Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa thông tin lại về mức học phí cho năm học 2022-2023 trên trang web của nhà trường. Quyết định của nhà trường được thực hiện theo Nghị quyết 165/NQ-CP của Chính phủ về việc không tăng học phí ở các cơ sở giáo dục đào tạo công lập.
Theo đó, mức học phí của năm học 2022-2023 vẫn như mức học phí của năm học 2021-2022. Sinh viên đã nộp học phí theo mức thu mới thì sẽ cấn trừ vào khoản học phí học kỳ II hoặc có thể liên hệ trường để nhận lại. Tuy nhiên, đối tượng được điều chỉnh học phí là sinh viên năm 2 trở đi, còn sinh viên năm nhất vẫn áp dụng mức học phí mới theo lộ trình do đây là lứa sinh viên đầu tiên mà trường thực hiện tự chủ.
Quyền Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM Trần Hoàng Hải vừa ký công văn về việc giữ ổn định mức học phí năm 2022-2023 như năm 2021-2022, dao động từ 18 triệu đồng đến cao nhất là 199,7 triệu đồng/năm. Như vậy, nếu giữ nguyên mức học phí cũ, có thể thấy, học phí năm 2022-2023 của Đại học Luật TP.HCM giảm khá mạnh.
Sinh viên khóa 47 của Đại học Luật TP.HCM nhập học năm 2022. Ảnh: hcmulaw
Nhà trường cho biết sẽ tính lại học phí của sinh viên, học viên theo mức thu mới và cập nhật lại trên trang đào tạo.
Đối với số học phí đã nộp còn thừa của học kỳ I năm 2022-2023 (do chênh lệch giữa mức thu học phí đã tạm nộp và mức thu thực hiện theo Nghị quyết 165/NQ-CP của Chính phủ) sẽ để lại và được cấn trừ vào học kỳ II năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo, học viên và sinh viên chỉ phải nộp lại số tiền còn thiếu sau khi cấn trừ.
Đối với những học viên, sinh viên đã đóng hết học phí và học kỳ cuối (chỉ còn học vào học kỳ I năm học 2022-2023) hoặc đợt cuối, phần học phí nộp thừa do chênh lệch giữa mức thu học phí đã tạm nộp và mức thu thực hiện Nghị quyết 165/NQ-CP của Chính phủ thì nhà trường sẽ hoàn trả lại cho người học sau khi xác định các chính xác thông tin liên quan.
Trước đó, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng thông tin về việc sẽ được hoàn lại số tiền học phí chênh lệch. Chia sẻ với báo chí, ông Trần Vũ - Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, khóa tuyển sinh năm 2022 là lứa sinh viên đầu tiên nhà trường thực hiện tự chủ nên các em vẫn đóng học phí theo đề án. Đối với các sinh viên năm 2 trở đi, nhà trường sẽ cấn trừ tiền học phí vào học kỳ II…
Theo đề án tuyển sinh được công bố, nhiều trường đại học đã áp dụng mức trần học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí từ năm học 2022-2023. Mức học phí được cho là tăng rất mạnh, từ 30-70%, đặc biệt là ở các trường đào tạo khối ngành sức khỏe
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP 2022 học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023 nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như hỗ trợ hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn.
Trong đó, Nghị quyết nêu rõ: "Đối với học phí của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thì giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021-2022 đã quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP".