Thứ năm, 25/04/2024 | 08:32
RSS

Một người đàn ông bán thịt nguy kịch vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Thứ năm, 29/12/2022, 06:40 (GMT+7)

Một người đàn ông làm nghề bán thịt lợn (ở quận Hà Đông, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn


Điều trị một bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh Tạp chí Tri thức trực tuyến.

Chiều 27/12, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, đã ghi nhận một người đàn ông dương tính với vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn. 

Cụ thể, bệnh nhân 59 tuổi, sống tại phường Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội) được đưa vào Bệnh viện Quân y 103 thăm khám, trong tình trạng sốt cao (39 - 40 độ C), yếu nửa người phải, mệt mỏi. Tại bệnh viện, bệnh nhân được xác định vẫn tỉnh táo nhưng tiếp xúc chậm, cứng gáy, yếu nửa người phải. 

Qua kết quả chụp cắt lớp vi tính não phát hiện có hình ảnh nhồi máu não vùng nhân bèo phải. Kết quả nuôi cấy dịch não tủy dương tính với Streptococcus suis (vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn). Qua điều tra bệnh sử, người đàn ông này làm nghề bán thịt lợn. 

Như vậy, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, đây là ca mắc liên cầu lợn thứ 4 ghi nhận trong năm 2022 (tăng 3 ca so với cùng kỳ 2021). Trong số các ca bệnh ghi nhận trước đó, đa phần đều là các bệnh nhân có tiền sử ăn tiết canh.

Trao đổi với PV Dân trí, BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, bệnh liên cầu lợn lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín. Do đó, không chỉ ăn tiết canh mà ngay cả khi giết mổ, chế biến lợn không tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn, cũng có thể bị nhiễm liên cầu khuẩn.

Nhiễm khuẩn liên cầu lợn có nhiều thể bệnh nhưng có 2 thể chính là: thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Với thể nhiễm trùng huyết, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh và nặng. Bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng rối loạn đa cơ quan. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.

Với thể thứ hai là viêm màng não, thường tiên lượng điều trị sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ có những biến chứng về lâu dài như liệt, các di chứng về mặt thần kinh.

Cũng theo BS Phúc cũng thông tin thêm, chi phí điều trị với những ca liên cầu khuẩn diễn biến nặng là rất lớn. Với các bệnh nhân, phải lọc máu, thở máy, điều trị kháng sinh mạnh có thể tốn nhiều triệu đồng mỗi ngày. Không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn "khánh kiệt" chỉ vì hậu quả từ một bữa tiết canh. Chưa dừng lại ở đó, bệnh nhân sau khi ra viện có nguy cơ cao phải sống với các di chứng suốt đời, tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh liên cầu lợn thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết... Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể tới 7%.

Từ thực trạng này, bác sĩ khuyến cáo người dân cần tuyệt đối đảm bảo nguyên tắc ăn chín, uống sôi để đón Tết vui khỏe. Người dân không nên giết mổ lợn trong điều kiện chưa đảm bảo vệ sinh, không ăn thịt lợn sống, chưa chín kĩ hoặc các món tái, tiết canh. Người dân cũng không nên mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại