thêm 1 điểm Trạm quan trắc thời tiết tự động tại Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Theo nhận định của các giáo viên, việc đưa kiến thức phòng, chống thiên tai trở thành một nội dung học tập trong nhà trường là cần thiết. Nhưng đi kèm với đó, cần đầu tư cho các trường giáo cụ trực quan liên quan đến KTTV để giáo viên hướng dẫn học sinh  tiếp thu kiến thức phòng chống thiên tai phù hợp với thực tiễn, tránh chỉ thiên về lý thuyết không có tác dụng bồi dưỡng kỹ năng ứng phó với tình hình biến đổi thời tiết cực đoan hiện nay…

Được biết trước đó, từ năm 2011, Bộ GDĐT đã hoàn thành 7 bộ tài liệu về phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cho tất cả các cấp học từ mầm non đến CĐ, ĐH.

Tuy nhiên, để lý thuyết theo kịp với thực tiễn, để cả giáo viên và học sinh có đủ kỹ năng để ứng phó, công tác dự báo và cảnh báo thiên tai cũng phải được các cơ quan chức năng chú trọng hơn. Đơn cử như câu chuyện lũ lụt và sạt lở đất miền Trung 2020 vừa qua, theo các chuyên gia các nhà khoa học có cảnh báo địa chất các tỉnh miền Trung, nhưng chưa đủ quyết liệt. Vì thế yêu cầu đặt ra là công tác dự báo và cảnh báo thiên tai cần sớm thay đổi.

Cùng với việc đưa kỹ năng phòng chống thiên tai vào trường học, các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý phải tham gia thật hiệu quả vào công tác chống bão lũ, vào bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân.  

Vi Cầm
Theo Đại đoàn Kết